Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump có phải là "dàn dựng" hay không?
Một số người theo thuyết âm mưu tin rằng vụ ám sát nhằm vào ông Donald Trump là "dàn dựng," trong khi người khác cho rằng có bàn tay của “nhà nước ngầm” để bảo đảm sự kiểm soát của họ với Washington.
Chỉ vài phút sau vụ nổ súng hôm 13/7 tại sự kiện tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump ở Butler, bang Pennsylvania, những người theo chủ nghĩa tự do bắt đầu lan truyền các hàng loạt thuyết âm mưu trên các nền tảng mạng xã hội.
Họ khẳng định vết máu trên tai cựu Tổng thống Trump là từ một gói gel sân khấu; rằng vụ nổ súng là một “vở diễn,” có lẽ do Sở Mật vụ phối hợp với chiến dịch tranh cử của Trump; rằng cảnh ông Trump mặt đầy máu giơ nắm đấm dưới lá cờ Mỹ là “dàn dựng.”
Vụ nổ súng đã tạo ra một hiện tượng có tên là “BlueAnon” - một vở kịch dựa trên thuyết âm mưu - đề cập đến các thuyết âm mưu tự do trên mạng.
Khi ngày càng nhiều người Mỹ mất niềm tin vào các tổ chức chính thống và chuyển sang tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, việc truyền bá thuyết âm mưu theo đó ngày càng nở rộ.
Trong thế giới BlueAnon, các thế lực mờ ám, bao gồm cả các phương tiện truyền thông chính thống, đang nỗ lực ngăn chặn khả năng tái cử của Tổng thống Joe Biden và đưa ông Trump trở lại nắm quyền.
Ban đầu được đặt tên bởi những người dùng mạng xã hội bảo thủ vào năm 2021 để chế nhạo việc đưa tin tức mà họ cho là bị thổi phồng quá mức, chẳng hạn như cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, thuật ngữ “BlueAnon” kể từ đó đã được nhiều người sử dụng để mô tả những âm mưu kỳ quặc.
Thuật ngữ này mang ý nghĩa mới vào tháng trước sau khi màn trình diễn "thảm họa" của Tổng thống Biden trong cuộc tranh luận gay cấn với ông Trump trên CNN đã tạo ra một cuộc chiến quanh khả năng tranh cử của đương kim tổng thống Mỹ.
Những người dùng mạng xã hội ủng hộ ông Biden đã tung ra thuyết âm mưu rằng Tổng thống đã bị đánh thuốc mê trước cuộc tranh luận. Trong khi đó, ông Biden đổ lỗi cho màn trình diễn thua kém đối thủ là do bị lệch múi giờ và bị cảm lạnh nặng.
Những người này còn đặt nghi ngờ kênh truyền hình ABC News đã chỉnh sửa đoạn ghi âm của Tổng thống Biden để khiến ông có vẻ yếu đuối trong cuộc phỏng vấn được phát sóng vào khung giờ vàng ngày 5/7 - cuộc phỏng vấn Nhà Trắng kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin vào sức mạnh của ông Biden.
Lối suy diễn mang tính âm mưu này nảy sinh khi mọi người không sẵn lòng chấp nhận những diễn biến thách thức thế giới quan của họ.
Trong khi đó, các tài khoản mạng xã hội cánh hữu cũng đã đưa ra những thuyết âm mưu về vụ nổ súng trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump.
Trên mạng xã hội X, tài khoản Truth Social và bảng tin ủng hộ ông Trump Patriots.win miêu tả vụ nổ súng là một “nỗ lực hành quyết thất bại” của các đảng viên Đảng Dân chủ mờ ám hoặc là “công việc nội bộ” của “nhà nước ngầm” để bảo vệ sự kiểm soát của họ đối với Washington.
Một số tài khoản với hàng triệu người theo dõi trực tuyến đã chia sẻ giả thuyết rằng việc Sở Mật vụ không ngăn chặn cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước hoặc cơ quan này đã bị suy yếu.
Bản thân tỷ phú Elon Musk - chủ sở hữu mạng xã hội X - cũng đặt câu hỏi liệu lỗi này có phải là “cố ý” hay không.
Người theo thuyết âm mưu Mike Cernovich cũng cáo buộc vụ nổ súng là một phần trong âm mưu của FBI nhằm truyền cảm hứng cho “các cuộc tấn công bắt chước.”
Các tài khoản cánh tả chủ yếu tập trung vào thuyết âm mưu rằng vụ xả súng đã được dàn dựng. Một số tài khoản nổi bật với quan điểm phản đối ông Trump cho rằng những cái chết của khán giả tới nghe ông vận động tranh cử là một phần của kế hoạch.
“Tôi hoàn toàn có thể thấy ông Trump đang 'hy sinh' một trong những tín đồ sùng bái mình để làm cho 'âm mưu ám sát' trông thực tế và đáng tin hơn," tài khoản ủng hộ Đảng Dân chủ @LakotaMan1 đã viết cho hơn nửa triệu người theo dõi - nhưng sau đó đã xóa đoạn tweet này.
Sáng 14/7, tài khoản này đăng một bức ảnh của ông Trump sau vụ xả súng với chú thích: “Máu giả. Một lá cờ Mỹ lộn ngược. Tôi không tin nó là sự thật. Quá hoàn hảo."
Một tài khoản khác thì cho rằng: “Không có giới hạn nào đối với những gì Trump… sẽ làm để bảo đảm chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11”.