Dành cho người yêu thơ

Thủ thỉ với con về tình yêu Tổ quốc

LÂM ANH 25/07/2024 14:00

"Tổ quốc" là món quà dạt dào cảm xúc mà nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại dành tặng cho hai người con trai của mình.

“TỔ QUỐC”

(Cho Hoàng và Nhật)

... Tổ quốc là khi mẹ sinh con
Có cái mũi dọc dừa, màu da vàng như nắng
Đêm trở dạ có bà con chòm xóm
Bếp lửa hồng ấm suốt cả đời ta

Con lớn như măng trong sự tích đằng ngà
Hồn trẻ Việt tự mang hồn Thánh Gióng
Nết phúc hậu dịu dàng cô Tấm
Nghĩa đồng bào ôm trọn biển và non

Là ngọt ngào tiếng Việt môi son
Ôi tiếng Việt bao thăng trầm xa xót
Cánh cò bay lả vào câu hát
Chạm trang Kiều, tiếng Việt hóa lung linh

Là mùa xuân lắc thắc mưa phùn
Chân bấm ngõ làng đi hội Tết
Hội vui mở suốt giang sơn trời đất
Giêng hai nao thương nhớ cũng la ngà...

Là mùa hè sen ngát những ao quê
Sông Ngân chảy mơ huyền đêm cổ tích
Mùa thu gió thổi đằm hương mật
Hơi thở con căng ngực đất lành

Tổ quốc là biên trấn áo mong manh
Tây rồi Bắc đổi mùa ràn rạt gió
Bao thế kỷ những đợi chờ hóa đá
Đất nước vĩnh hằng cánh võng trước thềm khơi

Là dòng máu cha ông tha thiết chảy muôn đời
Thấm vào đất, vào con, vào sắc cờ cháy rực
Là tất cả những gì yêu dấu nhất
Không gọi được thành lời, thì gọi Tổ quốc ơi!

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại sinh năm 1956 tại quê hương Hà Tĩnh. Ông từng tham gia chiến tranh chống Mỹ. Đến với thơ ca một cách lặng lẽ, khiêm nhường nhưng những tác phẩm của Nguyễn Sĩ Đại lại mang một dấu ấn riêng đi vào lòng người đọc. Mỗi vần thơ của Nguyễn Sĩ Đại đều dung dị và sâu lắng như chính con người ông. Đó là một giai điệu mộc mạc; là tình yêu quê hương da diết; là cảm xúc về đất nước, dân tộc; là tâm tư của người chiến sĩ. Trong những trang thơ đầy thổn thức đó ta bắt gặp một bản tình ca “Tổ quốc” với biết bao nhung nhớ đã gợi lên trong lòng độc giả nhiều suy tư về tình cảm sâu nặng đối với dân tộc Việt Nam.

Đây chính là món quà dạt dào cảm xúc mà tác giả dành tặng cho hai người con trai của mình. Bài thơ gồm 7 khổ, được viết theo thể thơ tự do nhưng không quá phóng túng, nhịp điệu thơ êm dịu, nhẹ nhàng. Ngay đoạn mở đầu đã nêu lên định nghĩa về Tổ quốc: “... Tổ quốc là khi mẹ sinh con/Có cái mũi dọc dừa, màu da vàng như nắng....

Từ xưa đến nay, Tổ quốc thường được đặt trong mối quan hệ tình cảm gắn bó với nhân dân, được xây dựng từ bao đời, gìn giữ và để lại. Thế nhưng ở tác phẩm này, Nguyễn Sĩ Đại lại có một quan niệm rất mới mẻ về Tổ quốc, nó cụ thể, gần gũi nhưng lại rất thân thương và bình dị. “Tổ quốc” được định nghĩa một cách rất cá nhân bắt đầu từ sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người “khi mẹ sinh con”. Điều này nhấn mạnh rằng tình yêu và sự kết nối với Tổ quốc bắt đầu từ những khoảnh khắc đầu tiên của sự sống.

Con đến với cuộc đời mang đặc điểm, diện mạo của “Cái mũi dọc dừa” và “màu da vàng như nắng”. Đây là những đặc trưng quen thuộc thể hiện sự tự hào về nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam, đồng thời khẳng định rằng mỗi người sinh ra đều mang trong mình dấu ấn của Tổ quốc. Con được sinh ra nhờ sự giúp đỡ của “bà con chòm xóm”, có ngọn lửa bếp sưởi ấm trái tim. Đại từ nhân xưng "ta" ở câu thơ cuối thật đắt giá chính là cơ sở để mạch thơ tiếp nối ở phần sau có sự nâng tầm và mang sức khái quát cao hơn.

