Y tế - Sức khỏe

Bệnh nhân người Hải Dương nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" giờ ra sao?

BÌNH MINH 17/07/2024 13:08

Ông Ninh Văn Nhỉ (60 tuổi, ở phường An Lạc, TP Chí Linh) được xác định mắc bệnh Whitmore - nhiều người quen gọi là nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người". Sau một thời gian dài điều trị, ông Nhỉ đã khỏi bệnh nhưng vẫn đang phải điều trị bệnh nền tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương.

Ông Ninh Văn Nhỉ đang được điều trị bệnh nền tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương

Sức khoẻ cơ bản ổn định

Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 16/7, sức khoẻ ông Nhỉ đã cơ bản phục hồi, da dẻ hồng hào và tăng cân hơn so với thời điểm mắc bệnh. Ông đã có thể đi lại, giao tiếp, ăn uống, ngủ nghỉ bình thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Bình, Trưởng Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương cho biết ông Nhỉ đã khỏi bệnh Whitmore song vẫn phải duy trì uống thuốc dự phòng, theo dõi tái phát theo phác đồ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ngoài ra, bệnh nhân này đang phải kết hợp điều trị đái tháo đường, lao phổi và viêm gan C.

Bà Dương Thị Tươi (vợ ông Nhỉ) cho biết chồng mình làm công nhân tại một doanh nghiệp gần nhà. Ngày 8/5, ông Nhỉ có biểu hiện sốt 39-40 độ C, sốt theo cơn, người uể oải, da nhợt nhạt. Thời gian này, tại địa phương nơi vợ chồng bà sinh sống đang có nhiều người bị mắc cúm A. Bản thân bà Tươi và cháu nội cũng bị mắc bệnh này. Nghĩ mình cũng mắc cúm A, ông Nhỉ bảo vợ đi mua thuốc về uống song không khỏi.

Ngày 10/5, ông Nhỉ lên Trung tâm Y tế TP Chí Linh khám, điều trị. Tuy nhiên, sau 5 ngày bệnh tình không thuyên giảm nên gia đình tiếp tục chuyển ông lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ông Nhỉ được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực nhưng vẫn không cắt sốt, người đau mỏi, uể oải hơn.

Ngày 20/5, gia đình chuyển ông Nhỉ lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các sĩ làm các xét nghiệm và xác định ông mắc bệnh Whitmore. Ông được điều trị tích cực bằng kháng sinh đặc hiệu. Bệnh nhân cắt sốt dần và đến ngày 18/6 thì khỏi bệnh. Bệnh viện chuyển ông Nhỉ về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương tiếp tục theo dõi, kết hợp điều trị bệnh nền.

img_1416.jpg
Ông Ninh Văn Nhỉ đã khỏi bệnh Whitmore, giờ chỉ còn điều trị bệnh nền, sức khoẻ cơ bản ổn định

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh Whitmore (còn được gọi là bệnh Melioidosis) là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Năm 1911, thế giới ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh này, là một người Myanmar. Nhiều báo cáo sau đó cho thấy bệnh hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới ở cả người và động vật, tập trung tại khu vực Bắc Úc và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Những nghiên cứu trong thời gian gần đây ở nước ta cho thấy bệnh phân bố ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác. Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng khi không được phát hiện kịp thời. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi năm có khoảng 20-30 trường hợp mắc bệnh Whitmore điều trị nội trú.

Người dân không nên lo lắng quá mức

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Ninh Văn Nhỉ không phải là trường hợp đầu tiên ở Hải Dương mắc bệnh Whitmore. Mỗi năm, Hải Dương vẫn có một vài ca mắc bệnh này được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó đều khỏi bệnh.

Bác sĩ Phạm Thanh Bình cho biết vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường xâm nhập qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn nhưng không sử dụng bảo hộ lao động là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn... Bệnh này rất hiếm khi lây truyền từ người sang người hay lây truyền từ động vật sang người.

img_1413.jpg
Bệnh Whitmore hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu nếu được phát hiện và điều trị kịp thời

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tần suất mắc cao nhất từ 40-60 tuổi. Bệnh hay xảy ra ở người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước như người làm ruộng, công nhân xây dựng, người làm vườn…

Khoảng 80% số người bệnh có một hoặc nhiều bệnh nền như đái tháo đường không được kiểm soát tốt, nghiện rượu, bệnh phổi, thận mạn tính. Bệnh cũng có thể gặp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh với tỷ lệ ít hơn.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều thể lâm sàng khác nhau. Triệu chứng của bệnh có thể cấp tính như sốt cao, suy hô hấp, hạ huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người...

Có lẽ vì đã có những bệnh nhân bị tổn thương da dạng loét, hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể nên nhiều người gọi Whitmore là bệnh do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người". "Cách gọi này không đúng và đang gây hiểu nhầm, hoang mang cho người dân. Mặc dù là một loại bệnh nguy hiểm nhưng Whitmore có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Người dân không nên lo lắng quá mức. Khi gặp các triệu chứng trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị", bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính từ trước như đái tháo đường, gan mạn tính… Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với đất, nguồn nước bị ô nhiễm cần sử dụng đồ bảo hộ lao động như mang găng tay, đi ủng, đeo khẩu trang. Khi không may gặp các vết thương trên da cần tránh để vết thương tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý.

Người dân khi ra ngoài cần đeo khẩu trang bảo vệ đường hô hấp, nhất là trong môi trường có nhiều khói bụi. Khi có những vấn đề về sức khỏe, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BÌNH MINH