Chuyện nữ đảng viên lão thành bên cây đa Quán Riệc

Chính trị - Pháp luật - Ngày đăng : 09:00, 15/07/2024

Không ai ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) biết cây đa Quán Riệc có từ bao giờ. Nhưng chuyện về đảng viên lão thành Trần Thị Hữu bất khuất, kiên trung, sắt son với Đảng
cover.jpg

Không một ai ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ, Hải Dương) biết cây đa Quán Riệc có từ bao giờ. Nhưng chuyện về nữ đảng viên lão thành bất khuất, kiên trung, sắt son với Đảng - Trần Thị Hữu (103 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng) gắn liền với cây đa này thì từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ đảng viên, nhân dân nơi đây.

tit1.png

Ngày 3/6/2024 là một ngày đặc biệt đối với cụ Trần Thị Hữu. Đó là ngày cụ được đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng trước 2 năm. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho nữ đảng viên lão thành cách mạng sau 3/4 thế kỷ luôn một lòng sắt son với Đảng.

75 tuoi dang
Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, xã Tiên Động chụp ảnh lưu niệm với đảng viên Trần Thị Hữu trong ngày cụ nhận Huy hiệu 75 năm tuổi đảng

Trong dịp nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, cụ Hữu được lãnh đạo địa phương, đại diện các tầng lớp nhân dân, người thân đưa ra thăm lại cây đa Quán Riệc ở đầu thôn Quan Lộc, chụp ảnh làm tư liệu phục vụ công tác soạn thảo cuốn lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn tiếp theo. Đã 5 năm kể từ ngày bị ngã và phải ngồi xe lăn, cụ mới lại có dịp ra nơi từng là "trụ sở" làm việc của mình trong kháng chiến chống Pháp. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, sức khoẻ yếu, trí nhớ có phần giảm sút nhưng vừa nhìn thấy cây đa, đôi mắt cụ Hữu sáng rực, những ký ức về một thời kháng chiến trường kỳ lại ùa về. Chỉ tay lên ngọn cao nhất của cây đa, cụ nói bằng giọng chậm rãi: "Ngày trước trèo tít lên ngọn cao kia. Giặc chuẩn bị vào làng là thông báo cho du kích, dân làng biết".

chum1(1).png
Cụ Trần Thị Hữu kể lại cho các thế hệ con cháu về thời kỳ leo cây đa Quán Riệc làm nhiệm vụ "viễn tiêu" cho chính quyền cách mạng

Cụ Hữu sinh ra trong một gia đình bần nông, gia cảnh khốn khó. Cụ mồ côi cha mẹ từ rất sớm, sau ở với gia đình anh trai. Lớn lên có Đảng soi đường, cụ Hữu nhanh chóng được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1947, cụ gia nhập Hội Phụ nữ cứu quốc xã Tiên Động và trở thành một trong những du kích đầu tiên của địa phương chỉ một năm sau đó.

Theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Động giai đoạn 1930-2005", từ năm 1950, giặc Pháp mở rộng chiếm đóng tỉnh Hải Dương, thực hiện mưu đồ "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt". Xã Tiên Động nằm giữa vòng vây đồn bốt của giặc. Tại đây, chúng thường xuyên tổ chức các trận càn quét, cướp bóc tài sản, giết hại người dân vô tội, dụ dỗ nhóm phản động địa phương dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ các lực lượng cách mạng, ép dân lập tề, mở rộng vùng chiếm đóng... Thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, Chi bộ Đảng xã Tiên Động (nay là Đảng bộ xã Tiên Động) đã lãnh đạo đảng viên và nhân dân củng cố làng chiến đấu, xây dựng đường hào, thành luỹ, đào hầm trú ẩn, đẩy mạnh du kích chiến đấu chống địch lập tề...

Là người nhanh nhẹn, mưu trí, cụ Hữu được chi bộ giao làm "viễn tiêu" báo tin cho lực lượng vũ trang và nhân dân khi giặc từ các bốt canh chuẩn bị vào làng. Tận dụng cây đa Quán Riệc cao to, cành lá sum suê, từ sáng sớm đến chiều muộn hằng ngày, trừ những hôm có bão, còn lại cụ Hữu đều đặn mang theo chiếc loa tự cuốn bằng sắt tây, cơm nắm, bình nước leo lên ngọn cao nhất để quan sát tình hình hoạt động của địch ở các bốt xung quanh xã như An Thổ, Quý Cao, Cõi, Đôn Giáo, Rùa. Cứ thấy địch từ bốt đi ra là cụ theo dõi sát tình hình, thông báo cho nhân dân và du kích chuẩn bị trú ẩn, triển khai các phương án tác chiến.

