Tình yêu của bà Hào và người chồng 2 lần bị báo tử
Trong mất mát, đau thương do chiến tranh, đâu đó vẫn có những câu chuyện diệu kỳ, hạnh phúc. Câu chuyện tình yêu của bà Hào ở xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) với người chồng - thương binh Nguyễn Đình Nguyên - người 2 lần bị báo tử là một trong những điều như thế.
2 lần báo tử
Ông Nguyễn Đình Nguyên sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, 2 trai, 2 gái. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1978, ông lên đường nhập ngũ tại một đơn vị của Quân khu 7, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tây nam. Trong cuộc chiến tranh này, ông Nguyên tham gia chiến đấu 9 trận. Đến trận thứ 10, ngày 26/9/1979, ông bị thương nặng, được đơn vị chuyển về bệnh xá Trung đoàn K23 (Campuchia) điều trị và được xác định tử vong. Đơn vị đã làm giấy báo tử gửi về UBND xã Đại Hợp để chuyển đến gia đình.
Ông Nguyên cho biết trên đường về quê, ông đã tỉnh lại và được đưa về Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) điều trị. Tại đây, do vết thương quá nặng, một lần nữa các y, bác sĩ kết luận ông đã tử vong và đưa xuống nhà xác. Đến đêm, khi lực lượng chuyên môn đưa tử thi xuống nhà xác thì phát hiện ông còn động đậy nên chuyển về phòng bệnh. Ông được chuyên gia Liên Xô mổ lấy một mảnh đạn trong đầu, còn một mảnh do nằm quá sâu nên không lấy được.
Vết thương khiến ông mất một phần hộp sọ, liệt người bên phải và bị động kinh, thương tật vĩnh viễn 81%. Ông thường xuyên lên cơn động kinh, gào thét, không nói cũng như không nghe được, lúc nào cũng cần người chăm sóc.
Nhờ thành tích trong chiến đấu, ông Nguyên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang năm 1981.
Mối tình thủy chung, son sắt
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Báo Đáp, ông Nguyên hiện có thể đi lại bình thường. Dù nói không tròn vành rõ tiếng và người đối diện phải nói to ông mới nghe được nhưng chuyện trong quá khứ, ông Nguyên đều nhớ và có thể kể lại rành mạch. Để có biến chuyển tích cực như hôm nay, phần lớn nhờ công chăm sóc của bà Nguyễn Thị Hào (sinh năm 1954), vợ ông.
Khi ông Nguyên nhập ngũ, hai ông bà đã có với nhau 1 người con và bà đang mang thai người con thứ 2. Khi con trai thứ 2 ra đời, vì phải ở nhà chăm con nhỏ, bà Hào không thể đi làm công tại hợp tác xã nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Đồ ăn thức uống của 3 mẹ con và bố chồng đều do bên nhà ngoại giúp đỡ.
Năm 1986, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đón thương binh về với gia đình, bà Hào tình nguyện viết đơn xin đón ông về. Lúc này, bệnh của ông Nguyên vẫn chưa có biến chuyển, khi lên cơn lại gào thét, chạy khắp làng. Có lần ông lên cơn động kinh, dù mẹ con bà Hào về quê ngoại lánh nạn nhưng ông vẫn cầm dao xuống tìm.
Gánh nặng đè lên vai khi vừa phải nuôi 3 người con đang tuổi ăn học và chăm sóc chồng bệnh tật nhưng bà Hào vẫn tần tảo, tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Để chăm lo cho cả gia đình, buổi sáng bà Hào dậy sớm tranh thủ bán tôm cá, cua cáy ngoài chợ, buổi chiều về đi làm đồng, buổi tối đập lúa, giã gạo…
“Ông ấy thường xuyên đi bệnh viện và mỗi lần như vậy, tôi lại gửi con cho đằng ngoại để đi theo chăm sóc ông ấy. Tôi tranh thủ những lúc ở nhà làm lụng, vừa lo cái ăn cái mặc cho cả gia đình và tích góp chút ít để phòng khi đưa ông ấy đi viện”, bà Hào kể.
Trong suốt những năm tháng bên nhau, dù chịu bao khó khăn gian khổ, ông Nguyên không giúp được gì nhưng bà Hào chưa một lần oán trách hay hối hận khi lấy ông. “Mỗi lần thấy ông ấy lên cơn động kinh, chạy ra ngoài đường, miệng ú ớ phát ra âm thanh mô phỏng tiếng súng đạn, tôi thấy thương vô cùng nên luôn tâm niệm tìm mọi cách để bù đắp những thiệt thòi ông phải gánh chịu do chiến tranh”, bà Hào chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng Ban Phong trào (Hội Cựu chiến binh tỉnh) cho biết đây là gia đình cựu chiến binh tiêu biểu của tỉnh khi bản thân ông Nguyên có nhiều đóng góp cho nước bạn, gia đình hòa thuận, nuôi dạy con cái thành đạt.
Với tình yêu son sắt, sự chăm sóc không quản ngại khó, ngại khổ của bà Hào và sự cố gắng của ông Nguyên, cái kết viên mãn đã đến với ông bà, giúp họ thực hiện lời thề ước khi kết hôn là được cùng nhau sống đến “đầu bạc, răng long”.