Khuyến học

Hải Dương nhân rộng mô hình "Công dân học tập"

THẾ ANH 11/07/2024 08:40

Việc triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” tại Hải Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương và Hội Khuyến học huyện Thanh Miện trực tiếp hướng dẫn người dân thao tác sử dụng phần mềm đánh giá mô hình
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương trực tiếp hướng dẫn cán bộ khuyến học cơ sở thao tác sử dụng phần mềm đánh giá mô hình "Công dân học tập"

Kết quả tích cực

Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương cho biết Hội Khuyến học tỉnh đã, đang tích cực cùng hệ thống chính trị triển khai có hiệu quả các Quyết định 1373/QĐ-TTg, Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030" theo Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2021, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” tại các huyện Thanh Miện, Kim Thành và TP Hải Dương. Mỗi địa phương chọn 3 xã, phường với tổng số 93 công dân đăng ký đạt danh hiệu “công dân học tập”, gồm: cán bộ hưu trí, cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên. Kết quả, cả 93 người đều đạt danh hiệu “công dân học tập”. Đến năm 2023, mô hình “Công dân học tập” đã được triển khai ra diện rộng đến nhiều nhóm đối tượng trong tỉnh.

Cụ thể, nhóm nông dân và lao động nông thôn có hơn 246.000 người đăng ký danh hiệu “công dân học tập”, trong đó hơn 43,4% số người đạt. Nhóm công nhân lao động, thợ thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng có hơn 211.000 người đăng ký, hơn 64,7% số người đạt. Nhóm cán bộ quản lý, công chức, viên chức từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp có hơn 61.000 người đăng ký, hơn 86,7% số người đạt.

Hội Khuyến học tỉnh đã chủ trì lồng ghép các hoạt động tuyên truyền thông qua hệ thống Hội Khuyến học các cấp; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021-2030” và “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, đề xuất xây dựng và ban hành tiêu chí công dân học tập, nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội, phù hợp thực tiễn ở các địa phương.

Đến hết năm 2023, 12 Hội Khuyến học cấp huyện đã phối hợp mở các lớp tập huấn cho trên 900 cán bộ khuyến học cấp huyện và cấp xã. Riêng TP Chí Linh đã lựa chọn các mô hình khuyến học, khuyến tài của một số gia đình, dòng họ tiêu biểu để báo cáo tại lớp tập huấn, các học viên học tập kinh nghiệm.

5 năm qua, kết quả thực hiện các tiêu chí học tập năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 515.400 gia đình đăng ký danh hiệu “gia đình học tập”, trong đó 88% số gia đình được công nhận. Gần 8.400 dòng họ đăng ký “dòng họ học tập”, 84,9% số dòng họ đạt. Hơn 126.000 đơn vị đăng ký danh hiệu “đơn vị học tập”, gần 100% đơn vị đạt. Hơn 107.300 cộng đồng cấp thôn đăng ký danh hiệu “cộng đồng học tập”, 98% số cộng đồng đạt. Hơn 297.000 công dân đăng ký danh hiệu “công dân học tập”, 57,2% số công dân đạt.

Để có được kết quả trên, Hội Khuyến học các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó, mỗi công dân tự ý thức được tầm quan trọng và tham gia các mô hình "Công dân học tập".

07dc96d7-4d71-4d2c-b933-51b653c42ce5-1-.jpeg
5 năm qua, Hải Dương đã trao tặng học bổng cho 104.933 lượt học sinh; 782.417 lượt học sinh và 34.123 lượt giáo viên được khen thưởng (ảnh tư liệu)

Hội Khuyến học các cấp tích cực phối hợp với ngành giáo dục, các địa phương đẩy mạnh hoạt động của 235 Trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh, đáp ứng một phần nhu cầu “Cần gì học nấy” của nhân dân. Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, Tháng Khuyến học và kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10; tặng quà, trao học bổng, sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa cho học sinh hoàn cảnh khó khăn; quan tâm phát triển các dòng họ khuyến học…

Thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Đoan cho biết vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” tới từng công dân. Cơ chế chính sách đối với cán bộ khuyến học chưa được quan tâm đầy đủ. Cán bộ khuyến học cấp cơ sở chủ yếu là người cao tuổi, nhiều người sử dụng công nghệ hạn chế…

Tại buổi làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương vào tháng 6/2024, đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao những kết quả của Hải Dương đã đạt được trong việc triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị tỉnh Hải Dương quan tâm bố trí ngân sách để Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Đến hết tháng 6 năm 2024, Hải Dương có hơn 821.000 hội viên Hội Khuyến học (chiếm 42,1% số dân). Tổng Quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt hơn 163,1 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, không phân biệt lứa tuổi, trình độ

Giá trị cốt lõi của mô hình “Công dân học tập” vẫn là yêu cầu duy trì ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi về các phẩm chất, năng lực của mỗi công dân.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Công dân học tập”, cần đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho cả người lớn, không phân biệt lứa tuổi, trình độ, thành phần kinh tế, theo nhu cầu “cần gì học nấy”, học mọi lúc mọi nơi và phù hợp với từng lứa tuổi. Để làm được việc này cần sự tham gia phối hợp của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, người sử dụng lao động… trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc một cách hiệu quả, thực chất, khoa học.

Ngoài ra, cần làm tốt việc xây dựng mô hình từ gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị, cộng đồng học tập. Các gia đình, dòng họ cùng với trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tốt trách nhiệm giáo dục, hình thành nhân cách, xây dựng con người mới với những chuẩn mực đạo đức công dân, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt chú trọng động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời những người còn hạn chế nhưng đang nỗ lực học tập hay những học sinh yếu có tiến bộ. Tích cực tuyên truyền người dân, các cấp, ngành trong xã hội hiểu được rằng, muốn xây dựng xã hội học tập thì phải có công dân học tập; muốn xây dựng chính phủ số thì phải có công dân số.

Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương

Nâng cao kỹ năng cho cán bộ hội

Quá trình triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” còn gặp một số khó khăn như việc tiếp thu bộ công cụ đánh giá mô hình còn hạn chế; sự quan tâm về công tác khuyến học ở một số nơi chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Thời gian tới, các ngành liên quan cần tăng cường tập huấn cho cán bộ hội và các hội viên về kỹ năng tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ chức các cuộc tọa đàm để trao đổi, rút kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay; đồng thời, căn cứ từ bộ tiêu chí khung của mô hình “Công dân học tập” để xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Tổ chức làm điểm về từng nội dung như đăng ký thực hiện từng mô hình học tập; triển khai phần mềm đánh giá mô hình “Công dân học tập”… Thành lập tổ hỗ trợ đánh giá mô hình; kịp thời khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương, mô hình học tập tiêu biểu.

Cán bộ, đảng viên phải làm nòng cốt đi đầu trong phong trào xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu trở thành công dân học tập, học thường xuyên, suốt đời theo tấm gương tự học của Bác Hồ…

Vũ Đức Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thanh Miện

Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học các cấp và người hưu trí

Thực tế, nhiều lao động, nông dân gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch học tập và tiếp cận công nghệ thông tin, nhất là người cao tuổi.

Hội Khuyến học cần phối hợp chặt chẽ các đoàn thể trong xây dựng mô hình; phát huy tối đa vai trò của thành viên chi ủy chi bộ, cán bộ thôn, khu dân cư. Đặc biệt là vận động những người hưu trí làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia xây dựng mô hình “Công dân học tập”.

Hội Khuyến học các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tham mưu với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động luôn có một tâm thế học tập dưới nhiều phương thức.

Việc thực hiện số hóa, triển khai phần mềm mô hình "Công dân học tập" còn khó khăn về cơ sở vật chất. Vì vậy, cần huy động nguồn lực bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho triển khai phần mềm đánh giá "Công dân học tập".

Phạm Thế Quynh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Kim Đính (Kim Thành)

THẾ ANH