ttd7(2).jpg
Cây đa Quán Riệc - một trong những "địa chỉ đỏ" của xã Tiên Động nằm ngay đầu thôn Quan Lộc

Bấy giờ, cụ Phùng Thanh Miên (90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cháu họ của cụ Hữu), nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tiên Động giai đoạn 1989-1995 mới là một thiếu niên 16 tuổi. Nhà ở gần cây đa Quán Riệc nên cụ Miên dễ dàng quan sát cô mình thực hiện nhiệm vụ hằng ngày. "Cụ Hữu nhanh như sóc, liên tục trèo từ cành này sang cành kia để theo dõi tình hình địch. Cụ gần như ở trên cây cả ngày, không ngại vất vả, nắng mưa. Cụ Hữu gan dạ lắm, địch vào đến đầu làng mà người dân, du kích chưa trú ẩn xong thì sẽ chưa xuống", cụ Miên nhớ lại.

TD cu gia2

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Động ghi: "Chính nhờ sự gan dạ, những tiếng loa báo hiệu của đồng chí Trần Thị Hữu mà nhân dân yên tâm lao động sản xuất, lực lượng du kích có đủ thời gian triển khai chiến đấu đánh địch kịp thời".

Việc được rèn luyện thử thách qua thực tế đấu tranh đã giúp cụ Hữu nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của chính quyền cách mạng địa phương. Ngày 10/3/1951, cụ được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bà Phạm Thị Xuyên (68 tuổi, con gái cả cụ Hữu) chia sẻ: "Bây giờ yếu mệt chứ trước cứ thỉnh thoảng mẹ tôi lại kể cho các con, các cháu nghe về cái ngày vinh dự được trở thành đảng viên. Mẹ bảo đó là mốc son lịch sử của cuộc đời. Chỉ có đi theo con đường đấu tranh chân chính do Đảng lãnh đạo thì cách mạng mới đi được đến thắng lợi cuối cùng".

tit2.png

Một số đảng viên cao tuổi ở xã Tiên Động sống gần thời kỳ với cụ Hữu kể, từ 1950-1953, cụ Hữu đều đặn leo cây đa Quán Riệc làm nhiệm vụ "viễn tiêu". Đêm xuống, cụ tham gia làm công tác địch vận tại các bốt canh của giặc và bí mật chuyển tài liệu cho bộ đội... Cụ Hữu một mình luồn lách khắp các cánh đồng, bơi qua nhiều khúc sông sâu, bí mật tiến sát các bốt canh của địch, dùng loa vận động những con em quê hương trót đi theo địch trở về với gia đình, cùng dân làng đấu tranh.

chum2(1).png
Không một người dân nào ở xã Tiên Động biết chính xác cây đa Quán Riệc có từ bao giờ, nhưng chuyện về nữ đảng viên lão thành Trần Thị Hữu gắn liền với cây đa này thì gần như ai cũng biết

Thời kỳ 1951-1953, Tiên Động là một trong những xã ở khu hạ huyện Tứ Kỳ bị giặc Pháp càn quét liên tục. Chúng gây ra nhiều tội ác, bắt bớ, giết chết hàng trăm dân thường, điên cuồng truy sát du kích, bộ đội nằm vùng, phá hoại nhà cửa, thiêu cháy hầm trú ẩn. Điển hình là ngày 20/4/1951, giặc Pháp và bè lũ tay sai bán nước đã mở cuộc càn quét vào hai thôn Hoà Nhuệ và Quan Lộc, bắn chết 84 người mà chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, hãm hiếp nhiều phụ nữ, đốt cháy hàng trăm ngôi nhà... Những cuộc càn quét lớn của địch làm cho một số cán bộ, đảng viên dao động, thiếu tin tưởng vào cuộc kháng chiến.

