Tài chính - Ngân hàng

Tăng lương có làm tăng lạm phát?

TB (theo VnExpress) 09/07/2024 12:53

Đợt tăng lương năm 2008, 2011 trùng thời điểm lạm phát phi mã hai chữ số nhưng theo chuyên gia là do bất ổn chính sách tiền tệ, tài khóa chứ không vì tăng lương.

Từ tháng 7, lương cơ sở tăng thêm 30%, mức cao nhất trong lịch sử, lên 2,34 triệu đồng. Ước tính 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức khu vực công (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) được hưởng lợi. Đây là nhóm được tính lương, phụ cấp và các chế độ dựa trên hệ số theo ngạch, bậc, nhân với lương cơ sở.

Thu nhập của người làm việc tại khu vực công được cải thiện, nhưng một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động bày tỏ lo ngại giá cả thị trường có thể "tát nước theo mưa", tăng cùng với đợt điều chỉnh lương này.

Tuy nhiên, tăng lương không phải là nguyên nhân dẫn đến biến động bất thường của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - chỉ số đo lạm phát, theo các chuyên gia.

Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng lương và lạm phát giai đoạn 1994 - 2008 (khi lương tối thiểu còn được áp dụng chung cho cả hai khu vực công tư), TS Nguyễn Việt Cường (Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra các lần điều chỉnh lương không tương quan với biến động CPI.

"Tăng lương tối thiểu không làm tăng lạm phát, mà ngược lại là hệ quả của lạm phát", TS Cường kết luận.

Lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7 là lần tăng thứ 14 trong hai thập niên qua, từ 290.000 đồng năm 2004 lên 2,34 triệu đồng. Trong đó, các đợt tăng lương vào năm 2008 và 2011 trùng với thời điểm lạm phát tăng vọt lên mức hai chữ số, lần lượt là 23,1% và 16,8%.

Mức tăng bình quân của CPI trong 20 năm qua là 6,5%. Tuy nhiên, nếu chia đôi khoảng thời gian này, bức tranh đối lập giữa hai giai đoạn. Từ năm 2013 đến nay, lạm phát tăng bình quân 3,2% mỗi năm, nhưng giai đoạn 2003-2012 là hơn 10%.

Điểm khác biệt là tăng trưởng cung tiền (tổng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế) trước năm 2013 luôn trên 20%, còn 10 năm qua bình quân dưới 15%. Theo lý thuyết kinh tế học, khi lượng tiền trong nền kinh tế vọt lên nhưng sản lượng hàng hóa không gia tăng tương ứng, dẫn đến giá hàng hóa tăng, tạo ra áp lực lạm phát.

"Cung tiền là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát phi mã của Việt Nam những năm 2008-2011. Khi đó, nhà nước phải tăng lương để bù đắp đời sống cho người lao động khi sức mua của đồng tiền suy giảm nghiêm trọng vì giá cả leo thang", GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nói.

Theo ông, gốc rễ của các giai đoạn lạm phát cao đều xuất phát từ những sai lầm trong nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ liên tục một thời gian dài. Do đó, giá cả ban đầu có thể tăng sau khi tăng lương do hiệu ứng tâm lý, nhưng nếu sau đó không có các "cú sốc" về vĩ mô như giai đoạn 2008-2011, lạm phát không thể tăng cao.

"Lạm phát là chuyện của chính sách tiền tệ và tài khóa. Nói tăng lương làm lạm phát tăng là tội cho người lao động. Rất lâu mới tăng lương một lần không thể tạo ra lạm phát", GS Thơ bình luận. Theo ông, việc bơm tiền ra xây công trình, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục trong một thời gian dài mới gây ra lạm phát.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng nguyên nhân chính của lạm phát cao giai đoạn 2007-2011 là một loạt bất ổn về cân đối vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng bình quân lên tới hơn 30%, cá biệt có năm trên 50%. Các gói kích cầu không đạt mục tiêu, chi tiêu công bừa bãi, nhiều doanh nghiệp Nhà nước phá sản. Khi một lượng tiền rất lớn được bơm ra nền kinh tế nhưng không hiệu quả, lạm phát là hậu quả tất yếu.

