Nhà phố
Thao thấy vui vui và chợt nhận ra, hình như không phải nhà phố là phải kín bưng, muốn mở hay không rõ ràng ở lòng mình.
Mắt nhắm mắt mở, Thao còn nằm trên giường đã nghe tiếng cãi vã oang oang. Rõ ràng Thao đóng cửa kính mà âm thanh chát chúa từ dãy nhà phía sau vẫn dội vào rát cả tai. Cái xóm phố toàn nhà bốn tầng, ô tô hạng sang vây kín khoảng đất trống, ấy thế mà lời tuôn ra chả kém cạnh mấy kẻ côn đồ khi xô xát. Tiếng đồ đạc vung ra sân loảng xoảng. Thao hốt hoảng lay chồng dậy:
- Mau, mau dậy anh ơi, ra ngó xem xóm sau có việc gì.
- Để làm gì em, hôm nào họ chả cãi nhau, liên quan gì mình đâu.
- Nhưng hôm nay có vẻ cãi nhau to, nghiêm trọng rồi - Thao vừa nói vừa bật dậy, đến bên ô cửa sổ, nhè nhẹ vén tấm rèm.
Mâu thuẫn của dãy nhà cao tầng phía sau khởi nguồn từ cái khoảng sân chung trước cửa. Nhà phố, gọi là sân chứ thực ra là đường đi lại cho dãy nhà liền kề. Chính vì thế, ai để gì bày bừa trước cửa đều vướng mắt người khác. Mỗi người, mỗi nhà lại có lý do của riêng mình để biện cớ cho cái sự bày bừa ấy. Nhà thì phi ô tô đỗ chình ình trước sân, nhà thì nới lan can thò ra hết khoảng không trước cửa. Cái kiểu một lần đã để ngứa mắt nhau rồi thì lần sau, hễ có chuyện là muốn đá thúng đụng nia. Từ không to tát thành to tát.
Thao ngó trước nhìn sau, quay trái quay phải, đâu cũng phải giữ ánh nhìn dè chừng. Phố xá ồn ã, phức tạp, không thể cửa không khóa, không cài như ở quê được, càng khép kín càng tốt.
Tuy sống trong tâm thế đề phòng, nhưng nói gì thì nói, "bán anh em xa, mua láng giềng gần", các cụ dạy chả sai bao giờ. Gần hai mươi hộ ở phố này, Thao lọc được vợ chồng bác Viên, dẫu sao người có tuổi, lại sống ở đây mấy chục năm trời, biết tất tần tật mọi chuyển biến như hai bác, quả đáng tin cậy hơn. Thỉnh thoảng Thao nấn ná trò chuyện, mang cho hai bác cái này cái kia, nên đi đâu vắng nhà vẫn có nơi gửi gắm, nhờ vả trông nom nhà cửa.
Đêm hôm rồi, hai vợ chồng Thao vắng nhà. Hơn ba giờ sáng, xóm vắng lặng, mọi người đang chìm sâu giấc ngủ. Dưới màn sương mờ ảo, ánh đèn lúc tỏ lúc mờ, hai cái bóng lởn vởn ở cửa nhà Thao. Hết áp mặt xuống đường, chúng lại nhảy lên cao. Thao tác kì lạ ấy để tìm khe hở, nhòm ngó vào trong nhà. Chúng loay hoay, xoay xở, nhìn trước ngó sau, mà không biết có đôi mắt đang trừng trừng ngắm mình. Bác Viên đứng im lặng theo dõi từ lúc chúng đi vào xóm, thấy hành vi bất thường nên bác cứ đứng nhìn xem chúng làm gì. Từ tầng 3, bác hắng giọng một cái, phát hiện ra có người thức nên chúng lẳng lặng bỏ đi.
Bác Viên là cán bộ hưu trí, mọi thứ từ trang phục, cử chỉ, đến lời ăn tiếng nói bác đều cẩn trọng. Người trong xóm hay xì xào, bác rất khái tính. Chả bao giờ người ta thấy bác ngồi quán nước đầu ngõ, hay bàn ra tán chuyện linh tinh. Hồi Thao mua đất ở đây để xây nhà, may thế nào, người đầu tiên Thao gặp để hỏi han chính là bác Viên. Chắc có duyên nên Thao có cảm giác thân quen ngay.
