Xã hội

“Liệt sĩ” về làng

LÊ HƯƠNG 27/07/2024 13:00

Trong chiến tranh có những chuyện hy hữu xảy ra như chuyện trở về của “liệt sĩ” Lê Văn Hảo (sinh năm 1945) ở khu dân cư Trại Xanh, phường Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) sau thời gian dài gia đình nhận giấy báo tử.

img_5253.jpg
Ông Lê Văn Hảo sống hạnh phúc bên bà Toan, người vợ hiện tại của mình

Báo tử

“Một buổi chiều mùa đông năm 1968, từ đầu làng đến cuối làng, người ta kháo nhau chuyện cậu tôi đã hy sinh. Đi học về tới góc sân, tôi thấy mọi người tập trung đông lắm. Lúc đó chỉ là một đứa trẻ nhưng lòng tôi nặng trĩu, những ký ức và tình thương dành cho cậu cứ dội về…”, anh Trần Đức Chính, cháu của “liệt sĩ” Lê Văn Hảo kể.

Ông Nguyễn Văn Hước (sinh năm 1939) ở khu dân cư Duyên Linh, phường Duy Tân là người nhận giấy báo tử của ông Hảo từ huyện và trực tiếp trao cho gia đình. Bà Lê Thị Hải ở khu dân cư Châu Xá, phường Duy Tân, chị gái của ông Hảo kể lại khoảnh khắc ấy: “Tôi vẫn nhớ rõ trong giấy ghi, em tôi hy sinh tại mặt trận phía Nam. Không biết xác thịt em gửi lại nơi đâu, bầu trời như sụp xuống, cả gia đình tôi chỉ còn biết khóc thương”.

Theo lời bà Hải, gia đình có 4 chị em. Ông Hảo là út và em trai duy nhất. Mồ côi cha mẹ sớm, 4 chị em rau cháo nuôi nhau. Các chị lớn đi lấy chồng, ông Hảo về ở với chị gái thứ hai và anh rể. “Không thuộc diện phải đi bộ đội vì là con trai một nhưng em tôi vẫn xung phong đi đánh giặc. Lúc ấy cậu Hảo đã có vợ nhưng vợ chồng sống không hạnh phúc, nghĩ tôi lại càng thương em”, bà Hải xúc động nói.

Chỉ sau 2 ngày nhận giấy báo tử, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức lễ truy điệu cho ông Hảo. Ông Hước được giao trọng trách lo cho buổi lễ. Khi đó, tiêu chuẩn của mỗi liệt sĩ được 24 đồng để tổ chức lễ truy điệu. “Tôi ra cửa hàng mậu dịch lĩnh 1 cây thuốc lá, 6 gói chè trị giá 3,6 đồng để làm lễ truy điệu cho ông Hảo. Số tiền còn lại, Ban tổ chức trao lại cho gia đình”, ông Hước nhớ lại.

Lễ truy điệu ông Hảo được tổ chức trang trọng tại sân trường cấp 2 xã Duy Tân. “Lúc đó, nhân dân đến chật kín sân. Tôi phải kìm nén khi đọc điếu văn nhưng mọi người ai cũng khóc”, ông Hước nói.

O Huoc
Ông Hước (ngoài cùng bên trái), người trực tiếp trao giấy báo tử và tổ chức lễ truy điệu cho ông Hảo

Ngày trở về

Không ai nghĩ, sau nhiều năm gia đình nhận được giấy báo tử, “liệt sĩ” Lê Văn Hảo lại trở về bằng xương bằng thịt.

Vào một buổi chiều tháng 12/1975, bên con sông đầu làng, người ta thấy thấp thoáng dáng ai nhỏ bé với bộ quân phục và chiếc ba lô cũ khoác trên vai. Rồi có người nói: “Ai như thằng Hảo, thằng Hảo về rồi”! Dân làng bỏ cày, bỏ cuốc chạy theo dáng người nhỏ bé ấy bước về phía làng. Người con gái tên Toan lúc ấy ngoài đôi mươi đang bừa ruộng cũng bỏ cả trâu chạy về phía anh bộ đội. Sau này, bà Toan trở thành vợ của ông Hảo.

Người nhà nghe tin ông Hảo về nửa tin nửa ngờ. “Chẳng biết sự thể ra sao nhưng vẫn hy vọng em mình còn sống, chúng tôi bỏ dở công việc để về”, bà Hải nói. Và đúng là “liệt sĩ” Hảo đang hiển hiện trước mặt người thân, bà con lối xóm. “Không hạnh phúc nào sánh bằng. Chúng tôi òa khóc ôm lấy em”, bà Hải cho biết thêm.

Trong vòng tay của gia đình, làng xóm, ông Hảo kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ… Ông Hảo nhập ngũ ngày 29/4/1966, chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, 17 ngày đêm ông cùng đồng đội giành giật từng tấc đất với địch. Bị sốt rét hoành hành, có lúc ông tưởng mình đã chết. Ông bị thương ở tay phải, gáy. Bị thất lạc đơn vị, ông được người đồng bào thiểu số cưu mang. Theo ông Hảo, có thể đây là lý do đơn vị cho rằng ông đã hy sinh và đánh giấy báo tử gửi về địa phương. Sức khỏe yếu, ông Hảo được chuyển về đơn vị công binh của Quân khu 5, nhận nhiệm vụ mở đường. Năm 1974, ông được điều chuyển về Trường Quân chính tổng hợp Quân khu 5. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được về theo chế độ phục viên.

img_5303.jpg
Bà Lê Thị Hải, chị gái ông Hảo kể về khoảnh khắc em trai trở về

Trên chuyến xe trở về quê định mệnh, khi qua đèo Hải Vân, xe bị lật xuống vực. Trên xe có 59 bộ đội thì 57 người bỏ mạng, chỉ còn ông Hảo và một phụ xe may mắn sống sót. “Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình được anh phụ xe kéo khỏi chiếc xe. Tư trang và các loại giấy tờ bị mất hết. Chúng tôi dìu nhau đi tìm binh trạm báo tin và được cho ăn, quần áo để mặc”, ông Hảo cho biết.

Trở về với hai bàn tay trắng, vợ cũ đã bỏ đi xây dựng cuộc sống mới từ lâu, ông Hảo buồn nhưng tự nhủ, mình còn sống, còn được trở về đã là may mắn.

Anh bộ đội Hảo lúc ấy được gia đình mai mối với người con gái tên Toan nhà ngay cạnh. “Người ta còn có dậu mồng tơi ngăn cách chứ chúng tôi sân còn đi chung, nhà nọ xuyên sang nhà kia thì có gì ngăn cản được đâu”, ông Hảo nói vui về chuyện nên duyên với người vợ hiện tại. Còn bà Toan cho rằng, chồng mình là người hiền lành, lại có hoàn cảnh đặc biệt. Thấy thương cảm nên bà đồng ý.

Ông Hảo được ưu tiên làm nhân viên đưa báo tại bưu điện xã, kiếm thêm thu nhập. Năm 1988, ông nghỉ công việc này. Năm 2015, ông Hảo bị đột quỵ. Từ đó đến nay, sức khỏe yếu, ông hầu như không làm được gì. Mọi việc trong nhà đều do bà Toan gánh vác, nuôi 4 người con ăn học, trưởng thành. Hai ông bà sống vui vẻ, nương tượng vào nhau lúc tuổi già.

LÊ HƯƠNG