Tuy nhiên, các đảng viên ở xã Tiên Động, trong đó có cụ Hữu vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng. Cùng với lực lượng du kích địa phương, cụ tích cực tham gia trấn an tư tưởng đối với quần chúng nhân dân, phòng gian bảo mật, kịp thời phát hiện, tham mưu cho chi bộ đưa ra khỏi Đảng những đảng viên có tư tưởng dao động, thiếu ý chí. Mặt khác, tích cực vận động thanh niên tham gia du kích, phục hồi và củng cố cơ sở kháng chiến, phối hợp với bộ đội của ta phá huỷ giao thông làm cản trở việc đi lại của địch. Tăng cường giáo dục quần chúng thấy rõ được âm mưu của địch, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cụ Hữu hăng hái tham gia rải truyền đơn, kẻ khẩu hiệu, địch vận...

TD truogn thon2

Tháng 4/1953, cụ Hữu không may bị giặc Pháp bắt giữ trong một lần đi rải truyền đơn. Chúng đưa cụ tới nhà tù Căng Máy Chai (Hải Phòng) giam giữ. "Mẹ tôi kể trong thời gian 1 năm 2 tháng ở tù liên tục bị bọn cai tù đánh đập, tra tấn dã man hòng tra khảo thông tin. Mẹ bị chúng dùng điện tra tấn đến ngất lên ngất xuống, buộc túm tay chân, treo lơ lửng lên không trung cả ngày trời dưới cái nắng rát bỏng... Chịu nhiều đau đớn về thể xác nhưng mẹ quyết không khai nửa lời. Vì không lấy được thông tin gì nên đến tháng 6/1954 chúng buộc phải thả mẹ", bà Phạm Thị Xuyên kể.

chum3.png
Năm tháng trôi qua, người đã già đi nhưng những ký ức về một thời kháng chiến bất khuất, kiên trung vẫn được cụ Trần Thị Hữu ghi nhớ và thỉnh thoảng kể lại cho con cháu

Bà Xuyên bảo vì bị địch kích điện nên từ ngày đó tới tận bây giờ, hễ thời tiết thay đổi là cụ Hữu lại đau đầu. Bà ghé tai mẹ hỏi: "Ngày xưa mẹ bị giặc bắt đi tù, sao không khai ra thông tin để khỏi bị tra tấn?". Cụ Hữu mỉm cười, trả lời ngắt quãng nhưng đầy ngạo nghễ: "Sợ quái gì chúng nó. Tao chấp nhận bị giặc giết chứ không đời nào để lộ thông tin cách mạng".

TD cu Huu2

Sau khi được giặc Pháp thả tự do, cụ Hữu trở lại địa phương trong bối cảnh phong trào cách mạng ở Tiên Động và các xã khu hạ huyện đang được đẩy lên cao. Cụ tiếp tục hăng hái tham gia cách mạng và cùng với cán bộ, nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc" cho đến ngày cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi hoàn toàn. Với tinh thần kiên trung, bất khuất và những hy sinh, đóng góp cho cách mạng, cụ Hữu được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua và bằng khen.

chum4.png
Một góc danh hiệu của cụ Trần Thị Hữu được Đảng, Nhà nước trao tặng còn lưu giữ được
tit3.png

Dành cả tuổi thanh xuân đấu tranh cho cách mạng, mãi tới năm 35 tuổi, cụ Hữu mới xây dựng gia đình với cụ Phạm Văn Quyên, là người cùng xã. Vợ chồng cụ sinh được 3 người con (1 trai, 2 gái) và nuôi thêm 1 người cháu 7 tuổi là con của em trai chồng (đã bị giặc Pháp giết hại).

chum5.png
Cán bộ và đại diện các tầng lớp nhân dân xã Tiên Động chụp ảnh lưu niệm với đảng viên lão thành Trần Thị Hữu ở cây đa Quán Riệc để làm tư liệu chuẩn bị viết cuốn lịch sử đảng bộ giai đoạn tiếp theo

Cụ Phạm Văn Quyên (mất năm 1995) là đảng viên, từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, thương binh nặng, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. 2 người con của cụ là đảng viên, từng tham gia bộ đội, thanh niên xung phong. Người cháu vợ chồng cụ nuôi là Phạm Xuân Trung (sinh năm 1952) tham kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam vào năm 1973.

