Kinh tế

Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030

VN (theo VnExpress) 22/07/2024 22:30

Chính phủ đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đến 2030 khoảng 7.500 USD, tương đương 190 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại.

gdp.jpg
GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam đạt 4.284,5 USD

Đây là một trong các mục tiêu thuộc Chương trình hành động được Chính phủ ban hành ngày 22/7 nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), GDP bình quân đầu người cung cấp thước đo cơ bản về giá trị sản lượng nền kinh tế trên bình quân đầu người, là chỉ số gián tiếp về thu nhập bình quân đầu người. Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người được coi là thước đo rộng rãi của tăng trưởng kinh tế.

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy, mục tiêu này của Chính phủ tăng 75% so với kết quả năm ngoái.

Năm nay, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 4.500 USD, bằng 60% so với mục tiêu đề ra vào 2030.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo con số này trong năm nay là 4.620 USD, tương đương hơn 117 triệu đồng theo tỷ giá hiện hành. So với năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã tăng hơn 9 lần.

Bênh cạnh GDP bình quân đầu người, Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% mỗi năm. Đến cuối thập niên này, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh công nghiệp.

Theo đó, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP và giá trị gia tăng của công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.

Để đạt được điều này, Việt Nam nhắm đến việc thành lập được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên và mũi nhọn. Cùng với đó, xây dựng và phát triển một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh quốc tế, làm chủ một số chuỗi giá trị sản xuất.

Bên cạnh công nghiệp, khu vực dịch vụ dự kiến chiếm tỷ trọng trên 50% GDP. Trong đó, riêng du lịch đạt 14-15% GDP.

VN (theo VnExpress)