Trước khi về công tác ở một cơ quan Nhà nước, bác Viên từng tham gia quân ngũ. Bác kể nhiều về kí ức hồi đi lính của mình cho Thao nghe. Thao nhìn bác, nghe chuyện bác say sưa vì hình ảnh của bác luôn khiến Thao nhớ đến bố mình. Giờ bác Viên đã có tuổi nhưng nom dáng vóc phốp pháp vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn, toát lên thần thái mạnh mẽ, quyết đoán. Bác gái thì ngược lại, cảm tưởng hình dáng gầy guộc của bác luôn nem nép sau chồng. Thường ngày bác gái chỉ quẩn quanh chăm sóc mấy cây rau ở thùng xốp, làm công việc nội trợ xong xuôi thì ngồi gõ mõ tụng kinh. Hình như bác chẳng giao lưu, chuyện trò với người nào. Bác đúng típ phụ nữ xưa, còn không cả biết đi xe đạp, nên ngay việc đi chợ hằng ngày là bác trai chở đi. Cho đến bây giờ, Thao chưa biết tên bác gái.
Tiếng chuông vang lên từ nhà bác Viên, lòng Thao chùng xuống. Thao lặng lẽ đi đốt trầm. Hay là Thao bị ảnh hưởng từ bác gái rồi nhỉ. Gần đây, Thao cũng thích ngồi im lặng một mình, nhìn ra ngoài cửa sổ, ngẫm ngợi mông lung. Mùi hương trầm dìu dịu xua xoa mọi tạp âm ồn ào, chỉ còn tiếng chuông boong boong vọng vào thinh không.
Thao từng nghĩ nhiều lần, có phải chính việc gõ mõ tụng kinh khiến cho bác gái có thể cân bằng lòng mình trong khoảng không gian thu hẹp và hoạt động rất đơn điệu hằng ngày không?
- Có khi em theo bác Viên gái, học tụng mấy bài kinh Phật để lòng thanh thản, chứ mấy tháng rồi, ngày nào cũng bị tăng xông với cái mớ hỗn độn ngoài kia - Thao nói với chồng.
- Em thật là... - chồng Thao thở hắt ra, miễn cưỡng trở dậy.
Trong mắt Thao, cái xóm phố có nhúm người này phải đến 90% là người xấu. Mấy hôm nay, Thao luôn bực dọc vì cái kiểu đi ô tô về đến ngõ phải tránh mấy lượt xe máy đỗ chình ình trên đường ngõ. Lúc thong thả còn đỡ, lúc vội vã, tranh thủ từng phút một mà lại phải xuống dắt xe gọn vào, ý thức đúng bằng con ruồi. "Hay bán quách nhà, tìm chỗ khác mua", nhiều lúc Thao nghĩ trong đầu như vậy.
Nhà anh Hải mới mở quán cà phê vỉa hè đầu ngõ. Ý tưởng kiếm tiền gì mà tận dụng không gian công cộng hết mức. Vỉa hè thì biến thành quán, đường thì để xe chình ình. Xuống dắt cũng không xong, lách xe khéo cũng chả lọt. Cứ xe chạm ngõ là Thao thấy người phừng phừng bức bối, khó chịu. Mấy lần suýt nữa cãi nhau với khách đến xóm. Mà lẽ ra, chủ quán tự phải biết sắp xếp và chỉ bảo khách để xe cho gọn gàng.
*
Bà Lanh gần như trưa nào cũng lần mò từng ngõ ngách. Bà nhòm ngó từ góc để đồ bỏ đi của các nhà đến cởi tháo, lục tung từng túi rác, để nhặt nhạnh xem có đồ gì bán được.
Thao hay nhăn mặt khó chịu, gườm gườm để ý bà. Mấy lần đã phải dặn kỹ càng chồng con để đồ đạc cẩn trọng, vì nhỡ đâu không cánh mà bay.
Thao thủ thỉ với bác Viên, như vừa tỏ lòng thương cảm vừa thăm dò chuyện bà Lanh:
- Bác ơi, con cháu nhà bà Lanh chả hiểu đi đâu, không chăm sóc mẹ, từng ấy tuổi rồi, phải bòn từng đồng để ăn. Thấy cám cảnh ghê bác ạ!
- Bà ấy thời trẻ ăn chơi thái quá, có chồng con gì đâu. Thôi thì tự làm tự chịu. Bà Lanh từng sở hữu bao nhiêu đất cát bố mẹ để lại. Nghĩ cuộc đời tài thật, giàu nứt đố đổ vách, lại có ngày đi lượm ve chai. Sao mà xót xa - bác Viên thở dài.
- Thật á bác? - Thao há hốc mồm, kinh ngạc.
Phố này thiếu gì trường hợp như bà. Xưa nơi đây vốn là làng ven phố, đất ruộng, đầm lầy bát ngát. Hộ ít đất thì có một, hai mảnh. Hộ nhiều đất thì cứ gọi là khoanh cả vùng. Khi thành phố mở rộng, đất làng biến thành đất phố. Luồng gió biến đất lúa thành đất “vàng” khiến bao gia đình đổi đời bất thình lình.
