Gia đình

Những người sợ về quê vì chưa giàu

CẨM GIANG 19/07/2024 14:30

Những người thoát ly khỏi quê hương đi làm ăn thường được nhiều người ở quê mặc định là có đời sống kinh tế khá giả. Với quan niệm trên, nhiều người Hải Dương đi làm ăn xa nhưng có cuộc sống chật vật rất ngại về quê, một phần vì tâm lý tự ti, một phần vì tốn kém.

img_7448(1).jpg
Chi phí mỗi lần về thăm quê rất tốn kém với nhiều người là rào cản khiến họ luôn phải đắn đo, cân nhắc (ảnh minh họa)

15 năm chỉ 2 lần về quê

Anh N.V.N. ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) mới về quê cách đây nửa tháng. Lý do về lần này là nhận được tin mẹ anh ốm nặng. Mặc dù đang dịp hè nhưng anh N. chỉ về 1 mình, 3 con và vợ vẫn ở lại miền Nam.

Cách đây 15 năm, khi còn là thanh niên, anh N. theo bạn bè vào Bù Gia Mập (Bình Phước) lập nghiệp bằng nghề thợ mộc. Vài năm sau anh N. lấy vợ người địa phương rồi lần lượt sinh 3 con. Chi phí trong gia đình ngày một lớn, vợ chỉ ở nhà nội trợ, con lớn hơn 10 tuổi cũng đã nghỉ học ở nhà phụ việc cho bố tại xưởng mộc. "Nếu cả nhà về thì vé máy bay phải tầm 20 triệu đồng cả đi lẫn về, bằng khoảng 2 tháng thu nhập của cả nhà. Mà về quê thì không thể về tay không, phải có chút quà bánh cho họ hàng, hàng xóm nên thú thực chỉ có những việc cần kíp tôi mới về quê được", anh N. nói.

Cũng như anh N., anh H.V.P. ở TP Hải Dương đã "Nam tiến" từ khi thành phố còn là thị xã. Ban đầu anh P. đi phụ xe Bắc Nam rồi lấy vợ và trụ lại TP Hồ Chí Minh. Gần 30 năm nhưng đến giờ anh P. vẫn ở nhà trọ tại một vùng xa trung tâm. Bằng đó thời gian đi làm ăn xa nhưng những lần về quê của anh P. cũng rất ít. Anh P. nói: "Đi lại tốn kém là một chuyện, còn ngại với gia đình, bạn bè nữa. Khi xa quê thì thị xã vẫn còn đơn sơ, giờ về đã phát triển mạnh. Con cháu, bạn bè cũng đều khá giả nên thú thực có chút tự ti. Đã có lần tôi tính chuyển cả gia đình về quê nhưng nhà không có, lại lớn tuổi nên lỡ dở hết. Rất nhiều người đi xa cuộc sống vất vả chứ không phải cứ sống ở các thành phố lớn là giàu có".

Anh P. còn kể, cách đây 5-6 năm cháu ruột anh sang Hàn Quốc làm việc tại một bệnh viện rồi lấy chồng ở đó. Ông bà kịch liệt phản đối vì sợ cháu lấy chồng nước ngoài rồi "mất cháu". Thế nhưng người cháu có công việc ổn định, thu nhập tốt nên có năm cả nhà cháu về quê vài lần. "Cháu có điều kiện thì mới mạnh dạn về quê được. Những người như chúng tôi quả thật mỗi lần về quê là phải tính toán kỹ, chứ không phải cứ thích là đặt vé bay về", anh P. nói thêm.

Ở đâu cũng phải lao động

Những người thoát ly đi các tỉnh, thành phố khác làm việc được nhiều người "mặc định" là khá giả thì quan niệm đó đối với những người "đi Tây" còn phổ biến hơn, song thực tế không phải như vậy.

img_8219(1).jpg
Nhiều người xa quê hàng chục năm nhưng rất ít về quê bởi đủ các loại chi phí, từ tiền tàu xe cho đến quà cáp (ảnh minh họa)

Anh Trần Văn Mạnh ở Cẩm Giàng sang Đức từ năm 1997 và đã định cư. Anh đang làm quán ăn và có thu nhập ổn định. Anh Mạnh cho biết: "Thu nhập bên này mang về Việt Nam thì mới được coi là rủng rỉnh, còn chi phí tại Đức rất cao nên phải thức khuya dậy sớm, chịu khó làm ăn mới có chút tích góp. Từ năm 1997 đến giờ tôi chỉ có 3 lần về quê. Hai lần là khi bố mẹ mất, một lần là cần làm một số giấy tờ. Ở đâu cũng phải lao động mới sống được. Ở châu Âu cũng vất vả kiếm sống chứ không dư dả như nhiều người nghĩ. Thậm chí cuộc sống ở quê bây giờ nhiều mặt còn khá hơn ở nước ngoài".

Cũng ở Đức mấy chục năm, ông H.T.T. quê ở Thanh Hà chỉ sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp. Tiếng là ở châu Âu nhiều năm nhưng ông T. kể, cuộc sống quá khó khăn, "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông", không dám về quê. Vợ ở quê đã ly hôn từ lâu, con cái cũng trưởng thành mà không có bố bên cạnh đỡ đần. Ông T. cho biết cách đây nhiều năm đã có ý định về hẳn Việt Nam nhưng dùng dằng mãi không quyết định được nên chấp nhận ở lại rồi đến đâu thì đến. "Nhiều lúc muốn giúp đỡ chút tiền cho con cái học hành, xây nhà cửa nhưng cũng không có. Con trai cưới cũng không dám về vì tiền vé lên đến cả nghìn USD thì đành chịu. Đã có ít nhất 2 lần các cháu ở quê hỏi vay mượn tiền để làm nhà vì nghĩ tôi dư dả, nhưng thực tế đang rất khó khăn", ông T. nói.

Theo thạc sĩ Hoàng Trung Thanh, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, việc dịch chuyển lao động là hết sức bình thường, song đúng là có hiện tượng người ở quê coi người sống ở phố hoặc người thoát ly là "có điều kiện". Điều đó vô tình gây áp lực cho họ. Mỗi lần về quê tiền tàu xe, quà cáp là cả một vấn đề. Làm ăn xa quê về thì cũng phải có chút quà biếu người thân, họ hàng, làng xóm. Điều này khiến nhiều người đi làm ăn xa ái ngại, có tâm lý tự ti nên ngại về quê. "Ngược lại, chính nhiều người xa quê cũng tự gây áp lực cho mình. Khi rời quê, họ đều đặt mục tiêu thành công mới trở về, song khi làm ăn không suôn sẻ, họ sẽ mang tâm lý tự ti. Thành thử, mỗi người hãy coi những người xa quê đi làm ăn giống như những người hằng ngày ở xung quanh mình, có thành công, có vất vả để không còn chuyện sợ về quê như đã diễn ra", thạc sĩ Hoàng Trung Thanh nói.

CẨM GIANG