Chuyển đổi số

Người dân, doanh nghiệp phải được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số

HÀ KIÊN 10/07/2024 19:21

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu trong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau.

img6828-1-1720597592041141854741.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: VGP

Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ và với đầu cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo bộ, ngành là thành viên Ủy ban; lãnh đạo địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Dương. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu trong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau.

Chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số bài bản, bám sát thực tiễn hơn; thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Niềm tin của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.

img6821-1720597591848884152969.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Ảnh: VGP

Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban và Tổ công tác; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc hoàn thiện thể chế, việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban, việc phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng. Hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu”. An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều...

z5620295022896_de713fc9a2481e03bb685cd729482335(1).jpg
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch hành động của Ủy ban và các chiến lược về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, dữ liệu số, trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu trong chuyển đổi số và phải nói thật, làm thật, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024, trong đó 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành kế hoạch khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7/2024. Yêu cầu các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Xây dựng, Y tế, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Các ngành chức năng sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại, nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

Trước tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban hằng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền về khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.

Với tư duy “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện từng cấp chính quyền, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và người dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã có nhiều chỉ đạo điều hành xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

6 tháng đầu năm 2024, Hải Dương đã đạt một số kết quả trong triển khai chuyển đổi số và Đề án 06, như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC. Tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 tỉnh Hải Dương tăng cao, đạt 92%, tăng 67% so với thời điểm năm 2022 (khi bắt đầu triển khai Đề án 06).

Toàn tỉnh hiện có 234 sản phẩm OCOP, 200 cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng tem truy xuất nguồn gốc; 150.104 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; 173.732 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; 1.162 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử; phát sinh 41.132 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 7 toàn quốc.

Hải Dương đang thực hiện tốt chế độ an sinh xã hội, công tác chi trả đối tượng an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

HÀ KIÊN