Tôi chỉ biết vậy về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tôi chưa từng được gặp mặt chứ nói gì trò chuyện với Ông – nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên không dám bạo bút viết nhiều. Tôi chỉ biết vậy...
Tôi viết hai chữ “nhà báo” trước vì tôi tự hào được làm nghề mà ông từng làm. Cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của ông không thể tách rời nhiều năm làm báo, làm lãnh đạo Tạp chí Cộng sản – cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông có gần 30 năm làm việc ở tờ tạp chí quan trọng nhất nước này.
Ông là người đam mê viết. Khi Ông nằm viện, những cuốn sách dày cộp vẫn được giới thiệu. Hẳn là Ông vẫn miệt mài viết từ ngày làm báo, rồi những ngày bận rộn nhất trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Ông vẫn viết và khi sức khoẻ suy kiệt ông vẫn không rời xa nghiệp viết. Với Ông viết là để chuyển tải những đúc rút, những tư tưởng và ý tưởng, cả những ý kiến lãnh đạo. Ông muốn để lại cho hậu thế những chỉ dẫn – tôi nghĩ thế.
Bạn tôi từng tham gia xuất bản sách của Ông kể, Ông cẩn thận từng câu chữ. Những bản thảo đều được Ông sửa tỉ mỉ. Ông tôn trọng ý kiến của người khác, tôn trọng nguyên lý và bảo vệ nguyên tắc.
Con người Ông - Tổng Bí thư - còn đáng khâm phục hơn gấp bội. Tôi không nhớ có bao nhiêu cán bộ cấp cao phải vào tù, mất chức, bị kỷ luật dưới thời Ông làm Tổng Bí thư nhưng tôi dám chắc là nhiều nhất trong các giai đoạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông lãnh đạo công tác xây dựng Đảng bền bỉ, tâm huyết, quyết tâm để dẫn dắt đất nước có cơ đồ "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" và chống tham nhũng tiêu cực quyết liệt. Những khái niệm “củi lửa”, “đốt lò”, “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” xuất hiện dưới thời Ông làm Tổng Bí thư và như Ông nói “không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây". Ông cũng nói: “Tiền bạc nhiều làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Những gì Ông nói có sức thuyết phục vì Ông là tấm gương.
Ông làm Tổng Bí thư sang nhiệm kỳ 3. Đây là một ngoại lệ. Nhưng ngoại lệ này được các đảng viên và nhân dân chấp nhận, ủng hộ. Ông nhiều lần bày tỏ mong muốn được nghỉ ngơi nhưng Đảng giao, dân tin nên vẫn cố gắng làm. Ông đã trọn đời đóng góp cho dân tộc. Thông tin Ông yếu nặng được phát ra chỉ 1 ngày trước khi Ông từ trần.
Sẽ khó viết về Ông trong một bài báo nhỏ, nhất là với một người chỉ quan sát Ông từ xa, nghe những bài phát biểu của Ông, đọc sách của Ông, đọc những gì người khác viết về Ông và bằng cảm nhận như tôi. Nhưng có thể mượn một câu trong bài viết công bố ngay chiều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần 19/7 của Chủ tịch nước Tô Lâm để đánh giá: “Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân”.
Con người Ông đi vào lịch sử còn thuyết phục hơn từ lòng dân. Tôi đọc được những status trên mạng xã hội của người dân, nhân sĩ “Ông tôi yếu… Hiện Ông tôi đang ở 108”, “Nghe tin dữ buồn quá!”, “Thành kính cúi đầu tiễn biệt Ông! Mong Ông nhẹ bước về với Mác - Lênin - thế giới người hiền”…
Trên các trang mạng xã hội tràn ngập màu tang. Không ai bảo ai đa số người dùng Facebook ở Việt Nam chuyển hình đại diện sang sắc đen, sang những hình hài Tổ quốc, treo cờ rủ...
Tôi đọc được những dòng ký ức của những người bạn viết về Ông với tình cảm trân trọng một con người giản dị, tinh tế, khiêm nhường, chân thành, sống cho người khác.
Những hình ảnh của Ông và những người trong gia đình Ông rất thân thương, gần gũi. Những câu chuyện tôi được nghe về người thân của Ông là không ham quyền chức, sống kín tiếng và khiêm tốn.
Dân – “người chở thuyền” cũng là “người lật thuyền”. Những người thật sự đi vào lòng dân trong lịch sử từ cổ chí kim không nhiều!
Tôi chỉ biết vậy!