Ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị khi tiếp nhận các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Ngày 11/7, theo thông tin từ Bộ Y tế, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và đã ghi nhận ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bạch hầu.
Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/7/2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.
Các cơ sở điều trị khi tiếp nhận các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.
Các sở y tế trên cần chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt...
Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng lưu ý Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Các đơn vị trực thuộc tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở Việt Nam giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10-50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm, từ năm 2004-2019).
Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục, một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính.
Vì vậy, người bệnh khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở.
Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong.
Các biện pháp phòng bệnh bạch hầu bao gồm:
- Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.
- Tiêm vaccine bạch hầu: trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vaccine đa giá: bạch hầu-ho gà-uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.
- Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.
- Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.