Trả lương 8 giờ nhưng bắt làm 10 giờ, nhân viên "già" chịu đựng, gen Z từ chối
Các nhân viên "già" quen chấp nhận bị ép làm việc 10-11 tiếng/ngày dù nhận lương 8 tiếng, nhưng gen Z thì không; và nhanh thôi, chúng tôi mới là lực lượng chủ lực.
5 năm sau khi ra trường, tôi đã chuyển 3 công ty. Tôi không thể nói mình là người “trung thành” nhưng đủ tự tin tuyên bố mình luôn cống hiến hết mình cho công việc. Vì thế, sau mỗi lần chuyển việc, mối quan hệ của tôi với công ty cũ đều rất tốt và tôi cũng đạt được những đãi ngộ mong muốn ở chỗ mới.
Là một đại diện gen Z biết coi trọng giá trị của bản thân, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả bài “Tôi bỏ việc khi sếp cuối tuần nào cũng giao việc mà không trả thêm lương”. Thế hệ chúng tôi mong muốn và dám thẳng thừng đòi hỏi sự tương xứng giữa mức lương thưởng và công sức bỏ ra, chứ không như thế hệ trước, những người chấp nhận làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày dù quản lý chỉ trả lương 8 tiếng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, gen Z dự kiến sẽ đóng góp một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước. Là lực lượng quan trọng, tôi cho rằng nhiều quan điểm của gen Z, vốn rất khác các thế hệ trước, sẽ có tác động quan trọng, thay đổi lề lối làm việc cũng như đặc điểm mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Hiện nay, các thế hệ anh chị, cha chú đang nhìn gen Z như những đứa trẻ tập sự, những gì chúng tôi khác với họ thường bị coi là sai, bị phê phán; và họ luôn cho rằng gen Z nếu muốn tồn tại thì buộc phải thay đổi để gò vào cái khuôn cũ. Nhưng trong tương lai rất gần, thế hệ chúng tôi sẽ trở thành chủ đạo, và sẽ dẫn dắt thị trường lao động bằng quan điểm và phong cách mới.
Ở Việt Nam, không biết từ bao giờ, việc nhân viên đòi hỏi đãi ngộ, lương thưởng xứng đáng bị coi là không nên, không phải. Có lẽ một phần nguyên nhân đến từ tâm lý "khách sáo với tiền bạc" của số đông. Hầu hết mọi người đi làm vì mưu sinh, đều mong muốn được trả nhiều tiền, nhưng lại giả vờ không quan tâm lắm đến tiền bạc, nên dù thấy đồng lương trả cho mình quá thấp cũng vẫn ngại lên tiếng đòi điều chỉnh.
Trong khi cảm thấy mình thẳng thừng đòi sếp trả thêm tiền thì không hay lắm, họ lại coi việc sếp bắt làm thêm giờ là đương nhiên. Khi được yêu cầu tăng ca hay giao thêm trách nhiệm nằm ngoài KPI, họ không chủ động đòi hỏi đãi ngộ xứng đáng mà thụ động chờ đợi, mong sếp ghi nhận những nỗ lực của mình và tăng lương một ngày nào đó.
Nhưng gen Z lại khác, chúng tôi cần sự rạch ròi ngay từ đầu (mà nhiều anh chị nhân viên cũ lại cho là so đo tính toán) và luôn sẵn sàng nói ra suy nghĩ của mình, coi đó là sự minh bạch và văn minh. Chúng tôi không thích ngóng chờ miếng bánh vẽ là cứ cống hiến đi rồi đâu còn có đó, cùng lời hứa mơ hồ kiểu "anh sẽ không để bọn em thiệt".
Quản lý và người lao động cần cam kết với nhau rõ ràng, lập hợp đồng từ trước. Đâu phải ai cũng là nhà quản lý tốt, nhất là trong thời đại có không ít doanh nghiệp kinh doanh chộp giật, sớm nở, tối tàn, người lao động sẽ luôn phải "nắm đằng chuôi" khi chỉ biết mong đợi sự biết điều của ông chủ.
Gen Z không ngại đòi hỏi, thậm chí sẵn sàng nghỉ việc nếu không đạt sự đồng thuận, còn là vì định nghĩa về sự ổn định của chúng tôi không giống thế hệ trước. Ổn định trong quan điểm của các cô chú, anh chị là làm việc lâu dài ở một đơn vị, có thu nhập đều đặn, còn với người trẻ hiện nay là có công việc mang lại thu nhập xứng đáng và vẫn đủ thời gian dành cho cuộc sống cá nhân. Chúng tôi cảm thấy yêu công việc hơn khi thấy sức lao động mình bỏ ra được tưởng thưởng xứng đáng và có niềm hứng khởi trong công việc mỗi ngày.
Chúng tôi chấp nhận tăng ca, thậm chí sẵn sàng dốc sức ngày đêm để hoàn thành dự án, nhưng không phải là cứ triền miên như vậy hết năm này qua tháng khác, trong khi thù lao thì phải đợi đến khi được nhận mới biết là bao nhiêu. Lao động cật lực không có ngày nghỉ trong khi thu nhập không xứng, cả sức lực và tinh thần đều sẽ kiệt quệ, kết quả cống hiến cũng không thể cao được.
Thế hệ khác nhau, xung đột quan điểm là không thể tránh khỏi. Không thể bê nguyên cách làm việc của thế hệ áp đặt cho thế hệ khác. Trước sau gì, gen Z cũng sẽ thành lực lượng lao động chính của nền kinh tế, vì vậy câu hỏi đặt ra hiện nay nên là: Các nhà quản lý cần thay đổi bản thân để thích nghi hay chọn bảo thủ để rồi không thuê được người làm việc?