Cho phép đẻ quá 2 con?
Dự thảo Luật Dân số đang được lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có một đề xuất gây chú ý với dư luận là bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con, có nghĩa là cho phép đẻ quá 2 con.
Nói vui với nhau là, được phép "đẻ thoải mái", quyền quyết định đó là của mỗi gia đình. Còn khi đẻ con ra, gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và nuôi dạy con tốt.
Theo số liệu từ Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, ngày 14/01/1993: Đã giảm số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ trên 6 con (vào những năm 60) xuống khoảng 4 con hiện nay (1993). Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất thấp so với yêu cầu. Đến cuối năm 1992, dân số Việt Nam đã lên đến 70 triệu người. Nếu cứ tiếp tục tốc độ tăng dân số hằng năm trên 2% và bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có gần 4 con như hiện nay, thì cứ khoảng 30 năm một lần dân số Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Do vậy, mục tiêu cụ thể, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con...
Theo biểu đồ mức sinh của phụ nữ Việt Nam 20 năm qua (giai đoạn 2003 - 2023), mức sinh đã giảm mạnh. Cụ thể năm 2003, mức sinh khoảng 2,13 con/phụ nữ thì đến năm 2023 con số này là 1,95.
Các con số này phản ánh chuẩn xác thực tế hiện nay, đại đa số các gia đình chỉ có 2 con, 1 con, thậm chí không sinh con, nhất là các gia đình trẻ. Không chỉ ở khu vực đô thị, mà khu vực nông thôn - nơi vẫn được cho là quan niệm trọng nam, khinh nữ, cần có con trai để "nối dõi tông đường"... còn phổ biến, thì tình trạng gia đình sinh ít con ngày càng nhiều. Câu chuyện "cho cũng không dám đẻ" đã phổ biến hơn, do nuôi dạy con ngày nay vất vả hơn thời "trời sinh voi, trời sinh cỏ" rất nhiều. Để nuôi dạy một đứa trẻ ngày nay, ngoài ngăn chặn con tiếp xúc với đủ mối nguy hại từ môi trường bên ngoài, thì cần chi phí rất lớn cho ăn uống, học hành... Mặt khác, công việc bề bộn đã ngốn rất nhiều thời gian của các cặp vợ chồng khiến họ cũng rất đắn đo khi muốn sinh thêm con...
Tất cả những điều trên là nguyên nhân khiến mức sinh giảm, đồng nghĩa việc nhiều vấn đề xã hội, nhất là về lao động, chất lượng lao động sẽ phát sinh.
Hải Dương có tỷ lệ già hóa dân số cao. Theo Cục Thống kê tỉnh, dân số tỉnh Hải Dương năm 2023 là 1.956.888 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 957.514 người.
Tỷ lệ sinh giảm, lực lượng lao động trẻ sẽ ngày càng thiếu, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Dự báo, đến năm 2050, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% số dân, trong khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) sẽ giảm... Tất cả những điều này đang là một thách thức rất lớn đối với toàn xã hội. Việc cân nhắc có nên bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con là cần thiết vào thời điểm hiện nay.
Qua thông tin phản hồi, bình luận trên báo chí, mạng xã hội, có thể thấy, đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh từ 1-2 con đang nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Điều này là phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như Hải Dương hiện nay. Đó là việc bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh từ 1-2 con sẽ khắc phục nhanh được tình trạng mức sinh giảm sâu. Cùng với đó sẽ khắc phục có hiệu quả tình trạng già hóa dân số mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt. Khi già hóa dân số được khắc phục sẽ giảm tải được áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người cao tuổi. Ngoài ra, nếu quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con được dỡ bỏ, tình trạng nhức nhối về lựa chọn giới tính thai nhi, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng sẽ giảm so với hiện nay...