Đi tìm hạnh phúc
Chị định bỏ đi, đi đâu cũng được, miễn là không phải đối diện với anh nhưng bệnh tình của anh không tốt, lại nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng hai mươi năm qua nên chị không đành lòng.
Chị không đẹp nhưng có duyên, càng nhìn lâu càng thấy vẻ mặn mà toát lên từ nước da bánh mật nhưng mịn màng, đôi mắt to và đen với ánh nhìn sâu hun hút. Tốt nghiệp Đai học Y, chị xin vào làm tại khoa sản tại Bệnh viện đa khoa của tỉnh.
Nhìn những đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, oe oe cất tiếng khóc chào đời, chị cũng muốn lấy chồng, thèm có con nên khi người yêu giục cưới, chị đồng ý ngay. Gia đình chị ai cũng mến anh vì tính anh thật thà.
Chị vốn hay mơ mộng nên thèm một đứa con gái để được mặc váy, buộc nơ cho nó như cho búp bê. Quả nhiên ao ước của chị trở thành hiện thực. Sinh con đầu lòng là gái nên chị mừng lắm nhưng không khí trong nhà có chút gì đó gượng gạo. Chồng chị thì vẫn an ủi: “Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”. Rõ ràng chị sinh con gái mà bố chồng cứ nhất quyết đặt tên cháu là Sơn Lâm. Có lần chị nghe mẹ chồng nựng cháu: “Giá mà còn bột cho bà mụ nặn thêm tí nữa thì hay biết mấy”. Khi ấy, chị chỉ lặng lẽ thở dài.
Từ ngày có con, chồng chị thăng tiến nhanh, từ phó phòng lên trưởng phòng kế hoạch rồi phó giám đốc. Còn chị, cơ quan cử đi học tiếp để có cơ hội phát triển nhưng chồng chị nhất quyết không đồng ý. Anh bảo: “Một mình anh phấn đấu là được rồi. Đàn bà con gái như em học cao nữa làm gì cho mệt. Xa chồng, xa con, thấy người ta phơi phới lại cặp bồ cặp bịch thì khổ bố con anh à?”. Nghe chồng nói thế, chị đành an phận.
Chuẩn bị sinh đứa thứ hai, chị làm theo sách “Sinh con theo ý muốn” rất bài bản. Chị đã tư vấn cho mấy người bạn gái và họ đều thành công. Vợ chồng chị thực hiện chế độ ăn uống rất khắt khe. Mang thai được ba tháng, chị nóng ruột muốn biết là trai hay gái nên đi siêu âm ở phòng khám tư. Bác sĩ khẳng định: “99% giống bố. Chúc mừng chị nhé”. Chị khấp khởi trong lòng. Bố mẹ chồng mừng ra mặt vì yên tâm có cháu đích tôn.
Đến khi sinh con gái, cả nhà ngỡ ngàng, không tin nổi. Mẹ chồng nói oang oang: “Lại vịt giời. Bác sĩ siêu âm kiểu gì không biết”.
Bây giờ chị không còn thích trực đêm. Chị nộp tiền để cơ quan phân công người trực thay. Chị em đồng nghiệp càng công kích mạnh: “Chồng làm giám đốc, sợ đi với bồ hay sao mà không dám đi trực đêm”. Chị cười thanh minh: “Các chị thông cảm, con bé nhà em quấy lắm, không chịu ngủ với bà hay với bố. Nó khóc nhiều làm em xót ruột”. Thực ra, chị hiểu mình hơn ai hết, chị không muốn rời chồng nửa bước. Khi thấy chồng cần tìm thư ký riêng, chị làm đơn xin nghỉ việc ở bệnh viện để làm cho chồng. Lúc nào cũng kè kè bên anh, chị thấy buồn, thấy mình không còn là mình như trước nữa.
Kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới, anh Đông dự định cùng chị du lịch mấy nước châu Âu. Anh chị sẽ dừng chân lâu nhất ở Pháp, nơi con gái lớn đang du học. Trước khi đi, vợ chồng chị khám sức khỏe toàn diện vì mấy năm vừa rồi mải làm ăn, cuốn vào công việc nên chẳng ai để ý đến khám sức khỏe định kỳ. Chị choáng váng khi nghe bác sĩ nói riêng: “Chồng chị có dấu hiệu ung thư phổi”. Chị lặng người, định giấu chồng, cứ thực hiện kế hoạch đi du lịch nhưng không thể giấu được. Chị khóc một mình và có một lần anh đã vô tình bắt gặp. Chị đã không thể nói dối. Anh vẫn bình tĩnh: “Em đừng lo lắng quá, chết có số cơ mà”.
Chuyến du lịch bị hoãn lại và thay vào đó là những ngày chị chăm sóc chồng ở bệnh viện. Bề ngoài, anh Đông tỏ ra rất vững tâm, sẵn sàng chiến đấu với căn bệnh quái ác nhưng chị nhận thấy bệnh của chồng có chiều hướng nặng thêm.
Một buổi chiều, chị thấy một người đàn bà lạ dắt đứa con trai chừng 10 tuổi vào viện thăm anh. Thằng bé giống anh như đúc. Trống ngực chị đập thình thịch. Người đàn bà giới thiệu: “Em là Quỳnh. Con em là Minh. Chị tha lỗi cho e vì sự đường đột này”. Chị chết lặng giữa phòng, hết nhìn chồng lại nhìn thằng bé nép bên người mẹ, rồi nhìn người đàn bà xa lạ. Chị muốn gào lên: “Thế này là thế nào?” nhưng cổ họng chị nghẹn tắc. Chị vùng chạy ra khỏi phòng, nghe tiếng chồng gọi tên mình yếu ớt vang lên sau lưng: “Thoa! Thoa!”.
Chị định bỏ đi, đi đâu cũng được, miễn là không phải đối diện với anh, không phải nhìn thấy bộ mặt phản bội của chồng. Nhưng bệnh tình của anh không tốt, lại nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng hai mươi năm qua nên chị không đành lòng.
Chị tìm gặp người đàn bà tên Quỳnh, thẳng thắn: “Cô có yêu anh Đông không?”. Người đàn bà kia lắc đầu: “Không. Chuyện đã xảy ra rồi. Lỗi là tại em. Chị đừng bỏ anh ấy”. Chị nhìn vào mắt người đàn bà kia: “Chồng tôi cũng muốn có một đứa con trai. Bố mẹ chồng tôi cũng thèm có cháu đích tôn”. “Chị tha lỗi cho em. Anh Đông khỏe lại là em mừng rồi. Mẹ con em sẽ đi biệt tích”, giọng chị ta run rẩy. Chị động lòng bởi chị đã từng làm mẹ nên không đang tâm chia rẽ hai mẹ con họ.
Chờ con gái thứ hai đỗ đại học, chị chuẩn bị thủ tục sang Pháp định cư cùng con gái lớn. Chồng chị buồn lắm nhưng không dám giữ vợ lại: “Em cứ đi đi. Giữa vợ chồng mình cần có thời gian”. Bố mẹ hai bên nghĩ chị sang thăm con gái một thời gian ngắn nên ai cũng hồ hởi: “Chồng bận thì vợ nên đi. Con nó học xa thiếu thốn tình cảm, có mẹ sang thăm thì vui lắm”. Chỉ mình chị biết chuyến đi này có thể rất dài…