Y tế - Sức khỏe

Trẻ em có tóc bạc sớm - dấu hiệu không thể xem thường

TB (theo Vietnam+) 15/07/2024 20:03

Sự rối loạn tự miễn khiến hệ miễn dịch không hoạt động bình thường và tấn công da đầu, làm gián đoạn quá trình tạo ra melanin, dẫn đến tình trạng tóc bạc ở trẻ em.

(Ảnh: Getty images)

Tóc bạc là tình trạng xuất hiện các sợi tóc bị mất sắc tố, chuyển thành màu trắng, xen kẽ các sợi tóc đen, là một một quá trình tự nhiên liên quan đến tuổi tác.

Thế nhưng, ngày nay, không ít trường hợp trẻ có tóc bạc khiến bố mẹ lo lắng.

Cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm ở trẻ em chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng trẻ em có tóc bạc có thể liên quan đến rối loạn lão hóa sớm, bệnh tự miễn, cơ địa… Vậy, tại sao trẻ em có tóc bạc và cách điều trị được không?

1. Nguyên nhân tóc bạc ở trẻ em

Mặc dù nguyên nhân chính xác của hiện tượng tóc bạc ở trẻ em vẫn chưa được hiểu đầy đủ, có một số nguyên nhân phổ biến đã được biết đến là có thể gây ra tình trạng trẻ em có tóc bạc.

Di truyền

Tóc của trẻ bạc sớm là do gene quyết định. Những trẻ sinh ra ở gia đình có bố hoặc mẹ bị tóc bạc sớm có nguy cơ bị tóc bạc sớm cao hơn những gia đình khác.

Đột biến gene là yếu tố khiến tóc bị bạc sớm. Ở trẻ em, tóc bạc có thể xảy ra như một bệnh nguyên phát di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường.

gene di truyen.jpg

Thiếu chất

Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể khiến trẻ em có tóc bạc, nhất là khi cơ thể bé thiếu những dưỡng chất như vitamin B12, vitamin D3, đồng, sắt, canxi, kẽm, protein...

Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng thường xảy ra ở những trẻ có chế độ ăn uống nghèo nàn dưỡng chất.

Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thích thức ăn nhanh, gây tăng tiết cholesterol làm yếu chân tóc, làm gián đoạn quá trình phát triển của tóc gây tóc bạc sớm.

Tình trạng trẻ em căng thẳng do học hành, thức khuya, sang chấn tâm lý, mất ngủ, chơi điện tử quá mức đều làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.

Khói thuốc lá

Hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân khiến trẻ có tóc bạc sớm. Trong thành phần thuốc lá có chứa chất ôxy hóa tế bào, làm giảm khả năng sản xuất melanin, khiến tóc bạc sớm.

khoi thuoc la.jpg

Dầu gội đầu và xà phòng

Một số loại dầu gội và xà phòng có chứa hóa chất độc hại, làm hỏng tóc, khiến tóc khô xơ và nhạt màu hơn. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ sử dụng các loại dầu gội dành riêng cho trẻ em hoặc có chiết xuất từ thảo dược tự nhiên.

2. Trẻ em bị tóc bạc sớm có phải là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm?

Trong nhiều trường hợp, tóc bạc sớm không đơn thuần chỉ là tình trạng tóc bạc, mà là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm hơn.

Bệnh chuyển hóa

Các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, cường/suy tuyến thượng thận, men gan, nồng độ cholesterol cao,... đều làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.

tieu duong o tre em.jpg

Bệnh u xơ thần kinh

Nhóm bệnh di truyền này khiến các khối u phát triển dọc theo dây thần kinh gây ra sự phát triển bất thường của xương và da.

