Nhật Bản giảm quá tải du khách nước ngoài
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng quá tải ở những trung tâm du lịch nổi tiếng và đang cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tái phân bổ số lượng du khách nước ngoài đến các địa phương khác.
Ngành du lịch Nhật Bản đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh sau đại dịch COVID-19. Số lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản trong tháng 3/2024 đã vượt mốc 3 triệu lượt người/tháng và mức chi tiêu của du khách trong giai đoạn từ tháng 1-3 cũng đạt mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, cùng với đó, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng quá tải ở những trung tâm du lịch nổi tiếng và đang cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tái phân bổ số lượng du khách nước ngoài đến các địa phương khác.
Số lượng du khách quốc tế đến thăm Nhật Bản, đã đạt 25,07 triệu lượt người trong năm 2023, tương đương khoảng 80% so với năm 2019 và mức tiêu dùng đã phục hồi lên mức 5.000 tỷ yen (31,7 triệu USD). Tổng số khách nước ngoài qua đêm cũng phục hồi lên mức 114 triệu lượt người, nhưng 72,1% trong số đó tập trung ở ba khu vực đô thị lớn gồm các tỉnh Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Aichi, Kyoto, Osaka và Hyogo, cao hơn mức 62,7% vào năm 2019.
Thủ tướng Fumio Kishida tại Hội nghị Bộ trưởng Xúc tiến Du lịch Quốc gia ngày 17/4 đã nhấn mạnh, điều cấp bách là phải đẩy nhanh việc tạo ra các khu du lịch bền vững bằng cách cân đối lượng du khách nước ngoài giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Chính phủ đã chọn 20 địa điểm làm “khu vực thí điểm tiên phong” để thử nghiệm các biện pháp ứng phó với tình trạng quá tải du khách nước ngoài và Chính phủ sẽ trợ cấp 2/3 kinh phí vận hành, tối đa là 80 triệu yen (hơn 500.000 USD).
Phân tách giữa du khách quốc tế và du khách nội địa
Ngày 1/6, thành phố Kyoto, tỉnh Kyoto đa bắt đầu vận hành “xe buýt tốc hành tham quan” chạy thẳng từ Ga Kyoto đến các điểm du lịch lớn với hai tuyến hoạt động vào hai ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ: Tuyến Ga Kyoto-ga Gojozaka gần Đền Kiyomizu và tuyến Gojozaka-Ginkakuji. Giá vé sẽ được ấn định ở mức 500 yen/người lớn và 250 yen/trẻ em, đắt gấp đôi so với xe buýt thông thường của thành phố.
Còn tại thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa, địa phương này đã nỗ lực giảm bớt tắc nghẽn trong Tuần lễ Vàng bằng cách triển khai tổng cộng 56 hướng dẫn viên giao thông và 4 tình nguyện viên đa ngôn ngữ đến các ga và điểm du lịch đông đúc nhằm hỗ trợ các du khách nước ngoài, giảm tình trạng hỗn loạn ở các địa điểm này. Cũng trong tháng 6, Thị trưởng thành phố Himeji, tỉnh Hyogo, ông Hideyasu Kiyomoto đã tuyên bố xem xét tăng phí vào cửa đối với du khách quốc tế tới di sản thế giới Lâu đài Himeji. Theo đó, du khách quốc tế sẽ phải trả khoảng 30 USD/lượt, cao gấp 6 lần so với mức 5 USD/lượt của du khách nội địa.
Bên cạnh đó, để giảm bớt tình trạng quá tải du lịch, ngày càng nhiều chính quyền địa phương xem xét áp dụng thuế lưu trú và thuế thăm quan đối với du khách quốc tế. Tại tỉnh Hokkaido, tiếp theo thị trấn Kutchan, thị trấn Niseko cũng sẽ áp dụng thuế lưu trú từ 100-2.000 yen/người/đêm từ tháng 11/2024. Thành phố Atami, tỉnh Shizuoka, cũng sẽ áp dụng thuế lưu trú 200 yen/người/đêm từ tháng 4/2025. Từ tháng 7 tới, tỉnh Yamanashi dự kiến sẽ thu phí chặng đường bộ lên tầng 5 của núi Phú Sỹ là 2.000 yen và du khách quốc tế cũng phải trả 4.000 yen cho một chuyến leo trải nghiệm leo núi Phú Sỹ.
Tái phân phối chi tiêu du khách quốc tế
Ngày 18/6, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách trắng Du lịch năm 2024, trong đó xác định chủ trương trọng điểm là thu hút du khách đến các địa phương và mở rộng chi tiêu, nhằm mục đích: Cải thiện khả năng sinh lời bằng cách tăng giá trị gia tăng của các điểm du lịch và ngành du lịch.
Điều này xuất phát từ tình trạng phân bổ du khách quốc tế không đồng đều giữa các trung tâm du lịch và địa phương khác. Theo kết quả khảo sát của Cơ quan Du lịch Nhật Bản đối với xu hướng tiêu dùng của người nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 4-12/2021, số tiền tiêu dùng (cho mọi mục đích) đã vượt quá 100 tỷ yen tập trung ở 6 tỉnh là Tokyo, Osaka, Kyoto, Fukuoka, Hokkaido và Chiba, trong khi 23 tỉnh chỉ đạt dưới 10 tỷ yen. Tokyo là địa phương mà du khách quốc tế chi tiêu lớn nhất với 1.576 tỷ yen, còn Fukui thấp nhất với 1,2 tỷ yen, chênh lệch hơn 1.300 lần. Ba khu vực đô thị lớn gồm 8 tỉnh chiếm tới 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế.
Theo phương án của Chính phủ Nhật Bản, 11 khu vực thí điểm đã được chọn để tạo ra các điểm đến du lịch nội địa có giá trị gia tăng cao ở khu vực nông thôn. Để thu hút người nước ngoài giàu có chi hơn 1 triệu yen tại các điểm đến của họ, mỗi khu vực sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể về phát triển cơ sở lưu trú, phát triển nguồn nhân lực và cố gắng hiện thực hóa trong tài khóa 2024.
Tỉnh Yamagata đã phân bổ 50 triệu yen tiền ngân sách của tài khóa 2024 để thúc đẩy việc nghiên cứu nhu cầu du khách, tạo ra các điểm đến du lịch nội địa có giá trị gia tăng cao, bao gồm tổ chức “Lễ hội Yamagata: Tỉnh Ramen, Vương quốc Soba”. Còn tỉnh Tottori đang hướng tới phát triển các sản phẩm du lịch sử dụng dịch vụ máy bay hạng thương gia.
Thí điểm phát triển ứng dụng Instagram phiên bản tiếng Trung
Đón đầu làn sóng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản phục hồi mạnh trong thời gian tới, một tài khoản Instagram phiên bản tiếng Trung đã được tỉnh Ehime và Kagawa phát triển có tên là “Sổ hồng du lịch”, giúp du khách Trung Quốc có thể tiếp cận các thông tin du lịch liên quan đến địa phương ngày từ trong nước. Thống đốc tỉnh Ehime, ông Tokihiro Nakamura cũng tích cực tham gia các hoạt động quảng bá du lịch bằng cách hát cùng các ca sĩ Trung Quốc, hay hóa trang thành người đi xe đạp và nhà sư. Việc phát triển ứng dụng này được UNBOT, một doanh nghiệp tiếp thị kỹ thuật số ở Trung Quốc và đại lý cấp 1 tại Nhật Bản đang nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội du lịch các địa phương ở Nhật Bản. Hiện công ty này đang đàm phán với hơn 50 địa phương khác để thúc đẩy mô hình này.