Giới trẻ Trung Quốc trọng thú cưng hơn bạn đời
Mỗi ngày sau giờ làm việc, Yi Ke, 25 tuổi, dắt hai con chó đi dạo tại aPark - khu phức hợp dành cho người nuôi thú cưng.
Yi coi hai con chó Schnauzer 4 tuổi và German Shepherd 4 tháng tuổi là con, xưng với nó bằng "mẹ". Cô dành thời gian cho chúng mỗi ngày và đưa chúng đến nhiều sự kiện dành cho thú cưng vào cuối tuần. "Giống như bất kỳ bậc cha mẹ nào khác, tôi tỉ mỉ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng, dành cho sự chăm sóc tốt nhất", cô nói.
Sách trắng về ngành công nghiệp thú cưng Trung Quốc cho thấy những người sinh sau năm 80 và 90 nuôi thú cưng nhiều nhất, chiếm 78%.
Các phân tích chỉ ra, thanh thiếu niên là một trong những nhóm người tiêu dùng năng động nhất trên thị trường vì có trình độ học vấn cao, dễ bị thu hút bởi các sản phẩm và xu hướng tiêu dùng mới nổi và có đủ khả năng tài chính để mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho vật nuôi của mình. Nhiều người khác nuôi thú cưng như thể nuôi con, cho ăn ngon, mặc đẹp, chăm sóc y tế chất lượng và du lịch.
Theo thống kê từ công ty dữ liệu Tianyancha, Thâm Quyến, thành phố trẻ nhất Trung Quốc, nơi độ tuổi trung bình của cư dân là 32,5, hiện có hơn 84.000 doanh nghiệp liên quan đến thú cưng, tăng gấp 6 lần so với con số 12.000 vào năm 2020.
Hoàn thành vào tháng 12 năm ngoái, aPark thể hiện nỗ lực của thành phố này nhằm tạo ra một trung tâm sinh thái thương mại cho nền kinh tế vật nuôi. Chính quyền Thâm Quyến đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, bao gồm mở phòng chờ thú cưng đầu tiên của Trung Quốc tại Sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến, khai trương các tuyến xe buýt thân thiện với vật nuôi và thúc đẩy xây dựng thêm nhiều trung tâm mua sắm và công viên thân thiện với vật nuôi.
Nhà nghiên cứu Song Ding, Viện Phát triển Trung Quốc (Thâm Quyến), nói rằng thú cưng là người bạn đồng hành tốt với xã hội Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng và giới trẻ ngày càng trì hoãn hoặc không kết hôn. Sự trỗi dậy của "nền kinh tế tóc bạc" (người tiêu dùng trên 50) và "nền kinh tế độc thân" đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thú cưng trong những năm gần đây.
So với các cặp vợ chồng, những người trẻ độc thân thường có sức mua cao hơn và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế thú cưng. Chuyên gia tâm lý Wei Zhizhong, ở Quảng Châu chỉ ra rằng ngay cả khi thái độ của thế hệ trẻ đối với hôn nhân và việc làm cha mẹ thay đổi, nhu cầu tình cảm vẫn bất biến. Tuy nhiên, vì chi phí để có được tình yêu ngày càng cao nên họ phải tạm thời kìm nén nhu cầu nội tại này hoặc tìm cách khác để thỏa mãn.
Wei cho rằng việc những người trẻ nuôi thú cưng như con có thể được coi là một cách khác để họ thể hiện cảm xúc và đạt được sự viên mãn về mặt cảm xúc từ lòng trung thành và tình bạn mà chó mèo mang lại.
"Nhưng thú cưng chỉ có thể thỏa mãn mong muốn yêu thương và chăm sóc của con người. không thể thỏa mãn ý thức cao hơn về giá trị bản thân và ý nghĩa của cuộc sống", chuyên gia này nói.
Không phủ nhận nuôi thú cưng có ích, tuy nhiên các chuyên gia không cho đây là một giải pháp thay thế cho việc kết hôn, sinh con và lấp đầy khoảng trống tình cảm.
Bản thân Yi Ke chủ trương không lấy chồng, song cô khẳng định nuôi thú cưng và không lập gia đình là hai vấn đề riêng biệt, không nên thảo luận cùng nhau.
"Tôi nuôi chó vì yêu chúng. Tôi không muốn kết hôn vì yêu tự do", cô nói.