Quốc phòng

Hiệp định Giơ-ne-vơ trong ký ức cựu chiến binh Hải Dương

VY LINH 21/07/2024 06:00

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đêm 20 rạng ngày 21/7/1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). 70 năm sau, ký ức về ngày nghe tin hòa bình năm xưa của nhiều cựu chiến binh Hải Dương vẫn vẹn nguyên.

ong quang
Ở tuổi 97, ông Nguyễn Văn Quảng (bên trái) ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) vẫn nhớ giây phút nghe tin về Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết

Niềm vui khôn xiết

Ông Nguyễn Văn Quảng, sinh năm 1927 ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) có 16 năm tham gia hoạt động cách mạng và trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch toàn thắng, ông tiếp tục đi xây dựng kinh tế, rồi chuyển ngành. Đến năm 1982, ông nghỉ hưu.

Đã 97 tuổi, nhưng khi được hỏi về những năm tháng oanh liệt ông Quảng vẫn nhớ rõ từng sự kiện. “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị tôi tiếp tục ở lại củng cố lực lượng, hỗ trợ nhân dân địa phương dọn dẹp chiến trường, làm đường, sửa cầu. Cuối tháng 7/1954, khi chúng tôi vừa ăn cơm tối, cả đơn vị đang ngồi nghe thông tin thời sự qua đài phát thanh thì biết tin hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Anh em vui quá ôm chầm lấy nhau hò reo, sung sướng”, ông Quảng nhớ lại.

“Sau khi biết tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đơn vị tổ chức cho anh em “ăn tươi” để chào mừng sự kiện. Tinh thần của bộ đội chúng tôi lúc đó vui mừng, phấn khởi vô cùng. Vì qua đài báo, cấp trên thông tin chúng tôi được biết chiến tranh ở Việt Nam và các nước Đông Dương đã được đình chỉ, hòa bình được khôi phục, nhất là việc bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp tại Đông Dương. Chính vì vậy, khi ấy điều kiện còn nhiều gian khổ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng, không màng đói, rét, thiếu thốn, tiếp tục bám trụ ở chiến trường Tây Bắc”, ông Quảng nói thêm.

Năm nay 93 tuổi, ông Phạm Văn Liễm ở thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) vẫn nhớ những ngày tham gia làm nhiệm vụ ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1951, khi vừa tròn 21 tuổi ông lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đoàn 316 (khi ấy gọi là Đại đoàn Cao – Bắc – Lạng). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông trực tiếp đánh chiếm và đặt bộc phá trên đồi A1, nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất của quân đội ta với thực dân Pháp trong chiến dịch. Suốt mấy tháng ròng giằng co với địch, ăn không đủ no, nước không đủ uống, chứng kiến nhiều đồng đội bị thương, hy sinh, nhưng những người lính quả cảm như ông Liễm vẫn vẹn nguyên khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Kết thúc chiến dịch, đơn vị ông Liễm tiếp tục ở lại bảo vệ mục tiêu, tham gia dọn, sửa chữa, làm đường. “Hôm đó vào khoảng ngày 22 -23/7/1954, khi chúng tôi đang bảo vệ mục tiêu thì nhận được tin Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết. Chúng tôi vỡ òa trong niềm vui sướng. Bộ đội, dân công hỏa tuyến và nhân dân ai nấy đều phấn khởi. Nhiều người reo lên: “Quân Pháp cút về nước rồi. Miền Bắc được giải phóng hoàn toàn rồi. Hòa bình rồi”. Trong niềm hân hoan ấy, tinh thần lao động, ý chí rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn rất khí thế”, ông Liễm kể lại.

ong liem
Ông Phạm Văn Liễm (bên trái) ở thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) nhớ lại những ngày ở chiến trường

Hồi sinh

Năm 1954, vừa tròn 21 tuổi, ông Cao Xuân Dớn (năm nay 91 tuổi) ở phố Phạm Sư Mệnh (TP Hải Dương) xung phong lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào đơn vị C295, Đội Thanh niên xung phong 34 với nhiệm vụ rà phá bom mìn; bảo đảm giao thông thông suốt ở khu vực cầu Tà Vài (Sơn La), phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ngày tham gia phục vụ chiến dịch, rà phá bom, mìn, mở đường lằn ranh giữa sự sống và cái chết; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng những thanh niên xung phong như ông đều chung một quyết tâm lớn vì hòa bình, vì độc lập tự do. Ông Dớn cho biết trực tiếp chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống nên khi biết tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ông và các đồng đội như được "hồi sinh". "Một trong những thông tin quý giá nhất với chúng tôi lúc đó là quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Ai nấy đều vô cùng phấn khởi và cùng nhau quán triệt tinh thần hăng say lao động, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Dớn xúc động nhớ lại.

Theo ông Đỗ Trọng Lợi ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự tiếp nối chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, góp phần trực tiếp vào việc kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam và các nước Đông Dương. 70 năm sau ngày hiệp định được ký kết, đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đạt nhiều thành quả to lớn. Trong thành quả ấy có dấu ấn đóng góp quan trọng, lớn lao của quân và dân Hải Dương.

VY LINH