Hiếm người như ông Nam, biết nhìn xa trông rộng đi mua, thu gom đất. Lúc ấy, làm thủ tục xin chuyển đổi đất ruộng thành đất ở đơn giản hơn giờ rất nhiều. Ông mua đất, chia lô, bán lấy phần chênh. Lãi hai rồi lãi bốn, lãi bốn rồi lãi tám... Cứ thế, từng bước ông Nam giàu đến tận bây giờ. Dù bất động sản đang chết rấp sau cơn chấn đại dịch Covid-19, ông Nam chả sợ, vì loạt đất ông sở hữu chỉ là của để dành, được giá thì bán, không thì cứ ngâm cũng chả sao. Còn một loạt các hộ vội vã, hoa mắt vì đồng tiền đã nhanh chóng ưng thuận bán đất cho ông như bà Lanh, anh Hải… Cứ như từ trên trời rơi xuống, trong tay bỗng dưng có bao nhiêu tiền, biết làm sao để thỏa hết sự sung sướng ấy, họ phải ăn chơi tiêu xài đến đồng tiền cuối cùng.
May khi vợ chồng Thao quyết định mua lô đất của ông Nam để xây nhà, tệ nạn xã hội đã được dọn dẹp gần như sạch sẽ. Hồi rầm rộ bán đất, dân nhiều tiền nên suốt ngày đề đóm, cá độ…
Cái dáng quắt queo, mặt gầy tong teo, đôi mắt lừ lừ của anh Hải khiến Thao ren rén, dè chừng. Bác Viên cười xòa bảo, xuất thân của nó nào phải dạng vừa, kiểu công tử con nhà giàu sụ, có vai vế ở phố. Đến tuổi choai choai lại dính ngay “nàng tiên nâu” nên đất lớn, đất bé của nhà nó lũ lượt ra đi. Thân tàn ma dại, bố mẹ từ mặt, tưởng đời nó thế là thôi. Lấy con vợ xong thế nào cai nghiện được, làm lại cuộc đời. Thế mới tài. Giờ trông nó hơi nhếch, khùng khùng tí thôi, chứ không hại ai cả. Bác Viên nhìn xa xăm, tiếp câu chuyện. Bác bảo, cuộc sống luôn kỳ lạ, giàu quá, khôn quá cũng chả sướng đâu. Khối tài sản kếch xù ông Nam có là nguyên do đứa này đứa kia nhòm ngó đến con trai ông. Con trai ông lại như công tử bột, chiều chuộng từ bé nên lấy đâu ra tinh thần thép mà lại với bọn ma lanh ngoài kia. Chúng nó dùng đủ mọi chiêu trò mồi chài, lôi kéo thế nào, lại sắp đi vào con đường thằng Hải ngày xưa. Giờ ông Nam ở trong biệt thự mà lòng nào yên, đầu luôn đau đáu tính toán, giữ con trai. Sao cuộc đời lại cứ lòng vòng, luẩn quần đến lạ. Nay chuyện không hay đến với số phận người này, mai biết đâu rơi vào mình. Chả biết đâu được. Nên bao dung, đối xử tốt được với nhau lúc nào thì cứ làm.
*
Nay ngày nghỉ. Bóng người nhòm ngó trước cửa làm Thao giật mình ngó ra.
- Em ơi, mỗi nhà đóng 500.000 nhé. Để chi tiền điện chung của xóm và sửa sang dây điện, đèn.
À hóa ra anh Hải, Thao ren rén ra mở cửa.
- Vâng, các anh thuê người treo đèn à.
- Đây là tiền mua dây, mua đèn và điện cả năm ấy. Cứ treo lên, bọn anh sẽ làm, về bảo ông xã nếu rảnh thì chiều muộn ra hỗ trợ bọn anh.
- Các anh mất công vì xóm quá, nhà em hai vợ chồng cứ đi làm suốt ngày, chả giúp được gì.
- Bọn anh làm tự do nên có thời gian, làm xóm cùng đẹp, vui mà.
- Đây anh ơi, em nộp. Anh vào nhà uống nước đã ạ.
- Thôi anh về luôn đây.
Hiếm hoi lắm Thao mới đứng đối diện nói chuyện như thế với anh Hải, thường thì đi về chạm mặt, cũng chỉ chào khẽ cái rồi lướt qua nhau. Công nhận, anh Hải có làm gì mình đâu, sao Thao lại cứ xù lông lên đề phòng thế nhỉ.
