Một người tử vong, 4 người đi cấp cứu sau khi ăn cỗ đám cưới
Sau khi uống rượu ở một đám cưới, 5 người có dấu hiệu ngộ độc cồn methanol. Trong đó, một ca đã tử vong trước khi vào viện cấp cứu.
Ngày 23/7, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu cho 4 trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol sau khi uống rượu trong đám cưới tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
Theo người bệnh, ngày 21/7, 5 người cùng nhau uống rượu liên tiếp 2-3 bữa, không rõ nguồn gốc rượu và uống nhiều nhất vào buổi tối. Sau đó, nhóm người này có biểu hiện mệt, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay run, có người rơi vào tình trạng khó thở, ngủ li bì. Sau đó, một người đã tử vong, 4 người còn lại được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu methanol, biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao, nguy cơ tổn thương não.
Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Với loại rượu thông thường, nồng độ ethanol chỉ có 14%.
Bác sĩ Nguyên cho biết methanol là cồn sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương, đặc biệt với thần kinh thị giác và não. Nhiều bệnh nhân chủ quan với các dấu hiệu, khi vào viện muộn, mắt có thể đã bị mù hoàn toàn, tổn thương thần kinh dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân qua khỏi, di chứng để lại cũng hết sức nặng nề.
Bác sĩ Nguyên lo ngại số người ngộ độc rượu có thể nhiều hơn vì khách đến ăn cưới đông và có thể chưa bộc lộ triệu chứng.
Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều trường hợp không có biểu hiện ngộ độc nhưng nồng độ methanol trong máu rất cao. Nếu không được điều trị, những người này sẽ nhanh chóng bị giảm thị lực, ảnh hưởng não.
Trong sáng 24/7, Trung tâm Chống độc tiếp nhận thêm nam bệnh nhân (49 tuổi) ngộ độc cồn methanol sau 3 ngày uống rượu liên tiếp. Khi vào viện, người đàn ông này đã hôn mê. Hiện tại, nam bệnh nhân phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, hàm lượng methanol trong máu cao. Bác sĩ Nguyên nghi ngờ loại rượu bệnh nhân uống cùng một nguồn với 4 bệnh nhân nêu trên.