Thời kỳ sau này, cụ Hữu là đảng uỷ viên, giữ chức Thường trực Uỷ ban xã, tham gia Ban Quản trị Hợp tác xã và nhiều công việc khác do địa phương phân công. Cụ tiên phong, gương mẫu trong thực hiện cải cách ruộng đất, thanh toán nạn mù chữ, hăng hái đi đầu trong tẩy rửa những tư tưởng phong kiến, tư hữu, chủ nghĩa cá nhân, đề cao tinh thần tập thể... Ở vị trí nào cụ Hữu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp uỷ, chính quyền, nhân dân tin tưởng, yêu mến.

ban tya
Những thế hệ trẻ của xã Tiên Động hôm nay luôn trân trọng lịch sử, học tập, noi gương nữ đảng viên lão thành Trần Thị Hữu

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cụ Hữu tiếp tục tham gia Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Tiên Động, có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng, được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Từ lúc về nghỉ cho đến khi sức khoẻ không còn cho phép, cụ Hữu đều đặn tham gia các cuộc họp chi bộ, gương mẫu, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, đề xuất được nhiều giải pháp trong phát triển đảng viên, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất giữa Đảng với nhân dân...

Uy tín, tầm ảnh hưởng của nữ đảng viên lão thành Trần Thị Hữu lan toả đến tận ngày nay. Trong các buổi sinh hoạt hằng tháng, các chi bộ thuộc Đảng uỷ xã Tiên Động vẫn thường xuyên nhắc tới cụ Hữu như một biểu tượng của ý chí, sự tận tuỵ cống hiến, hết mực thuỷ chung với Đảng, trách nhiệm trước nhân dân. Đồng chí Phạm Quang Trí, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoà Nhuệ cho biết: "Đồng chí Hữu như một ngọn đuốc sống, soi sáng cho tư tưởng, hành động của thế hệ đảng viên chúng tôi hôm nay. Noi gương cụ, các đảng viên trong chi bộ hăng hái, gương mẫu thực hiện và vận động con cháu cùng tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Nhiều năm nay, chi bộ thôn đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh".

chum6(1).png
Cây đa Quán Riệc hôm nay là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc ý chí, niềm tin và khát vọng cho các thế hệ trẻ ở xã Tiên Động

Theo đồng chí Phạm Minh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tiên Động, cùng với cây đa Quán Riệc, tên tuổi của cụ Hữu đã "hoá thành di tích", dệt thành những vần thơ, tạo nên một trong những "địa chỉ đỏ" quan trọng của địa phương, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. "Nhiều thanh thiếu niên ở Tiên Động bây giờ đều thuộc làu lịch sử địa phương, nhất là chuyện về nữ đảng viên lão thành Trần Thị Hữu bên cây đa Quán Riệc, có ý chí phấn đấu rất tốt. Dù chỉ là một xã nhỏ nhưng số lượng đảng viên của Đảng bộ xã Tiên Động hiện lên tới gần 300 người", đồng chí Thảo thông tin.

TD PBT xa2

Đa số các cháu chắt nội, ngoại của cụ Hữu đến tuổi cũng đều phấn đấu vào Đảng. Cụ có một cháu ngoại đang làm sĩ quan tại Vùng 4 Hải quân. Anh Phạm Văn Thuận (40 tuổi, cháu nội cụ Hữu) làm nghề lái xe dịch vụ tại xã Tiên Động cũng được kết nạp Đảng từ nhiều năm nay. Anh Thuận cho biết: "Ngày mới vào Đảng, bà thường xuyên căn dặn tôi là đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Những việc gì mang lại lợi ích cho quê hương, cho nhân dân thì tích cực mà làm. Tôi vẫn đang từng ngày làm theo lời bà dạy và cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa, hạnh phúc. Mai này khi các con lớn lên, tôi cũng sẽ động viên chúng phấn đấu trở thành đảng viên để duy trì truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương".

TD anh Thuan

Tiên Động là một xã thuộc khu hạ huyện Tứ Kỳ. Chi bộ Đảng xã Tiên Động (nay là Đảng bộ xã Tiên Động) thành lập ngày 10/10/1946. Trải qua các cuộc kháng chiến, quân và dân Tiên Động đã đóng góp cho cách mạng hơn 4.500 tấn lương thực, thực phẩm, động viên gần 600 thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc. Ngày 13/8/1972, lực lượng dân quân tự vệ của xã đã lập chiến công xuất sắc khi bắn rơi máy bay A6 của Mỹ bằng súng bộ binh. Toàn xã có 183 liệt sĩ, 117 thương binh, bệnh binh, 18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2013, xã Tiên Động được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân. Nhiều năm nay, Đảng bộ xã liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân hạnh phúc, ấm no. Toàn xã hiện có 142 cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhiều nhất huyện.

Nội dung: TIẾN MẠNH

Trình bày, ảnh: TUẤN ANH

TIẾN MẠNH - TUẤN ANH