Góc nhìn

Rượu bia đắt hơn do tăng thuế, ai lợi, ai thiệt?

KIM THANH 17/07/2024 05:30

Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia bị áp lên mức 100% thì giá rượu bia sẽ tăng đáng kể so với hiện nay.

thue-tieu-thu-dac-biet.png
Việc nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia là cần thiết nhằm hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các mặt hàng này

Cách đây mấy năm, tôi cùng một nhóm đồng nghiệp đi du lịch tại Singapore. Vì chúng tôi đi vào mùa hè, thời tiết khá nóng nên theo thói quen vào bữa ăn cánh mày râu gọi vài chai bia giải nhiệt. Nhưng đến khi thanh toán thì cả hội ớ người vì giá bia ở đây quá đắt. Không những giá bia rượu đặc biệt đắt đỏ, mà Singapore còn áp dụng quy định cấm buôn bán, sử dụng rượu bia theo giờ. Mấy anh bạn tôi khi đó nói rằng không đâu ngon, bổ, rẻ và thoải mái như ở Việt Nam mình. Bởi tại Việt Nam, một chai bia Heniken Sleek 330 ml chỉ khoảng 50.000 đồng, dạng lon khoảng 17.600 đồng. Bia “cỏ” thì càng rẻ, chỉ vài nghìn đồng/cốc. Và cũng không có vùng cấm về mặt thời gian, ai muốn ngồi quán nhậu bao lâu tùy thích.

Nhưng theo tờ trình về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gửi đến Chính phủ của Bộ Tài chính thì đến năm 2030 thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia sẽ áp mức 100%. Thông tin này được dư luận rất quan tâm bởi chắc chắn nếu được triển khai, quy định này sẽ có tác động tới nhiều người. Dân nhậu chắc chắn sẽ rón rén hơn mỗi khi vào quán bởi giá mỗi chai bia, rượu sẽ tăng đáng kể so với hiện nay khi mức thuế sẽ tăng thêm 35%.

Các quán bia, nhà hàng, nhất là các công ty sản xuất rượu bia sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước. Nhà hàng, quán nhậu vốn gặp “cú sốc” lớn do dịch Covid-19 để lại khiến mấy năm phải “án binh bất động”, kinh doanh cầm chừng, còn chưa kịp phục hồi khi dịch qua đi thì lại vấp phải khó khăn do thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong đó tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Có ý kiến cho rằng vốn các đơn vị này đang “ngắc ngoải”, nếu thêm mức áp thuế này nữa thì có thể có những đơn vị sẽ “chết” hẳn.

Trên thực tế, mặt hàng này đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á. Một trong những nguyên nhân là so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia ở ta còn thấp. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam thuế mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ của mặt hàng này, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ. Ví dụ Singapore áp thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối 88 SGD/lít đối với rượu (hơn 1,6 triệu đồng), 60 SGD/lít đối với bia (hơn 1,1 triệu đồng). Australia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu là 90,78AUD/lít (hơn 1,5 triệu đồng), đối với bia là 53,59AUD/lít (hơn 900.000 đồng)...

Thống kê cho thấy, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố gây nguy cơ tổn hại sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự...

Bao giờ cũng vậy, khi mới bắt đầu thực hiện một quy định mới có thể có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Như trước đây khi mới áp dụng quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe điện hay cấm đốt pháo, gần nhất là tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn… Nhưng thời gian đã chứng minh những quy định trên là đúng, người dân đều hình thành thói quen tuân thủ chỉ trong một thời gian ngắn. Cái lợi, cái được nhiều hơn cái mất.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo tôi cũng vậy. Đây là việc cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tương thích với các quy định pháp luật khác của Việt Nam. Việc áp thuế suất cao sẽ giúp giảm tiêu thụ, hạn chế lạm dụng rượu bia. Như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe, an toàn hơn cho tính mạng của chính những người dân, giảm chi phí chữa trị bệnh do lạm dụng rượu bia, giảm thiệt hại do tai nạn giao thông bởi rượu bia…

Cái gì tốt cho dân thì nên làm sớm.

KIM THANH