Trong khi đó, việc tăng lương cơ sở cho người lao động các đơn vị hành chính, sự nghiệp sử dụng nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước đang kết dư chứ không phải in mới, nên không làm xáo trộn cung tiền. Thêm vào đó, hiện nay tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam được kiểm soát với giới hạn cụ thể do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, nên khó có thể làm lạm phát cao đột biến.

"Dùng ngân sách để tăng lương, cung tiền và tín dụng được kiểm soát phù hợp thì sẽ không có lạm phát đột biến như trước", PGS Phạm Thế Anh khẳng định.

ThS Trần Hương Giang, nhà nghiên cứu chính sách công độc lập, cho rằng tăng lương thường được liên tưởng đến hệ quả tăng lạm phát vì người lao động có thu nhập cao hơn, dẫn đến tăng nhu cầu trên thị trường, qua đó kéo theo giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên, bà không ủng hộ lập luận này.

Chuyên gia phân tích, CPI thường tăng khi nhu cầu hàng hóa thiết yếu tăng, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng tính chỉ số này. Trong khi đó, 2,8 triệu công, viên chức (chưa bao gồm công an, quân đội) chiếm khoảng 5% tổng lao động trong nền kinh tế, khó ảnh hưởng đến bức tranh chung. Chưa kể, chỉ một phần trong số này có thu nhập thấp - nhóm thường gia tăng nhu cầu với hàng hóa thiết yếu khi thu nhập tăng.

Người tiêu dùng hiện vẫn mang tâm lý thận trọng chi tiêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng chưa đến 9%, trong khi mức trước dịch Covid-19 là 11-12%.

"Hiệu ứng tăng lương có thể bù đắp cho sức mua bị giảm sút thời gian qua, chứ khó gây ra một cú nhảy vọt về nhu cầu để lạm phát tăng do cầu kéo", bà Giang dự báo. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc nếu muốn chuyển phần chi phí tăng thêm sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá.

Cũng từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng của người lao động tại doanh nghiệp tăng 6%. Mức lương sau khi điều chỉnh cao nhất là 4,96 triệu đồng (vùng 1), thấp nhất là 3,45 triệu đồng (vùng 4).

Với khu vực ngoài Nhà nước, việc điều chỉnh không tạo ra tác động lớn do tiền lương thực tế của người lao động phần lớn đã cao hơn mức tối thiểu do Nhà nước quy định. Do đó, các doanh nghiệp chỉ tăng thêm chi phí khi lương tối thiểu tăng trong trường hợp đang sử dụng mức này để đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, theo TS Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Mức tăng lương tối thiểu tương đối thấp nên thực tế chi phí của doanh nghiệp cũng không biến động lớn. Vì vậy, việc điều chỉnh khó ảnh hưởng lên giá cả thị trường về cả phía cung và cầu", ông Cường bình luận.

Đồng quan điểm, GS Thơ cho rằng vật giá leo thang trong thời gian dài, nên tăng lương là cần thiết để người lao động ổn định cuộc sống. "Chúng ta chỉ sai khi nào tăng lương quá ít", GS Thơ nêu quan điểm.

Các chuyên gia cũng đồng tình việc tăng lương cơ bản sẽ tạo động lực giúp người lao động làm việc năng suất hơn, qua đó bù đắp chi phí lương tăng thêm. Theo bà Giang, việc tăng lương cơ bản trong khu vực công đi kèm với cắt giảm biên chế, qua đó vừa cải thiện hiệu suất, tăng tính minh bạch, vừa đảm bảo ngân sách nhà nước.

Thực tế, luôn có những người bán hàng tranh thủ tăng giá theo các đợt tăng lương, theo PGS Phạm Thế Anh. Nhưng cùng với đó, khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam rất tốt so với giai đoạn 10-15 năm trước nên thị trường cũng ổn định hơn.

"Giá một số sản phẩm có thể tăng theo lương, nhưng chỉ tác động một phần nhỏ đến toàn bộ lạm phát", ông dự báo.

Sau 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI tăng bình quân 4,08%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội giao Chính phủ cho 2024 dưới 4,5%. Ở lần điều chỉnh lương này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ rất quan tâm đến kiểm soát lạm phát. Theo ông, khả năng lạm phát chỉ tăng khoảng 0,77%, trong khi GDP có thể đóng góp thêm 0,21%.

TB (theo VnExpress)