Hải Dương xây dựng nghị quyết đặc thù hỗ trợ học sinh học nghề
Thông tin trên được nêu tại cuộc họp của UBND tỉnh Hải Dương xem xét về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào chiều 8/7.
Chiều 8/7, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chủ trì cuộc họp để nghe Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến ngày 31/3/2024, Hải Dương có 382.500 lao động làm việc trong 8.689 doanh nghiệp, gồm 105.500 lao động làm việc tại 265 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khoảng 277.000 lao động làm việc tại 8.424 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
Có khoảng 63.000 lao động tỉnh ngoài làm việc tại Hải Dương; khoảng 103.000 lao động trong độ tuổi của Hải Dương đang làm việc ở tỉnh ngoài; khoảng 27.500 lao động trong độ tuổi đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động trong độ tuổi đang thực hiện nghĩa vụ (quân đội) khoảng 2.400 người/năm.
Kết luận nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo UBND tỉnh về cơ sở dữ liệu tuyển sinh, tốt nghiệp THCS, THPT. Làm tốt công tác phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp đạt mục tiêu đề ra. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương đánh giá sâu kỹ về tình hình hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, xem xét về quy mô, tính chất, năng lực đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để xác định mục tiêu đào tạo cho các cơ sở này phù hợp yêu cầu trong tình hình mới.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh căn cứ vào các quy định, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách thu hút lực lượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương tham gia thị trường lao động, học nghề để đào tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu kết nối cung cầu lao động và lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, chủ sử dụng lao động, các doanh nghiệp về việc tham gia giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp xây dựng lại báo cáo, tham mưu UBND tỉnh đề xuất xây dựng nghị quyết đặc thù của tỉnh về các chính sách để hỗ trợ học sinh tham gia học giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thu hút đầu tư của tỉnh và quy định hiện hành, gồm 2 nhóm: lao động đào tạo trình độ cao; lao động đào tạo trình độ sơ cấp, phổ thông, lao động thường xuyên...
Sở Tài chính chủ trì phối hợp đề xuất bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh đáp ứng đào tạo các ngành, nghề công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để phát triển công nghiệp theo mục đích thu hút đầu tư của tỉnh…
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực, trên địa bàn liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đặt hàng đào tạo, sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Các cơ sở dạy nghề tích cực đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ người học nghề để nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo...
Cũng tại cuộc họp này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nghe các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo về chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh; kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về xây dựng nhà ở trong các khu đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh. Xem xét báo cáo trình tự, thủ tục, công tác phối hợp trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, gia đình, cá nhân (liên quan đến hồ sơ thủ tục xây dựng hoàn thành công trình), thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết; báo cáo công tác cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền của người sử dụng đất, vướng mắc, khó khăn và đề xuất phương án giải quyết.
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ở Hải Dương để mở rộng sản xuất, kinh doanh và thay thế lao động khoảng 80.000 người/năm, trong đó đại học và trên đại học 2.200 người, cao đẳng 2.000 người, trung cấp 2.300 người, sơ cấp 3.800 người, lao động phổ thông 69.700 người.
Hải Dương phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đến năm 2025 đạt 33%, đến năm 2030 đạt 43%; thu hút 45% số học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.