NATO ra bản tuyên bố chung 38 điểm - Giới hạn của tham vọng
Dù đề cập tới đoàn kết song tình trạng chia rẽ giữa các nước thành viên NATO không thể che giấu, đặc biệt thể hiện qua thái độ gay gắt của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Tuyên bố chung được các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh 2024 diễn ra tại Washington (Mỹ) tập trung vào 3 vấn đề chính gồm tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ, củng cố sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn cầu.
Bên cạnh đó, các bên cũng nhất trí khởi động các dự án phòng thủ mạng, chống thông tin sai lệch, hợp tác trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI).
Bản tuyên bố chung 38 điểm cũng không quên khẳng định việc củng cố đoàn kết, nhấn mạnh NATO tiếp tục là diễn đàn xuyên Đại Tây Dương quan trọng và không thể thiếu trong tham vấn, phối hợp và hành động trước mọi vấn đề liên quan an ninh tập thể và của mỗi thành viên.
Dù vậy, kết quả hội nghị được cho là không có đột phá đặc biệt, trong khi các diễn biến chính phần nào bị lu mờ do cuộc xung đột tiếp diễn tại sườn phía Đông NATO, khả năng tái đắc cử của tỷ phú Mỹ Donald Trump hay khó khăn trong việc thành lập chính phủ mới ở Pháp.
Hơn cả, dù đề cập tới đoàn kết, song tình trạng chia rẽ giữa các nước thành viên NATO không thể che giấu, đặc biệt thể hiện qua thái độ gay gắt của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại hội nghị.
Hội nghị NATO kết thúc với rất nhiều ngôn từ tuyên bố về việc khối đồng minh sẽ tăng mạnh hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, cả quân sự và kinh tế, bất chấp những cảnh báo của Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng NATO đang ngày càng rời xa mục đích thành lập ban đầu và những bước leo thang căng thẳng của tổ chức này sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Dù không có mốc thời gian cụ thể nào, nhưng NATO khẳng định con đường hướng tới tư cách thành viên của Ukraine là "không thể đảo ngược." Đây được xem là thông điệp mạnh mẽ của NATO nhằm ủng hộ Ukraine.
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder nhận định đợt cung cấp vũ khí mới là "một bước tiến quan trọng" thúc đẩy liên minh hành động thường xuyên hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, giúp đưa Ukraine và NATO xích lại gần nhau hơn, dù chưa giải quyết được vấn đề chiến lược là khi nào Kiev sẽ trở thành một thành viên.
Những cam kết về hỗ trợ của NATO cho Ukraine dường như có tính toán chiến lược, được đưa ra sau khi Nga có vẻ tạo được "những đòn bẩy" quan trọng từ những sự kiện gần đây, như chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Moskva.
Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây xác định tiếp tục hậu thuẫn Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.
Với các khoản viện trợ và "đầu tư chiến tranh" khổng lồ cho Ukraine, song song với các biện pháp trừng phạt và gây áp lực đối với Moskva, cơ hội cuộc xung đột Nga-Ukraine sớm được giải quyết thông qua đàm phán càng mờ mịt.
Tuy nhiên, dù Ukraine nhận thêm nhiều cam kết viện trợ từ NATO, có những kỳ vọng vẫn chưa thể được đáp ứng.
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh phương Tây đang chia rẽ quan điểm và mệt mỏi vì cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, "nhiệm vụ" của hội nghị thượng đỉnh lần này là tuyên bố một chính sách công khai, chứng minh được sự thống nhất của NATO trong cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.
Có như thế, NATO mới chứng tỏ rằng liên minh quân sự này vẫn là "một thế lực" quan trọng sau 75 năm tồn tại.
Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, một tuyên bố thể hiện sự thống nhất của NATO giống như "lực đẩy" đối với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Tuy nhiên, việc triển khai các cam kết hỗ trợ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào tình hình của từng quốc gia thành viên NATO.
Ở Mỹ là kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, bởi ứng cử viên Donald Trump là người luôn hoài nghi về NATO, trong khi tại nhiều nước châu Âu, việc các lực lượng cánh hữu đang gia tăng ảnh hưởng sẽ buộc quốc hội các nước này phải tính toán lại các kế hoạch viện trợ tiêu tốn nhiều kinh phí.
Trong phương hướng phát triển thời gian tới, NATO nhấn mạnh tới nâng cao năng lực quốc phòng chung và hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng sau khi cuộc xung đột tại Ukraine đã bộc lộ rõ những điểm yếu của khối.
NATO muốn hướng tới một kỷ nguyên phòng thủ tập thể mới, xác định tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ trước mọi mối đe dọa và thách thức, trong mọi lĩnh vực và theo nhiều hướng chiến lược trên khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện đại hóa nền quốc phòng tập thể. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa kế hoạch này cũng không dễ dàng.
Ngoài ra, NATO cũng nêu rõ rằng châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, với các động lực an ninh của khu vực này có thể ảnh hưởng đến khu vực kia.
Giới phân tích đánh giá điều này cho thấy khối quân sự xác định một vai trò trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
NATO xác định “sự hợp tác mạnh mẽ và sâu sắc” giữa với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương-Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand - và Liên minh châu Âu (EU).
Đáng chú ý, sự góp mặt tại hội nghị của các đại diện quốc gia đồng minh, đối tác của NATO, nhất là các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều đó thể hiện tham vọng của NATO mở rộng ảnh hưởng ra ngoài khu vực truyền thống.
Có thể coi Hội nghị thượng đỉnh Washington là một cơ hội để NATO một lần nữa thể hiện sự thống nhất và quyết tâm của mình.
Tuyên bố chung của hội nghị có vẻ cũng toát lên những nội dung đầy tham vọng đó. Nhưng phía sau những ngôn từ của tuyên bố chung, vẫn có những cảnh báo của Thủ tướng Hungary, rằng NATO đang dần đi tới chỗ "tự diệt vong" khi theo đuổi chương trình nghị sự tập trung vào các bước đi gây leo thang căng thẳng.
NATO còn nhiều tham vọng sau 75 năm tồn tại, song câu hỏi rằng liên minh quân sự này có thể hiện thực hóa được tham vọng hay không vẫn chưa thể có câu trả lời rõ ràng.