Biết ơn các anh hùng liệt sĩ
Chúng tôi biết ơn hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã không tiếc tuổi xuân để chiến đấu, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Sau buổi sinh hoạt hè tối thứ 5, chị phụ trách dặn chúng tôi cuối tuần chuẩn bị dụng cụ để dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ của xã. Nghe chị nhắc, chúng tôi không khỏi thắc mắc tại sao lại đi dọn nghĩa trang giữa ngày hè nóng nực?
Thấy mấy đứa thắc mắc vì chưa hiểu chuyện, chị Lan phụ trách ôn tồn bảo:
- Các em biết tháng 7 có ngày gì quan trọng không?
Mấy đứa nhỏ nhao nhao nói:
- Tháng này chúng em được tham gia cuộc thi vẽ tranh và giải bơi của thành phố ạ!
Nghe chúng tôi nói chị Lan chỉ cười rồi bảo:
- Các em quên một sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa của tháng 7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ rồi.
Nghe chị nói chúng tôi mới ồ lên. Đáng ra tôi phải nhớ ngày này nhất vì năm nào tôi cũng theo bố mẹ về quê thắp hương cho cụ. Cụ tôi là liệt sĩ. Cụ hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị. Mẹ tôi thường kể nơi đây từng là túi bom, chảo lửa. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh, máu nhuộm đỏ sông Thạch Hãn để bảo vệ từng tấc đất của quê hương.
Sáng thứ bảy, ông mặt trời dậy sớm. Chị Lan phụ trách dẫn chúng tôi đến nghĩa trang liệt sĩ của xã. Từ cổng nghĩa trang chúng tôi thấy thoang thoảng mùi hương trầm. Hình như đã có người đến thăm viếng mộ các liệt sĩ từ sớm. Hai cây đại xanh tốt, hoa nở hoa trắng, đứng hai bên cổng, canh giấc ngủ cho các anh. Trong nghĩa trang, từng ngôi mộ thẳng hàng. Tôi thấy có những phần mộ trên bia ghi tên, tuổi đầy đủ của liệt sĩ nhưng cũng có phần mộ vẫn ghi là liệt sĩ vô danh. Chị Lan giải thích đó là mộ của những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường của đất nước nhưng hài cốt chưa được đưa về quê hương nên vẫn phải để mộ vô danh.
Khi đã hiểu thì không ai bảo ai chúng tôi chăm chỉ làm việc hơn, quét dọn khuôn viên nghĩa trang thật sạch để những ngày tháng 7 này các cấp, ngành, đoàn thể và người thân về thăm viếng các liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây. Chị Lan hướng dẫn chúng tôi trồng những bông hóa cúc vàng, cúc trắng trên mỗi ngôi mộ. Đến nơi tôn nghiêm và linh thiêng này chúng tôi yên lặng làm việc không dám cười đùa sợ anh hưởng đến nơi yên nghỉ của các liệt sĩ.
Chẳng mấy mà đến đêm thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ của xã. Năm nay chúng tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị các tiết mục văn nghệ cho hôm diễn ra nghi lễ linh thiêng này.
Năm trước tôi không được tham gia nghi lễ này ở xã mà theo mẹ về dự lễ thắp nến tri ân ở nghĩa trang quê ngoại. Dưới ánh nến lung linh, tiếng nhạc trầm hùng, chúng tôi được các bác thương binh kể cho nghe những câu chuyện về chiến tranh, những trận đánh khốc liệt nơi chiến trường. Những bài hát ca ngợi, biết ơn sự hy sinh của cha ông, nhất là các gia đình có công với cách mạng khiến nhiều người xúc động.
Mẹ tôi bảo, cụ tôi hy sinh khi ông ngoại mới tròn 6 tuổi. Cụ bà khi ấy nhất định không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Những kỷ vật của cụ ông được gia đình gìn giữ rất cẩn thận. Đó là chiếc ca sắt đã hoen gỉ, chiếc võng dù đã bạc màu theo thời gian và còn rất nhiều những kỷ vật được đồng đội mang về trao cho gia đình tôi khi cụ mất. Thỉnh thoảng những kỷ vật đó lại được ông ngoại mang ra lau rồi gấp lại cẩn thận. Đây là những kỷ vật mà ông được biết về bố của mình vì khi cụ mất ông tôi còn quá nhỏ và chưa một lần được gặp cụ.
Năm nay tôi đã lớn và hiểu hơn về ý nghĩa của Ngày Thương binh, liệt sĩ. Chúng tôi thầm biết ơn hy sinh của thế hệ cha ông. Họ đã không tiếc tuổi xuân để chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho chúng tôi được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay.