Tác giả - Tác phẩm

Một thi sĩ - liệt sĩ đa tài

NGUYỄN TƯỜNG VĂN 27/07/2024 10:13

Nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Mỹ đã để lại những trang thơ giàu sức chiến đấu, trong đó có bài thơ nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ”.

nguyen-my-thu-but-vanvn.jpg
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Mỹ (1935-1971) và thủ bút

Mùa xuân năm 1936, Nguyễn Mỹ chào đời tại làng Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 16 tuổi ông đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Pháp. 3 năm sau, lệnh tập kết ra Bắc, ông đóng quân ở Nghệ An. Từ năm 1957, Nguyễn Mỹ đã viết báo và có bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội...

Ngoài sáng tác thơ văn, làm báo, chơi đàn, Nguyễn Mỹ còn viết nhạc. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại, năm 1967, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vùng Vĩnh Linh-Quảng Trị. Bấy giờ nơi đây trở thành tuyến lửa. Từ nơi sơ tán, Lư Nhất Vũ về Hà Nội nhân tiện ghé thăm đồng nghiệp Nguyễn Tuân (tên thật của cố nhạc sĩ Nhật Lai, anh của nhà thơ Nguyễn Mỹ) ở quận Cầu Giấy. Lúc ấy nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng từ nơi làm việc tranh thủ đến đây thăm gia đình anh chị và người yêu ở Đoàn văn công Tây Nguyên. Không hẹn mà gặp, tại đây Nguyễn Mỹ và Lư Nhất Vũ đàm đạo việc sáng tác phục vụ kháng chiến. Lư Nhất Vũ soạn phần nhạc còn Nguyễn Mỹ viết phần lời cho ra đời ca khúc "Câu hò trên tuyến lửa Vĩnh Linh" mang âm hưởng dân ca miền Trung. Ca khúc do ca sĩ Quốc Hương thể hiện. Trong ca khúc ấy có những đoạn Nguyễn Mỹ viết lời rất ấn tượng:

Hò là hò khoan... ớ khoan hò!

Ai về đất mẹ Vĩnh Linh

Quê tôi có dòng Bến Hải ân tình nặng sâu.

Tháng ngày kết sáng hạt châu

Núi sông hai miền vẫn liền một câu tâm tình...

...Hò là hò ơ dô!

Ngó qua tiền tuyến bên bờ Nam

Nhắn anh giải phóng đang hành quân

Vĩnh Linh không ngừng đêm ngày dồn sức hậu phương

Cho Bắc Nam sum họp thắm tình đất mẹ của ta...(*)

Sau ca khúc ấy, năm 1968 nhà thơ Nguyễn Mỹ xung phong về miền Nam chiến đấu, công tác ở Tiểu ban tuyên truyền thuộc Tuyên huấn khu V, đồng thời làm phóng viên chiến trường báo Cờ Giải Phóng miền Trung Trung bộ.

Tình yêu thăng hoa thường tạo cho người cầm bút tạo ra những tác phẩm xuất sắc. Được biết mối tình đầu thắm thiết, tươi đẹp của Nguyễn Mỹ với một nữ ca sĩ trong Đoàn văn công Tây Nguyên trung ương những năm nhà thơ sống ở Hà Nội đã góp phần tạo cảm hứng để ông cho ra đời tác phẩm “Cuộc chia ly màu đỏ”. Mối tình sau cùng nơi trận mạc Trường Sơn với một nữ bác sĩ cũng thành chất xúc tác cho tác giả cho ra đời tác phẩm “Hơi ấm đường rừng” rất ấn tượng. Cuộc tình chiến trường sắp đi đến hồi kết thì nhà thơ hy sinh trong một trận càn lớn của địch vào khu sản xuất phục vụ kháng chiến bên bờ sông ĐăkTa, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam vào sáng 16/5/1971.

NGUYỄN TƯỜNG VĂN