"Thiên đường" chỉ 400 người được ghé thăm cùng lúc
Người dân đảo Lord Howe hài lòng với cuộc sống không dư thừa, ngày ngày tắm biển, đi bộ đường mòn, đạp xe và bảo vệ môi trường.
Được biết đến như "thiên đường hoang dã cuối cùng của Australia" hay "thiên đường cuối cùng của thế giới", Lord Howe là quần đảo gồm 28 đảo. Đảo chính Lord Howe có diện tích 56 km2, trải dài gần 12 km.
Lord Howe có đầy đủ "tố chất" là điểm đến thu hút lượng lớn du khách, có thể dẫn đến quá tải: những đỉnh núi xanh tươi, bãi biển cát trắng hoang sơ, nước trong thấy cá bơi. Dù vậy, đảo cách phía đông Australia gần 600 km này luôn vắng vẻ. Âm thanh duy nhất khi đi bộ qua rừng nhiệt đới hay trên núi là từ động vật hoang dã.
Lisa Makiiti, người dân đảo kiêm chủ nhà nghỉ Bowker Beach House, nói bí kíp để có cảnh quan hoang sơ chính là hạn chế lượng khách ghé thăm. Trong hơn 40 năm, Lord Howe duy trì giới hạn 400 khách được ghé thăm cùng lúc bằng cách ấn định số phòng có thể cung cấp qua đêm. Động thái này nhằm bảo vệ môi trường sống của nhiều loài đặc hữu trên đảo cũng như giúp đảo được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Darcelle Matassoni, nhân viên làm việc tại Hội đồng Đảo, cho biết giới hạn du khách cũng tạo ra trải nghiệm độc đáo, thu hút nhiều sự quan tâm. Hiện tại, nhà nghỉ của Makiiti đã kín phòng đến 2026. Giá phòng tại các cơ sở lưu trú từ 200 đến 3.000 USD. Vé máy bay khứ hồi từ Sydney đến đảo mùa hè cao điểm có thể lên đến gần 700 USD.
Dean Hiscox, hướng dẫn viên địa phương, nói thiên nhiên trên đảo được ưu tiên hàng đầu, các chính sách đặt ra để bảo vệ điều này. Hơn 85% diện tích đảo đến nay vẫn là rừng nguyên sinh, khoảng 70% nằm trong khu bảo tồn và mọi hoạt động để phát triển trong khu vực này đều bị cấm. Khu dân cư chiếm 15% diện tích.
Cuộc sống trên đảo giống như sống trong một bộ phim tài liệu, theo nhận xét của Ian Hutton, người phụ trách Bảo tàng Lord Howe.
Đảo có nhiều loài thực vật, động vật không tìm thấy ở nơi khác. Các rừng nhiệt đới ngập tràn cây leo, hoa lan và chim. Trên đỉnh Gower, nơi lý tưởng để đi bộ đường dài, là rừng mây quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Sản phẩm xuất khẩu đặc hữu nổi tiếng nhất đảo là hạt của cây cọ Kentia, loại cây cọ trồng trong nhà nổi tiếng thế giới.
Trên bờ biển, du khách đi bộ ngang qua các đàn chim biển Providence Petrel, loài chim biển màu xám trắng, mỏ đen cong. Những con chim được đánh giá rất thân thiện với con người, thậm chí du khách có thể lại gần và bắt chúng lên.
Sự quyến rũ của hòn đảo chính là khiến du khách được gần gũi với thiên nhiên. Các bãi biển chỉ cách khách sạn, nhà nghỉ vài phút đi bộ hoặc đạp xe, ngồi thuyền 5-10 phút tới rạn san hô chính. "Bạn phải mất 3-4 tiếng dành thời gian tham quan rạn san hô Great Barrier nhưng chắc chắn không được thấy nhiều thứ như ở đây", một người dân cho biết. Có khoảng 500 loài cá, cua, sao biển, nhím sống quanh rạn san hô này.
Một trong những nơi đẹp nhất để lặn là Kim tự tháp Ball, khối đá biển cao nhất thế giới nằm cách đảo chính 24 km về phía đông, bao quanh là các hang động, vùng nước có nhiều sinh vật biển quý hiếm.
Đảo còn áp dụng quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt để chống lại các loài xâm lấn. Hàng nhập khẩu, du khách đến đảo đều được kiểm tra kỹ càng. Chính quyền đảo còn dùng chó nghiệp vụ để phát hiện chuột và ếch, xây dựng phía đầu đường mòn trạm dành cho người đi bộ chà giày, dép nhằm ngăn chặn nấm lây lan. Mức độ bảo tồn hòn đảo nghiêm ngặt nhưng lại khiến du khách thích thú ngay từ khi bước xuống máy bay, theo Hutton.
Đảo cũng loại bỏ các loài lợn, dê, mèo hoang dã từng du nhập. Các loài mèo nhà giống mới cũng bị cấm nuôi từ năm 1982.
Năm 2019, chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch săn bắt chuột. Sáng kiến được ủng hộ rộng rãi nhưng việc sử dụng thuốc diệt chuột hóa hóa và kiểm tra nhà dân thường xuyên để diệt chuột khiến nhiều người khó chịu. Nhiều loài động vật bản địa phát triển mạnh sau khi chương trình diệt chuột thành công.
Tuy nhiên, đảo vẫn đối mặt với đe dọa biến đổi khí hậu. Nhiệt độ không khí, đại dương thay đổi trong thời gian dài và hiện tượng El Nino khiến nhiều rạn san hô bị tẩy trắng, rừng mây chết dần.
Lord Howe ngày nay chỉ cách đất liền hai tiếng đi máy bay, nhưng trong quá khứ hòn đảo từng bị cô lập. Trong nhiều thập kỷ, cách duy nhất đến đảo là bằng thủy phi cơ. Theo Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Australia, thủy phi cơ lần đầu cất hạ cánh ở đảo là sau Thế chiến II, thời gian di chuyển ba tiếng. Cuộc sống trên đảo khi đó được đánh giá "chậm chạp và phi vật chất" như không có tivi, internet, điện thoại. "Chúng tôi sống cuộc sống tự do, hoang dã trong an toàn", Makitti nói.
Những năm 1970, chính phủ xây dựng đường băng trên đảo. Thủy phi cơ không còn được sử dụng. Cuộc sống hiện đại hơn nhưng nhiều mặt tại Lord Howe không thay đổi như vài chục năm trước. Người dân rời nhà không cần khóa cửa, cũng không có dịch vụ điện thoại công cộng ngoại trừ wifi.
Trên đảo không có trường nên trẻ nhỏ đều học từ xa hoặc nội trú. Thực phẩm được vận chuyển bằng tàu chở hàng hai tuần một lần nên chi phí sinh hoạt cao gấp ba so với đất liền. Một quả táo trên đảo giá hai USD, một lít sữa gần 2,7 USD. Để giảm chi phí sinh hoạt, người dân cũng trồng trọt các loại rau, quả.
Makiiti cho biết bất chấp những thách thức, người dân cảm thấy may mắn khi được sống như hiện tại: từ chối những thứ dư thừa, tái chế mọi thứ, rảnh rỗi đi lướt sóng, bơi lội, đi bộ đường dài. Phương tiện chủ yếu trên đảo là xe đạp.
Người dân trên đảo có tinh thần tôn trọng, bảo vệ môi trường từ khi còn rất nhỏ. "Họ ý thức từ những điều đơn giản nhất như không làm rơi giấy gói kem", Matassoni nói thêm.