Vì sao một thợ điện nước ở Thanh Miện bị lừa gần 7 tỷ đồng khi định vay vốn ngân hàng?
Vì nhẹ dạ, cả tin và muốn vay vốn để đầu tư, anh L.V.P. ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã bị một đối tượng ở tỉnh Thái Nguyên lừa đảo chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng.
Muốn vay lại bị lừa tiền
Anh L.V.P. ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) chuyên nhận làm công trình điện nước. Do đã thế chấp tài sản để vay ngân hàng trước đó, nay lại có nhu cầu vay vốn để kinh doanh thêm nên anh P. tìm hiểu cách thức vay ngân hàng.
Tháng 6/2022, Hoàng Thanh Hùng (sinh năm 1992, ở phường Lương Sơn, TP Sông Công, Thái Nguyên) in và dán các biển quảng cáo với nội dung hỗ trợ vay vốn tiêu dùng, có logo của ngân hàng MB Bank và Công ty Tài chính Home Credit để tìm người có nhu cầu vay vốn, mục đích là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 4/2023, Hùng đặt in các biển quảng cáo với nội dung “Hỗ trợ vay vốn của ngân hàng MB Bank, liên hệ số điện thoại 0844.149.888” gắn quảng cáo tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn…
Đọc được quảng cáo trên, anh P. liền liên lạc với Hùng. Khi thấy có “cá” cắn câu, Hùng mạo danh tên Hưng, là nhân viên ngân hàng MB Bank. Sau khi kết bạn qua Zalo, y đến tận nhà anh P. hướng dẫn làm hồ sơ vay số tiền từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Hùng đưa ra nhiều lý do như phải nộp tiền phí mở hồ sơ, phí thẩm định, phí che đậy tài sản… để yêu cầu anh P. chuyển tiền. Tin tưởng các thông tin Hùng đưa ra là thật, anh P. sử dụng 6 tài khoản chuyển 121 lần với tổng số tiền hơn 7,9 tỷ đồng vào 11 tài khoản ngân hàng khác nhau do Hùng cung cấp.
Để tạo niềm tin cho anh P. về việc Hùng có thể hỗ trợ vay của nhiều ngân hàng với hạn mức tín dụng cao hơn và có sự hỗ trợ của nhiều nhân viên tín dụng, Hùng sử dụng thủ đoạn đổi tiền từ các tài khoản ngân hàng của đại lý các game bài trên mạng internet rồi chuyển khoản lại cho anh P. hơn 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 6,8 tỷ đồng, Hùng dùng đánh bạc trên mạng hết.
“Nước mắt cá sấu"
Tại phiên xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đối với Hoàng Thanh Hùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày 8/7 vừa qua, trình bày quá trình bị lừa chuyển nhiều lần với số tiền lớn, anh P. đã bật khóc vì mất số tiền quá lớn trong hoàn cảnh làm ăn đang khó khăn. Anh P. cho biết không hề có lòng tham vay mượn tiền bất chính. Chỉ vì đã thế chấp tài sản trước đó nên anh muốn tìm hiểu cách thức vay tiền không cần tài sản bảo đảm. Do bị đối tượng lừa đảo hướng dẫn rất tận tình nên anh P. tin tưởng tuyệt đối.
Sau khi nghe bị hại nói, bị cáo Hùng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin lỗi bị hại. Hùng vừa nói vừa khóc khi nghe bị hại trình bày hoàn cảnh đáng thương. Hùng nói không ngờ bị hại quá thật thà, dễ bị lừa khi Hùng bảo chuyển bao nhiêu tiền là chuyển bấy nhiêu.
Ngoài lừa anh P., cơ quan điều tra còn làm rõ Hùng đã lừa đảo một nạn nhân khác ở Thái Nguyên 9 triệu đồng với thủ đoạn tương tự. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của bị hại. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Tòa tuyên phạt Hoàng Thanh Hùng 15 năm tù, buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Qua vụ án này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn. Mọi người cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty; gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty. Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho các đối tượng; không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ...