Quốc tế

Đội bơi Trung Quốc bị kiểm tra doping hơn 200 lần trước Olympic

TB (theo VnExpress) 23/07/2024 12:41

Đội bơi Trung Quốc phải chịu hơn 200 cuộc kiểm tra doping chỉ trong nửa tháng chuẩn bị cho Olympic Paris 2024.

Kình ngư Trung Quốc, Zhang Yufei giành hai HC vàng và hai bạc tại Olympic 2021. Ảnh: CFP
Kình ngư Trung Quốc, Zhang Yufei giành hai huy chương vàng và hai huy chương bạc tại Olympic 2021

Trên mạng xã hội Weibo hôm 21/7, chuyên gia dinh dưỡng Yu Liang phàn nàn rằng mỗi thành viên đội bơi Trung Quốc đã phải trải qua từ năm đến bảy cuộc kiểm tra doping từ hôm 6/7, thời điểm đến Paris chuẩn bị cho Olympic. Tổng cộng, Cơ quan Kiểm nghiệm quốc tế ITA đã thực hiện hơn 200 cuộc kiểm tra đối với họ.

"Chúng tôi phải đến vào lúc sáu giờ sáng để kiểm tra, và trong giờ nghỉ trưa, chúng tôi không có nơi nào khác để nghỉ ngoài ghế sofa ở sảnh khách sạn", Yu Liang cho biết thêm. "Sau đó, chúng tôi lại đến vào lúc chín giờ tối và phải thức đến nửa đêm".

Năm 2023, 22 kình ngư bị kiểm tra doping nhiều nhất đều là người Trung Quốc. Ba kình ngư bị kiểm tra nhiều nhất là Qin Haiyang với 46 cuộc, Zhang Yufei với 43 cuộc và Li Bingjie với 42 cuộc.

Trong khi đó, kình ngư không phải người Trung Quốc đại lục bị kiểm tra nhiều nhất là vận động viên Hong Kong, Siobhan Haughey, chỉ với 17 cuộc. Ngoài châu Á, Summer McIntosh và Bobby Fink dẫn đầu với cùng 16 cuộc.

Đội bơi Trung Quốc bị giám sát chặt là vì bảy tháng trước Olympic 2021, 23 kình ngư nước này dương tính với chất cấm Trimetazidine (TMZ) tại một giải bơi quốc gia. Khi đó, cơ quan chống doping Trung Quốc (CHINADA) giải thích rằng các kình ngư ăn phải thực phẩm nhiễm TMZ. Họ cho biết đã phát hiện chất này trong các hộp đựng gia vị ở nhà bếp và bộ phận thoát nước của khách sạn.

Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đã chấp nhận giải thích của CHINADA, giữ kín thông tin và cho các kình ngư Trung Quốc tiếp tục thi đấu. Sau đó, tại Olympic 2021, Zhang Yufei giành hai huy chương vàng, hai bạc, còn Li Bingjie giành một vàng và một đồng.

Vụ việc chỉ lộ ra ánh sáng từ tháng 4 năm nay, khi tờ New York Times (Mỹ) và kênh ARD (Đức) đưa tin. Bê bối đã gây phẫn nộ cho giới chức và kình ngư các nước khác.

Cuối tháng 6, huyền thoại Michael Phelps và kình ngư Allison Schmitt đã có mặt tại phiên điều trần của Tiểu ban Thương mại và Năng lượng thuộc Hạ viện Mỹ nhằm xem xét liệu Chính phủ Mỹ có nên dừng tài trợ cho WADA hay không.

"Với tư cách vận động viên, niềm tin của chúng tôi có thể không còn bị đặt một cách mù quáng vào WADA, một tổ chức tiếp tục chứng minh rằng họ không có khả năng hoặc không sẵn lòng thực thi các chính sách của mình một cách nhất quán trên toàn thế giới", Phelps nói.

Năm 2021, Schmitt nằm trong số bốn kình ngư Mỹ về thứ hai nội dung bơi 4x200 m tiếp sức tự do nữ. Đội Trung Quốc về nhất, trong đó có cả Zhang Yufei và Li Bingjie.

"Chúng tôi tôn trọng thành tích của Trung Quốc và chấp nhận thất bại. Nhưng bây giờ, khi biết rằng họ có các vận động viên không bị đình chỉ thi đấu sau khi dương tính với chất cấm, tôi nhìn lại với vẻ nghi ngờ. Chúng ta có thể không bao giờ biết được sự thật, và điều đó có thể ám ảnh nhiều người trong nhiều năm", Schmitt nói.

Theo điều tra của công tố viên độc lập Eric Cottier, Giám đốc cấp cao về khoa học và y tế của WADA, Olivier Rabin từng nghi ngờ về giả thuyết thực phẩm nhiễm chất cấm của Trung Quốc. Tuy nhiên, WADA không thể loại trừ khả năng này một cách chắc chắn và ông cũng không thấy có giải pháp nào ngoài việc chấp nhận.

Năm nay, 11 trong 23 kình ngư Trung Quốc bị phát hiện dương tính ba năm trước sẽ tiếp tục tranh tài. Các nội dung bơi trong bể tại Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 27/7 đến 4/8. Các nội dung bơi đường trường diễn ra hai ngày 8 và 9/8.

TB (theo VnExpress)