Thuở ấu thơ, ai không từng nghe những truyện cổ tích "ngày xửa ngày xưa". Con của cha cũng vậy, con được nuôi dưỡng và lớn lên từ kho tàng truyền thuyết và truyện cổ tích thần kỳ: “Con lớn như măng trong sự tích đằng ngà/Hồn trẻ Việt tự mang hồn Thánh Gióng/Nết phúc hậu dịu dàng cô Tấm/Nghĩa đồng bào ôm trọn biển và non”.

Chỉ trong một khổ thơ, tác giả đã gợi nhắc đến những tác phẩm nổi bật trong kho tàng văn học dân gian. Truyền thuyết “Thánh Gióng” với tinh thần quật cường bảo vệ dân tộc. Truyện cổ tích “Tấm Cám” ca ngợi tấm lòng nhân ái. Câu chuyện “Sự tích trăm trứng” giải thích nguồn gốc của từ “đồng bào” - những người anh em cùng một mẹ sinh ra. Phải chăng, tác giả sử dụng những hình ảnh đó để truyền tải thông điệp về giá trị văn hóa, đạo đức và tinh thần dân tộc. Những giá trị này chính là di sản quý báu mà thế hệ trẻ cần kế thừa và phát huy trong tương lai.

Tổ quốc không chỉ gắn bó với mỗi cá nhân con người mà nó còn là sự thừa hưởng và tiếp nối mạch nguồn văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc:“Là ngọt ngào tiếng Việt môi son/Ôi tiếng Việt bao thăng trầm xa xót/Cánh cò bay lả vào câu hát/Chạm trang Kiều, tiếng Việt hóa lung linh”. Câu thơ không chỉ tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt mà nó còn khắc họa sâu sắc lịch sử và bản sắc văn hóa của dân tộc. Với những hình ảnh cụ thể này, tác giả đã khéo léo tạo nên một bức tranh tổng thể về tiếng Việt, một ngôn ngữ chứa đựng bao thăng trầm, đồng thời là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật và văn chương mà kết tinh kỳ diệu nhất là ở kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Định nghĩa về Tổ quốc vẫn chưa dừng lại, nó tiếp tục được nhà thơ tái hiện qua không khí mùa xuân và lễ hội Tết cổ truyền của người Việt. Từ những hình ảnh “mưa phùn” nhẹ nhàng đến những bước chân háo hức đi trẩy hội, từ sự phấn khởi của lễ hội đến cảm giác nhớ nhung của “tháng giêng”, “tháng hai”, tất cả tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy màu sắc và cảm xúc. Khổ thơ không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của mùa xuân mà còn truyền tải những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, đồng thời diễn tả tình cảm sâu đậm của một tâm hồn yêu quê hương tha thiết.

Tổ quốc còn là cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa nuôi dưỡng hồn người với cảnh vật dung dị mà đẹp đẽ. Tác giả đã sử dụng hình ảnh “sen ngát”, “sông Ngân”, “gió thu” để tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động và lãng mạn. Qua đó, độc giả thấy được sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, mang lại cảm giác yên bình từ hơi thở của quê hương.

Cuối cùng, Tổ quốc còn là vùng “biên trấn”, “thềm khơi” mà bao thế hệ cha ông đã không tiếc công sức và máu xương khai phá, vun đắp, giữ gìn; qua sự đổi thay của thời gian, không gian nhưng đất nước vẫn trường tồn và vững chãi. Nhưng thiêng liêng hơn tất cả, Tổ quốc:Là dòng máu cha ông tha thiết chảy muôn đời/Thấm vào đất, vào con, vào sắc cờ cháy rực/Là tất cả những gì yêu dấu nhất /Không gọi được thành lời, thì gọi Tổ quốc ơi!”. Qua biểu tượng cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam, tác giả đã ca ngợi sự hy sinh của cha ông ta, tình yêu quê hương đất nước và những giá trị thiêng liêng không thể diễn tả bằng lời, tất cả đều gói gọn trong từ "Tổ quốc" thân yêu!

Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết từ đầu đến cuối bài thơ, đọc lên như bắt gặp chính tâm hồn mình trong dòng chảy của lịch sử thời đại. Đó là tình yêu quê hương da diết, là sự trân trọng với những giá trị truyền thống và lịch sử dân tộc. Cho dù sống ở nơi thật xa xôi, nhưng tình yêu và nỗi nhớ Tổ quốc vẫn luôn hiện hữu trong trái tim của mỗi người.

LÂM ANH