Ước mơ từ những con đường chống Mỹ
Bài thơ "Chuyện con đường sau những năm chống Mỹ" là tiếng nói của nhà thơ về mơ ước của mình cũng như của bao thanh niên xung phong trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ.
CHUYỆN CON ĐƯỜNG SAU NHỮNG NĂM CHỐNG MỸ
Lại trở về với rừng núi của mình
Về vị trí - Sau nhiệm kỳ lịch sử
Tiếng suối chảy hồn nhiên không bỡ ngỡ
Tiếng chim ca như đã có từ lâu
Cỏ rậm xanh và cây đã cao
Không ai nhận ra con đường ấy nữa
Những đoàn người hành quân qua đó
Đã trở về nhà máy, nông trường
Trong bàn tay người Thanh niên xung phong
Làm đường ấy - vết chai cũng mất
Chiếc áo trắng trên mình em làm mốc
Trong đêm không đèn, đã rách từ lâu
Đoàn xe ra hoả tuyến năm nào
Đã chạy trên những đường lớn khác
Những đứa trẻ thì chưa hề bước
Trên con đường ấy bao giờ...
Không còn ai có thể nhận ra
Dấu vết của con đường đó nữa
Nhưng từ đáy lòng ta - ta vẫn nhớ
Rằng gần, xa đâu đó có con đường
Khi những con đường chính bị bom
Nó đã mở giữa rừng sâu
Trong những ngày chống Mỹ
XUÂN QUỲNH
5-3-1968
Là nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại với những sáng tác đầy nữ tính, nhiều yêu thương về tình yêu, gia đình, Xuân Quỳnh còn là ngòi bút chiến đấu trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Không trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, không phải là thanh niên xung phong song Xuân Quỳnh đã có những tháng ngày nếm trải sự ác liệt của chiến tranh khi đi thực tế sáng tác trên chiến trường khu IV.
Xuân Quỳnh không chỉ chứng kiến đời sống, chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong mà còn thấu hiểu, chia sẻ với tình cảm, tâm tư nguyện vọng của họ. Bài thơ Chuyện con đường sau những năm chống Mỹ sáng tác năm 1968, là tiếng nói của nhà thơ về mơ ước của mình cũng như của bao thanh niên xung phong trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước (từ năm 1965-1975) cả nước có trên 271.000 thanh niên xung phong đã có mặt trên tất cả các chiến trường, các địa bàn trọng điểm để làm các nhiệm vụ hỗ trợ quân đội chiến đấu. Trong đó, công tác mở đường, bảo đảm giao thông là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Viết về những người thanh niên xung phong nhưng trong bài thơ, nhà thơ Xuân Quỳnh không để họ trực tiếp xuất hiện mà dùng hình ảnh con đường để khắc họa bởi trong cuộc kháng chiến, cuộc sống của những người thanh niên xung phong gắn với những con đường. Lao động, chiến đấu, ước mơ của họ đều xoay quanh những con đường.
Nói Chuyện con đường sau những năm chống Mỹ giữa lúc đạn bom còn đang ác liệt chính là nói đến ước mơ của nhà thơ, cũng là ước mơ chung của những người thanh niên xung phong đang cống hiến thanh xuân của mình cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.
Xuyên suốt bài thơ là hình dung về những con đường sau khi cuộc kháng chiến thành công, khi hòa bình đã lập lại, Bắc – Nam thu về một mối. Khi ấy những con đường “đã mở giữa rừng sâu/ Trong những ngày chống Mỹ”, không phải những con đường vốn có từ xưa cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, được “trở về với rừng núi của mình”. Đứng giữa những con đường đầy bom đạn luôn rập rình, tâm trí nhà thơ vẫn hình dung ra cảnh núi rừng tươi đẹp thanh bình với “Tiếng suối chảy hồn nhiên không bỡ ngỡ/Tiếng chim ca như đã có từ lâu/Cỏ rậm xanh và cây đã cao”. Hẳn là khi sống cùng những thanh niên xung phong, nhà thơ cũng vẫn hình dung ra hình ảnh của họ giữa cuộc sống thanh bình thường nhật. Những chàng trai, cô gái vui tươi, hồn nhiên đến từ mọi miền Tổ quốc. Nhà thơ ước mong chiến tranh kết thúc để “Trong bàn tay người Thanh niên xung phong/Làm đường ấy - vết chai cũng mất/Chiếc áo trắng trên mình em làm mốc/Trong đêm không đèn, đã rách từ lâu”.
Chỉ với hai hình ảnh vết chai trên tay và chiếc áo trắng được làm mốc, những câu thơ đã khắc họa được cuộc sống gian khổ, vất vả của những thanh niên xung phong mở đường. Bàn tay họ chai sần vì nhiệm vụ. Chiếc áo trắng cũng phải làm mốc để không khiến cho kẻ thù phát hiện ra họ trong đêm. Ước mong tưởng chừng nhỏ nhoi ấy là khát khao cháy bỏng của tất cả những người trên tiền tuyến cũng như của hậu phương đang hỗ trợ phía sau. Những câu thơ nghe rất nhẹ nhàng nhưng đau đáu biết bao nỗi niềm, tâm sự mà phải là người trực tiếp ra tận chiến trường, nếm trải cuộc sống nơi đây như Xuân Quỳnh mới có thể viết ra.
Nhà thơ hình dung khi hòa bình lập lại, những người thanh niên xung phong được trở về. Những đoàn xe không còn đi qua các con đường dã chiến thì không ai còn nhận ra, còn nhớ đến những con đường ấy nữa. “Nhưng từ đáy lòng ta - ta vẫn nhớ/Rằng gần, xa đâu đó có con đường/Khi những con đường chính bị bom/Nó đã mở giữa rừng sâu/Trong những ngày chống Mỹ”- khổ thơ cuối là lời khẳng định rằng nhà thơ sẽ không quên những đoàn quân từng hành quân qua. Những người thanh niên xung phong từng gắn bó với những con đường sẽ không bao giờ quên những tháng năm gian khổ những rất đỗi hào hùng trên những con đường lịch sử ấy.
Chiến tranh qua đi đã ngót nửa thế kỷ, ước mơ của nhà thơ về ngày hòa bình đã trở thành hiện thực và đất nước còn tiếp tục phát triển có lẽ vượt xa cả những hình dung của bà. Song duy có một điều mãi đúng đó là những con đường được mở dã chiến trong chiến tranh cũng như đội ngũ những người mở đường chưa bao giờ bị lãng quên. Họ không chỉ được thế hệ mình mà cả những thế hệ sau biết đến, trân trọng và biết ơn.
Con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử đã được xây dựng thành tuyến đường huyết mạch nối liền từ Bắc vào Nam. Có những con đường nhỏ thì thực sự lại trở về là rừng, là núi nhưng sự vĩ đại, hào hùng của những tháng năm kháng chiến chống Mỹ vẫn mãi âm vang, một phần là nhờ những bài thơ như Chuyện con đường sau những năm chống Mỹ của nhà thơ Xuân Quỳnh.