Bùng phát dịch ký sinh trùng đường tiêu hóa lớn nhất trong hơn 20 năm tại Australia
Australia ghi nhận 11.747 ca nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa - số ca mắc bệnh cao nhất được ghi nhận kể từ khi Hệ thống giám sát dịch bệnh nghiêm trọng quốc gia thu thập dữ liệu vào năm 2001.
Australia đang trong đợt bùng phát dịch ký sinh trùng đường tiêu hóa, tên khoa học là cryptosporidiosis - hay còn gọi là nhiễm trùng đường ruột. Số ca mắc bệnh tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay cao hơn cả năm 2023.
Cụ thể, đã có 11.747 ca nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa tính đến thời điểm này ở Australia, trong khi cả năm 2023 chỉ có 3.716 ca. 1/4 trong tổng số các ca nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa là ở trẻ em dưới 4 tuổi.
Đây là số ca mắc bệnh cao nhất được ghi nhận kể từ khi Hệ thống giám sát dịch bệnh nghiêm trọng quốc gia bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2001.
Bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa là do ký sinh trùng cực nhỏ có trong phân của vật nuôi trong nhà, vật nuôi trong trang trại gây ra và làm nhiễm bệnh cho con người.
Bệnh lây lan khi con người bơi trong nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hay uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng. Trứng ký sinh trùng không bị clo giết chết.
Triệu chứng của bệnh là tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn mửa. Quá trình hồi phục có thể mất vài tuần. Phó Chủ tịch trường Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Australia - Tiến sỹ Aileen Traves, cho biết các bác sỹ đa khoa nhận thấy tỷ lệ nhiễm trùng đường ruột tăng đột biến, đặc biệt là ở trẻ em trong độ tuổi đi học và nhà trẻ.
Bà thừa nhận không có cách nào điều trị căn bệnh này ngoài việc nghỉ ngơi và bổ sung nước. Điều quan trọng nhất là ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bang Queensland đang phải hứng chịu đợt bùng phát tồi tệ nhất với gần 50% số ca mắc bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa của Australia được ghi nhận tại đây. Nguyên nhân được cho là do khí hậu tại bang này ấm hơn nên có khá nhiều người bơi lội.
Theo Tiến sỹ Traves, nhiều người mắc bệnh đã nôn nóng bơi lội trở lại ngay sau khi các triệu chứng qua đi, thay vì đợi 14 ngày cần thiết để ngăn chặn lây nhiễm.
Trong khi đó, bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa học lâm sàng Vincent Ho của trường Đại học Western Sydney cho biết những đợt bùng phát như hiện tại thỉnh thoảng xảy ra, nhưng có thể sẽ giảm trong mùa Đông.
Ông dự đoán số ca mắc bệnh sẽ giảm xuống nếu không có vật trung gian lây lan, đồng thời cảnh báo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lớn và lũ lụt làm lây lan ký sinh trùng, trong khi hạn hán cũng có thể làm tăng nồng độ mầm bệnh ở sông và đập.
Để tránh các bệnh về tiêu hóa, giới chuyên gia y tế khuyên người dân rửa tay đúng cách, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với động vật, tránh uống nước chưa lọc và không bơi sau mưa lớn.