Tuyển y khoa bằng điểm văn
Khi dạy phần Kỹ năng kể chuyện cho sinh viên ngành truyền thông, tôi luôn nhấn mạnh, kỹ năng này quan trọng với hầu hết ngành nghề, nhất là các ngành liên quan đến con người. Ví dụ ưa thích là bố tôi - một bác sĩ Đông y.
Uy tín của ông với người bệnh không chỉ ở việc chữa trị mà còn ở lòng đồng cảm thấu hiểu. Buổi chữa bệnh luôn bắt đầu với khoảng 15 phút gợi chuyện: ông sẽ đặt câu hỏi thật dân dã sao cho bệnh nhân thoải mái đưa ra các triệu chứng như thể kể lại bệnh trạng cho một người bạn.
Sau đó đến phần chuyên môn, ông rà kỹ lại các điểm trọng yếu để rút ra kết luận về bệnh. Bố tôi cho rằng, nếu chỉ tra vấn bệnh nhân kiểu điền thông tin theo mẫu chẩn đoán hoặc theo thiên kiến có sẵn của bác sĩ thì rất dễ bỏ sót các triệu chứng dị biệt - đường dây đến những vấn đề sức khỏe đặc thù.
Kết thúc buổi khám bệnh, ông thường kể lại một ca chữa trị thành công để người bệnh lạc quan, yên tâm hơn. Đó là cách nhiều bác sĩ san sẻ gánh nặng tinh thần cùng người bệnh. Chữa bệnh cần cả chữa thân bệnh lẫn tâm bệnh.
Ví dụ trên cho ta thấy tri thức về sinh lý không phải đòi hỏi duy nhất đối với bác sĩ, nhân viên y tế trong mối quan hệ với bệnh nhân, với cộng đồng.
Ngày 17/7, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Bệnh viện K, GS.TS Lê Văn Quảng đã yêu cầu chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên y tế, sau khi có thông tin phản ánh về những tình huống bác sĩ chưa chu đáo, tận tình trong khám chữa bệnh.
Đào tạo y khoa những năm gần đây đã bắt đầu có chuyển biến tích cực để trang bị kỹ năng giao tiếp - trò chuyện cho các nhân viên y tế tương lai. Năm 2024, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trở thành trường công lập đầu tiên đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển (tổ hợp B03 gồm Toán, Sinh, Văn) với ngành điều dưỡng và y tế công cộng. Trước đó, Đại học Văn Lang đã tuyển ngành y khoa có tổ hợp D12 (Văn, Hóa, tiếng Anh) và ngành điều dưỡng thêm tổ hợp C08 (Văn, Hóa, Sinh).
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xét B03 (Toán, Sinh, Văn) cho ngành Quản lý bệnh viện, Trường Đại học Công nghệ TP HCM xét thêm tổ hợp C08 (Văn, Hóa, Sinh), S07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) cho các ngành dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học...
Tuy vậy, dư luận có ý kiến trái chiều khi tuyển sinh đầu vào ngành y không còn là nơi thống trị tuyệt đối của Toán - Hóa - Sinh như truyền thống hàng chục năm nay tại Việt Nam. Tôi hiểu những băn khoăn của luồng ý kiến phản đối, nhưng suy xét kỹ thì điểm Văn mới chỉ nằm trong các tổ hợp xét tuyển cho các ngành như điều dưỡng, dược học, y tế công cộng hoặc quản lý...
Coi y tế là ngành thuần túy "thân thể" chứ không có tính tâm lý - xã hội là cách tiếp cận bảo thủ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, với sự đa dạng ngày càng lớn về giới, chủng tộc, tôn giáo, thu nhập... của bệnh nhân; kỹ năng giao tiếp liên văn hóa trở thành năng lực thiết yếu của đội ngũ y tá, bác sĩ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hệ thống y tế.
Trong đào tạo, tư duy phản biện trở thành kỹ năng ngày càng được chú trọng với sinh viên, bao gồm cả sinh viên ngành y. Nó không chỉ quan trọng trong việc ra quyết định y tế trong các điều kiện ngặt nghèo mà còn ở việc giải thích một cách thông suốt cho các bên liên quan (nhà cầm quyền, bệnh nhân, người nhà...) về quyết định y tế phức tạp trên. Nếu không, sẽ luôn tiềm tàng khả năng xung đột, gây trắc trở cho quá trình điều trị.
Vì vậy, bổ sung các môn có tính văn hóa - xã hội trong tuyển sinh đầu vào và tăng cường các kỹ năng giao tiếp trong quá trình đào tạo y khoa là điều không thể tránh khỏi.
Tchekhov, nhà văn - bác sĩ quen thuộc với độc giả Việt Nam, đã cảnh báo vấn đề này bằng truyện ngắn kinh điển "Chuyến thăm bệnh". Con gái của một điền chủ giàu có bị chẩn đoán là mắc bệnh tim nhưng thuốc thang mãi không khỏi. Bác sĩ Kô-rô-li-ốp, bằng khả năng phân tích xã hội tinh tế của mình, đã nhận ra cô tiểu thư, có đầy đủ triệu chứng của bệnh tim, nhưng thực ra chỉ đang ngộ độc bởi cái xã hội tỉnh lẻ tù túng, ngập chìm trong rượu chè cờ bạc và thói bóc lột của tư bản. Chỉ niềm vui cuộc sống mới giúp cô khỏi bệnh. Tập trung vào thân bệnh mà không chú trọng vào tâm bệnh sẽ khiến hiệu quả chữa trị giảm đi.
Đưa môn Văn nói riêng và các môn khoa học xã hội vào tổ hợp xét tuyển đầu vào các ngành y khoa là một sự đổi mới trong tuyển sinh y khoa, mở rộng lựa chọn nhân lực tương lai cho các vị trí đa dạng trong lĩnh vực y tế.
Tất nhiên, tuyển sinh chỉ là bước đầu, chất lượng đầu ra của sinh viên phụ thuộc chủ yếu vào quá trình đào tạo. Mà đây là vấn đề mọi ngành đào tạo đại học ở Việt Nam sẽ phải chú trọng nâng cao, không chỉ riêng với y khoa.