Hội nghị trực tuyến, tiện nhưng chưa lợi nhiều?
Việc áp dụng mô hình hội nghị trực tuyến thay thế họp trực tiếp mang lại nhiều thuận tiện cho cán bộ các địa phương ở Hải Dương.
Tiết kiệm
Sáng 9/7, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Trung ương đến cấp xã. Tại Hải Dương, hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 135 điểm cầu, trong đó 1 điểm cầu tỉnh, 14 điểm cầu cấp huyện, 120 điểm cầu cấp xã với gần 17.364 đại biểu tham dự.
Theo lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy Tứ Kỳ những cuộc họp trực tuyến giúp các đại biểu ở huyện và cấp xã không phải đi xa mà vẫn được nghe các đồng chí lãnh đạo cấp cao, báo cáo viên Trung ương truyền đạt. Thành phần cuộc họp phong phú, tính phổ biến rộng rãi nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian.
Ông Nguyễn Đức Tiệp, Chánh Văn phòng Huyện ủy Kim Thành cũng cho rằng các cuộc họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến mang lại nhiều tiện ích. “Các địa phương không phải tổ chức họp trực tiếp nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tránh được nhiều nguy cơ rủi ro và giảm chi phí đi lại, sinh hoạt. Trong khi đó, toàn bộ nội dung vẫn được truyền tải đầy đủ”, ông Tiệp nói.
Để phục vụ các hội nghị trực tuyến, từ năm 2021, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đã đầu tư trên 500 triệu đồng mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, đường truyền internet. Tất cả các cuộc họp trực tuyến kết nối từ Trung ương có thành phần lãnh đạo cấp xã, thôn tham gia, xã Hồng Dụ đều tổ chức điểm cầu ở xã. Anh Nguyễn Đình Hiện, công chức Văn phòng UBND xã Hồng Dụ cho biết trước đây mỗi lần có hội nghị, cuộc họp tổ chức trực tuyến tại điểm cầu của huyện, các thành phần tham gia phải lên huyện dự họp. Nhiều cuộc họp sau đó phải về xã triển khai lại. Từ năm 2021, ứng dụng hệ thống phòng họp trực tuyến, địa phương không phải đi xa, không phải tổ chức triển khai lại nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí.
Nhờ các hội nghị trực tuyến, hằng năm tỉnh và các địa phương tiết kiệm được hàng tỷ đồng chi phí cho hội họp. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm trong tỉnh tổ chức và kết nối khoảng 100 hội nghị trực tuyến. Việc triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị khi những chủ trương của Trung ương đến với cơ sở nhanh hơn.
Hiệu quả chưa cao
Ông Vũ Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương (Ninh Giang) cho biết chất lượng các cuộc họp trực tuyến phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm của mỗi người tham dự. Do là họp trực tuyến, đối tượng rộng và tất cả dự đều cùng ngồi “xem ti vi” nên nếu đại biểu không nghiêm túc, tập trung thì rất dễ xảy ra tình trạng “hội nghị cứ nói trên ti vi” còn người dự vẫn nói chuyện riêng, giải quyết công việc cá nhân.
Thực tế cũng cho thấy một số nơi hội trường rộng nhưng màn hình nhỏ nên người tham gia rất khó theo dõi. Vì vậy, nhiều nơi đầu giờ hội nghị thì các thành phần đông đủ nhưng giữa và cuối hội nghị thì phòng họp trực tuyến chỉ còn vài người ngồi dự, thiếu nghiêm túc.
Là địa phương đầu tư hàng trăm triệu đồng thực hiện kết nối các hội nghị trực tuyến từ sớm, theo lãnh đạo thị trấn Tứ Kỳ thực tế cho thấy hội nghị theo hình thức trực tuyến cũng còn một số hạn chế. Bà Đinh Thị Khánh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tứ Kỳ cho biết việc ngồi theo dõi hội nghị trực tuyến qua màn hình tivi dễ làm người tham gia nhàm chán. Trong khi đó trang thiết bị, đường truyền còn hạn chế, việc tích hợp, kết nối hay gián đoạn... ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của hội nghị. “Mặc dù hội nghị trực tuyến cho phép mọi người nhìn thấy nhau, nhưng vẫn thiếu đi sự tương tác cá nhân và không có phần thảo luận nên ít hấp dẫn người tham gia”, bà Khánh nói.
Đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Thanh Miện cũng thừa nhận bên cạnh những ưu điểm thì hội nghị truyền hình tuyến cũng còn một số hạn chế. Việc đồng loạt tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn quốc, toàn tỉnh nhiều nội dung chưa thực sự sát thực tế địa phương, cơ sở. Thành phần tham gia hội nghị trực tuyến mở rộng, nhiều đối tượng, thành phần cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giải quyết công việc tại các địa phương.
Theo lãnh đạo một số Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện, đối với những nội dung quan trọng, các cấp ủy cần kết hợp tổ chức các hội nghị trực tuyến và hội nghị trực tiếp để quán triệt, thảo luận sâu kỹ, nghiêm túc những chủ trương, vấn đề sâu sát, phù hợp với thực tiễn địa phương để triển khai thực hiện.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, hiện hệ thống truyền hình trực tuyến đã được kết nối 4 cấp, từ Trung ương đến xã; triển khai ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Ở cấp xã mới được hỗ trợ triển khai ở các phường, xã của TP Hải Dương. Một số xã ở các huyện như Tứ Kỳ, Ninh Giang... tự đầu tư kinh phí lắp đặt trang thiết bị màn hình, đường truyền để phục vụ kết nối hội nghị trực tuyến.
Toàn tỉnh hiện có hơn 140 điểm cầu ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Trung bình mỗi năm, Hải Dương tổ chức, kết nối trên 100 hội nghị bằng hình thức trực tuyến tới các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.
Sớm đầu tư hạ tầng đồng bộ
Hiện nhiều xã ở Ninh Giang đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, đường truyền để triển khai, thực hiện kết nối hội nghị truyền hình trực tuyến. Hội nghị truyền hình trực tuyến sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi thay thế phương pháp họp trực tiếp truyền thống.
Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất tại các địa phương nói chung và huyện Ninh Giang nói riêng còn rất yếu. Các địa phương cấp xã chưa được trang bị đường truyền số chuyên dùng nên đang tận dụng đường truyền internet khiến chất lượng âm thanh, hình ảnh trực tuyến chưa tốt...
Để nâng cao hiệu quả hình thức hội nghị trực tuyến, tỉnh cần quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị tại các điểm cầu. Sớm triển khai hệ thống phần mềm họp thông minh đến các địa phương. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương có thể tự tổ chức các cuộc họp trực tuyến tại địa bàn mình quản lý. Có giải pháp hỗ trợ các địa phương về yếu tố bảo đảm an toàn, bảo mật khi tổ chức họp trực tuyến...
Vũ Thế Anh
Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ninh Giang
Triển khai kết nối hội nghị trực tuyến đến cấp xã
Hiện nay trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, các hội nghị truyền hình trực tuyến mới chỉ triển khai kết nối trực tuyến đến cấp huyện. Cán bộ, công chức cấp xã; Bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư mỗi khi tham gia họp trực tuyến vẫn phải lên huyện để dự. Nhiều xã, thôn ở xa trung tâm huyện từ 12 – 15 km, việc đi lại rất khó khăn.
Vì vậy, để đội ngũ cán bộ thôn, khu dân cư được tham gia nhiều hội nghị truyền hình trực tuyến hơn nữa mà không phải đi lại vất vả, chúng tôi mong tỉnh, huyện sớm hỗ trợ các xã lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị đường truyền để triển khai kết nối hội nghị trực tuyến đến cấp xã.
Nguyễn Bá Cấp
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Cờ, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng)
Cần có nội quy về dự hội nghị trực tuyến
Thực tế tại các hội nghị trực tuyến hiện nay vẫn còn tình trạng các đại biểu tham dự ban đầu thì đẩy đủ nhưng càng về cuối càng thiếu nghiêm túc, trò chuyện, làm việc riêng, thậm chí ra về khi chưa hội nghị chưa kết thúc...
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cần xây dựng, ban hành hướng dẫn những nội quy, nguyên tắc khi tổ chức, kết nối hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có giải pháp để quản lý, giám sát đại biểu tham dự bảo đảm đầy đủ thành phần, nghiêm túc như điểm danh cuối giờ hội nghị, có hình thức nhắc nhở, xử lý những trường hợp dự họp không nghiêm túc.
Trước khi khai mạc hoặc sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, người chủ trì hội nghị ở các điểm cầu cấp huyện, cấp cơ sở cũng nên dành thời gian để quán triệt, phân tích làm rõ hay kết luận những nội dung cốt lõi và liên hệ thực tiễn tại địa phương để các đại biểu hiểu, nắm rõ hơn nội dung được truyền đạt tại hội nghị.
Ninh Văn Khanh
Chủ tịch UBND xã Tuấn Việt (Kim Thành)