Cái nắng hầm hập đổ dồn dập cả tuần nay như muốn xé toác mặt phố vào đỉnh điểm buổi trưa. Ngõ vắng tanh. Các cánh cửa khép chặt, im thin thít. Chỉ còn bóng cây là là, thỉnh thoảng phất phơ vài chiếc lá rụng. Nửa cánh tay cũng chả muốn thò ra ngoài khung cửa sổ nữa là đầu trần bêu nắng đúng lúc thời tiết khắc nghiệt cực độ như này. Thao chỉ muốn thõng thượt dưới làn gió mát rượi của điều hòa phòng lạnh. Từ ô cửa kính tầng 2, phát hiện cái dáng gầy gò đang lúi cúi dưới đường. Bà Lanh gặp Thao chả bao giờ nói chuyện nửa lời, cứ lẳng lặng cúi mặt, lượm nhặt ve chai. Phát hiện phía cánh trái nhà có cái bình nhựa tưới cây Thao quên chưa cất. Thao giật thót, ý nghĩ xấu nhen lên, kiểu gì bà ấy cũng lần sờ lấy cho mà xem. Đấy là chiếc bình tưới cây mới mua, Thao rất yêu thích.
Thao vội vã khoác áo, đội mũ chạy xuống tầng, phi ra ngoài cửa như một cơn gió. Chiếc bình tưới cây vẫn nằm mé trái nhà, dáng bà Lanh đã khuất đầu ngõ. Chị Mai nhà kế bên thấy dáng Thao liền đon đả: “Không ngủ trưa à em? Xóm mình may có bà Lanh hay vào dọn dẹp cho các đồ dư thừa, nhà đỡ bừa bộn. Chị tranh thủ ngày nghỉ dọn, cho bà ấy đồ luôn. Cứ tẩn mẩn nhặt nhạnh thế nhưng bà ấy không bao giờ lấy đồ đang sử dụng của nhà ai. Nhìn bà Lanh tồi tội em nhỉ?”. Chắc chỉ vô tình chị Mai nói thế, chứ không biết cái lý do đáng xấu hổ khiến Thao phải lao ngay ra ngoài cửa. Nhưng lời chị khiến Thao xấu hổ vô cùng, bẽn lẽn “Vâng”, rồi chui tọt vào nhà. Thao thật sự xấu hổ vì ý nghĩ hẹp hòi của mình. Người như anh Hải, như bà Lanh đã phải trả giá cho quãng đời sa ngã của mình bằng sự biến đổi hình dáng và tổn thương tâm hồn. Có cần thiết phải chêm thêm ánh nhìn soi mói, kỳ thị của Thao không? Tự dưng Thao thấy, mình cũng đâu được tốt đẹp.
Từ hôm nay, bìa, vỏ lọ, chai nhựa… phát sinh trong sinh hoạt gia đình nhất định Thao sẽ để gọn gàng bên trái nhà, để bà Lanh lấy cho dễ.
*
Chồng Thao được vời sang nhà anh hàng xóm uống rượu. Chả là suốt chiều, mấy ông đàn ông của xóm túm tụm phạt cành cây cao, giăng dây lắp thêm đèn xóm cho sáng. Tự dưng cả năm không gần nhau bao giờ, nay lại được bữa rôm rả, mọi người cao hứng thì làm luôn mâm cơm ngồi quây quần. Đàn ông dễ, nay cãi vã, mai có thể vồn vã cạn ly.
Chồng Thao về nhà, hồ hởi nói chuyện với vợ trong hơi men: “Hai ông hôm trước cãi nhau, em nghe thấy đấy, nay tay bắt mặt mừng rồi. Nào có cái quái gì đâu, chả là bình thường chả nói chuyện với nhau nên cái gì không ưng ý thì chắp nhặt, người này khó chịu người khác mà chả dùng lời tử tế để bảo nhau. Còn chuyện xe cộ em đi về thì em cũng hạ nhiệt xuống, xóm nhỏ, chật hẹp, mỗi người nhịn nhau một tí. Anh cũng nhắc anh Hải hôm nay phải để ý cho xe khách gọn vào rồi. Ông ấy trông thế vui tính phết đấy. Mọi người còn nhất trí, để thư thư bàn tính ngày phù hợp, cả xóm nhất định phải liên hoan một bữa ra trò”.
Có vẻ sau cuộc rượu chồng Thao rất vui. Niềm vui vẫn còn đọng rõ trên nét mặt chồng Thao khi chìm vào giấc ngủ.
Thao cũng thấy vui vui và chợt nhận ra, hình như không phải nhà phố là phải kín bưng, muốn mở hay không, rõ ràng ở lòng mình.