Giáo dục và đào tạo

Xét tuyển đại học "chưa bao giờ dễ dàng như lúc này"

TB (theo VnExpress) 21/07/2024 11:56

Việc xét tuyển đại học chưa bao giờ thuận lợi, dễ dàng như hiện nay, giúp tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ tư vấn cho thí sinh tại sự kiện do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 20/7. Ảnh: Thanh Hằng
Bà Nguyễn Thu Thủy tư vấn cho thí sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hôm 20/7

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, đưa ra nhận định trên tại Ngày hội tuyển sinh đại học, cao đẳng do báo Tuổi trẻ tổ chức hôm 20/7.

Bà dẫn chứng, đầu tiên là việc đặt nguyện vọng. Theo quy định, thí sinh phải đăng ký mọi nguyện vọng trên hệ thống chung, gồm cả những nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Hệ thống xét từ trên xuống dưới một cách bình đẳng, không có sự chênh lệch về điểm chuẩn giữa các nguyện vọng vào cùng một trường.

Ví dụ, thí sinh A đặt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Ngoại thương, em B cũng chọn trường này nhưng đặt ở vị trí thứ 3. Nếu trượt cả hai nguyện vọng đầu, B vẫn được xét tuyển tương tự như A. Khi B điểm cao hơn, cơ hội đỗ thậm chí nhiều hơn.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng về chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nguyện vọng.

"Mọi người bị ám ảnh bởi quy định xét tuyển từ lớp 9 lên 10, tức là điều kiện áp dụng cho các nguyện vọng sau sẽ nhiều hơn, khó hơn so với nguyện vọng 1. Nhưng xét tuyển đại học không như vậy, mọi nguyện vọng bình đẳng", bà Hiền nói.

Do đó, thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh. Các em được công nhận trúng tuyển tại nguyện vọng cao nhất mà mình đủ điều kiện.

Với nguyên tắc như vậy, các chuyên gia lưu ý thí sinh đặt ngành và trường yêu thích nhất làm nguyện vọng 1. Những ngành/trường đã "trúng tuyển sớm" có thể đặt ở đầu nếu các em thực sự yêu thích, ngược lại có thể đặt phía sau.

Nếu trượt nguyện vọng yêu thích phía trên, thí sinh vẫn chắc chắn trúng tuyển vào các trường/ngành đã đỗ sớm, dù đặt ở dưới.

Thứ hai, theo bà Thủy, hệ thống của bộ chỉ yêu cầu thí sinh đăng ký ngành và trường mà không phải chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Do đó, thí sinh không cần lo lắng nếu điểm theo tổ hợp dự kiến không cao như mong đợi.

Ví dụ, một thí sinh dự kiến ban đầu xét bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) nhưng điểm thi ở tổ hợp D01 (toán, văn, Anh) cao hơn thì hệ thống sẽ tự động xét theo điểm của tổ hợp cao nhất, phù hợp với ngành thí sinh đã chọn.

"Dù dự kiến ban đầu là tổ hợp nào đi chăng nữa, hệ thống cũng sẽ xét hết làm sao để tốt nhất cho các em", bà Thủy nói.

Ngoài ra, việc khai báo khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên của thí sinh được các trường rà soát, xác nhận từ trước khi thi tốt nghiệp THPT nên ít xảy ra sai sót, nhầm lẫn.

Thí sinh cũng được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, và tự do điều chỉnh từ nay đến 17 giờ ngày 30/7.

Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều mà cần cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng sao cho vừa có các ngành mình yêu thích, vừa có các ngành có cơ hội đỗ cao, hạn chế rủi ro trượt tất cả nguyện vọng.

Điểm chuẩn được công bố trước 17 giờ ngày 19/8.

Năm 2023, trong khoảng 660.250 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thì hơn 610.000 em trúng tuyển đợt 1, chiếm tỷ lệ gần 93%.

TB (theo VnExpress)