Tránh tai nạn giao thông, phanh tự động khẩn cấp "thua" tính năng hỗ trợ lái xe
Một nghiên cứu mới đây cho thấy những tính năng hỗ trợ lái xe thông minh như kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) có tác dụng giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả hơn nhóm tính năng hỗ trợ tránh va chạm như phanh tự động khẩn cấp (AEB).
Các mẫu xe ô tô hiện đại ngày nay đa phần đều được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ lái xe nâng cao thường nằm trong hệ thống ADAS, giúp việc lái xe trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
Trong đó, nhóm các tính năng hỗ trợ phòng tránh va chạm bao gồm: phanh tự động khẩn cấp (AEB), cảnh báo lệch làn đường (LDW), cảnh báo điểm mù (BSM), cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCTA),... Nhóm tính năng hỗ trợ lái xe thuận tiện hơn gồm có: kiểm soát hành trình thích ứng (ACC), hỗ trợ giữ làn đường (LKA),...
Dù vậy, nhiều người sử dụng xe ô tô rất dễ nhầm lẫn và không phân biệt được chức năng và công dụng của từng tính năng nên thường không phát huy hết hiệu quả của hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn. Thậm chí, nếu sử dụng tính năng không đúng cách, có thể xảy ra những sự cố ngoài ý muốn.
Viện Bảo hiểm an toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) vừa công bố kết quả khảo sát sơ bộ về hiệu quả của các tính năng hỗ trợ lái xe, thông qua nghiên cứu dữ liệu trên các mẫu xe Nissan và BMW đã lăn bánh 5-11 năm.
Theo đó, IIHS phát hiện, phanh tự động khẩn cấp trên các mẫu xe Nissan đã giúp giảm 8% số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm do hư hỏng. Phanh tự động khẩn cấp trên các mẫu xe BMW giúp giảm 13% yêu cầu bồi thường bảo hiểm do hư hỏng xe và giúp giảm 7% tỷ lệ yêu cầu bồi thường do va chạm, tai nạn.
Trong khi đó, những người lái xe sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng thuộc nhóm tính năng hỗ trợ lái xe thông minh đã giúp giảm tới 25% các vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Điều đó cho thấy, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng hoạt động hiệu quả và có tỷ lệ hỗ trợ lái xe an toàn cao hơn so với hệ thống phanh tự động khẩn cấp.
Tuy nhiên, nghiên cứu này của IIHS cũng có một số vấn đề cần xem xét kỹ hơn. Về cơ bản, hệ thống phanh tự động khẩn cấp và tính năng cảnh báo va chạm phía trước gần như tự động được kích hoạt khi khởi động xe.
Trong khi đó, hệ thống điều khiển hành trình thích ứng (ACC) phải do người dùng chủ động cài đặt và kích hoạt.
Trong điều kiện vận hành hằng ngày, phần lớn người dùng ô tô đều chủ động tắt tính năng phanh tự động khẩn cấp và cảnh báo va chạm trước nên sẽ không thể thống kê được có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra khi người dùng tắt hoặc bật hai tính năng này.
Ngoài ra, nghiên cứu của IIHS chỉ ra rằng các tính năng hỗ trợ lái xe thông minh khác như đèn pha tự động thích ứng cũng có vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu số vụ tai nạn.
Hiện, các hãng xe trên toàn thế giới đang đầu tư kinh phí và nguồn lực để phát triển và hiện đại hoá hơn nữa công nghệ hỗ trợ lái xe nâng cao ADAS. Trong cùng một điều kiện tình huống, các tính năng hỗ trợ lái xe sẽ xử lý cho hiệu quả khác nhau trong tương lai.
Chủ tịch IIHS, ông David Harkey cũng cho biết thêm rằng: "Các công nghệ tự động hoá trên ô tô cũng chỉ mang lại sự tiện lợi khi vận hành, giống như cửa sổ chỉnh điện và sưởi ghế,... Người dùng không nên xem đây là công nghệ mang lại sự an toàn tuyệt đối".