Bệnh rối loạn miễn dịch

Sự rối loạn tự miễn khiến hệ miễn dịch không hoạt động bình thường và tấn công da đầu, làm gián đoạn quá trình tạo ra melanin, dẫn đến tình trạng tóc bạc ở trẻ em. Một trong những căn bệnh rối loạn miễn dịch khiến trẻ em có tóc bạc là bệnh bạch biến. Tế bào hắc tố ở bệnh nhân mắc bệnh bạch biến nhạy cảm hơn với stress oxy hóa. Bệnh khiến các tế bào hắc tố bị mất hoặc bị phá hủy.

benh bach bien.jpg

Hội chứng progeroid

Đây là chứng lão hóa sớm khiến ADN dễ bị ảnh hưởng bởi stress ôxy hóa, làm tăng nguy cơ tóc bạc ở trẻ em.

Hội chứng waardenburg

Đây là một nhóm bệnh di truyền có thể gây mất thính giác và thay đổi màu sắc của tóc, da và mắt.

Bệnh xơ cứng củ

Đây là một tình trạng di truyền hiếm gặp, gây ra các khối u lành tính ở nhiều cơ quan, bao gồm não, tim, thận, mắt, phổi và da.

3. Cách cải thiện tình trạng tóc bạc sớm ở trẻ em

Nếu không phải do bệnh lý gây ra, hiện tượng tóc bạc sớm có thể được kiểm soát bằng các biện pháp khắc phục tại nhà qua việc kiểm soát chế độ ăn uống và bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ.

Vitamin A: Vitamin A giúp da đầu khỏe mạnh và tóc sáng bóng. Loại vitamin này có nhiều trong rau xanh và các loại trái cây có màu vàng.

Vitamin B: Vitamin B điều hòa khả năng tiết dầu, nhờ đó giúp tóc khỏe mạnh, mềm mại hơn. Vitamin B có nhiều trong sữa chua, rau xanh, cà chua, súp lơ, ngũ cốc, chuối và gan.

Protein: Protein có tác dụng làm tăng độ bóng của tóc và cải thiện kết cấu tóc. Bổ sung protein bằng cách bổ sung nhiều các loại ngũ cốc, đậu nành và thịt vào chế độ ăn của trẻ.

ngu coc.jpg

Chất khoáng: Một số chất khoáng như sắt, kẽm, đồng có tác dụng giúp mái tóc chắc khỏe, ngăn chặn quá trình lão hóa. Kẽm có nhiều trong thịt gà, thịt đỏ, rau xanh. Sắt có nhiều trong trứng, thịt đỏ, mơ khô, lúa mì, rau mùi tây, thịt bò, hạt hướng dương. Đồng có nhiều trong ngũ cốc nguyên cám, hải sản, lòng đỏ trứng.

4. Làm thế nào để phòng ngừa tóc bạc sớm ở trẻ?

Để phòng ngừa chứng tóc bạc sớm ở con mình, bố mẹ cần chú ý thực hiện một số lưu ý dưới đây.

Không nên gội đầu cho bé bằng nước nóng bởi nhiệt độ cao của nước có thể phá hủy melanocytes, tế bào hắc tố hỗ trợ sản xuất melanin.

Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng tóc bạc sớm là do tiếp xúc quá nhiều với tia tử ngoại từ ánh nắng Mặt Trời. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bé yêu không tắm nắng hay vui chơi ở ngoài trời quá lâu.

Nếu nhận thấy bất kỳ sợi tóc màu xám hoặc trắng nào trên da đầu của bé, bạn tuyệt đối đừng nhổ. Việc nhổ tóc sẽ gây hỏng các nang tóc cùng các dây thần kinh nối tới các nang tóc. Hơn nữa, tóc trẻ sẽ mỏng đi nếu bạn nhổ nhiều lần.

Đảm bảo rằng con bạn có đủ lượng iốt cần thiết, không quá ít và cũng không dư thừa, vì thiếu iốt có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp và làm đẩy nhanh quá trình tóc bạc sớm.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau xanh, trái cây, đặc biệt các loại rau xanh đậm, bắp cải, quả lê, mơ, quả mâm xôi. Không tạo áp lực cho trẻ trong việc học hành, thi cử.

TB (theo Vietnam+)