Truyện ngắn

Ông Năm

NGUYỄN SỸ ĐOÀN 13/07/2024 10:00

Chuyện nhà ông Năm chia ly rồi tái hợp đầy nghiệt ngã nhưng lại chất chưa vô vàn tình yêu thương và sự bao dung.

mhtrng-ong-nam(2).jpg

Bà chủ quán bún chả Ngọc Lan ân cần nói: “Ông Hải à. Hoàn cảnh nhà tôi neo người chắc ông đã biết. Tôi thì bận suốt ngày ngoài quán chẳng mấy khi mở được mắt, có mỗi mụn con gái lại đi du học bên Nhật Bản đến Tết này mới học xong. Hai mẹ con ky cóp mãi mới mua được mảnh đất con con và xây nhà. Tôi dự tính sau khi xây xong nhà sẽ chuyển quán về đây chứ thuê nhà mệt lắm”.

Ông Hải-một chủ thầu xây dựng nói xuôi theo: “Bà tính thế phải lắm, mỗi năm tăng giá thuê nhà một lần thoạt tính tưởng lãi hóa ra thành lỗ. Bà định hôm nào khởi công?”.

Bà Lan nói: “Tôi định trong tháng này. Từ nay đến Tết chẳng còn bao nhiêu ngày, phải nhanh mới kịp”.

Ông Hải bảo: “Vâng, tôi cũng nghĩ như thế”.

Bà Ngọc Lan nói tiếp: “Tôi bận nên rất ít xuống thăm công trình, mong anh hết sức lưu ý. Tôi ủy quyền cho thằng cháu tên là Hoàn thay mặt tôi làm việc với ông và nhóm thợ. Có gì vướng mắc hai bên cùng nhau bàn bạc, gỡ rối. Còn mẫu mã kiểu cách đã có thiết kế”.

Nói xong bà Ngọc Lan lên chiếc xe máy lao nhanh về phía thành phố. Thật ra cái tên Ngọc Lan là của con gái, còn bà tên là gì thì không ai biết cụ thể. Người phố có thói quen lấy tên quán gọi thay cho tên chủ nhà.

Công trình của ông Hải nhiều lắm. Suốt ngày ông chạy như ngựa vía. Nào nghiệm thu, nào ký hợp đồng mới, nào mua vật liệu... nên công trình nhà bà Ngọc Lan ông Hải giao cho một người bạn thân từ thời còn trong quân ngũ. Đó là ông Năm.

Ông Năm năm nay chừng 50 tuổi, chăm chỉ, chỉn chu trong mọi công việc. Làm bất kể ở đâu ông Năm cũng cẩn thận như làm cho nhà mình. Ngày trẻ ông Năm từng là tay thợ cừ khôi nhưng nay do tuổi cao, mắt kém nên ông Hải chuyển bạn sang trông nom công trình. Đội của ông Hải từ Nam ra Bắc đâu cũng được khách hàng tin tưởng. Vừa thấy ông Năm, ông Hải nói: “Anh đến chậm vài phút, bà Ngọc Lan về rồi. Còn đây là anh Hoàn, cháu gọi bà Ngọc Lan bằng cô. Hai chú cháu sẽ thường xuyên làm việc với nhau”.

Nhà ông Năm cách thành phố hơn ba chục cây số. Ngày mới xuất ngũ có thời ông Năm đã từng ra phố tìm việc làm nhưng không được, đành quay về nghề xây dựng. Ngày ấy cuộc sống đầu tắt mặt tối nên cái ăn quan trọng lắm. Nhà ông Năm có ba anh em. Anh Ba, chị Tư rồi đến ông.

25 tuổi, ông Năm lấy vợ. Vợ ông tên Liên nhưng người quê thường gọi bằng tên chồng, chẳng mấy khi gọi Liên. Kể từ đó ba cặp vợ chồng gồm bố mẹ, anh chị Ba và vợ chồng ông Năm cùng sống dưới một căn nhà ba gian. Gian giữa đặt bàn thờ. Gian ngoài cùng là cơ ngơi của vợ chồng anh Ba. Gian thò còn lại thì ngăn đôi, một nửa dành cho bố mẹ, nửa còn lại là vợ chồng ông Năm ở.

Nhà chật đến thở cũng khó. Thùng gạo riêng còn mọi thứ đều dùng chung nên ai cũng muốn vun vén cho cái tổ ấm nhỏ bé của mình. Sáng, trưa, chiều, tối, ba cái bếp tranh nhau đỏ lửa. Chuyện con gà, luống rau, hạt muối va nhau không ngày nào không xảy ra. Vợ chồng ông Năm vốn hiền lành, chậm nói nên thường thua thiệt, cũng có một phần con dâu mới còn sợ bố mẹ chồng. Bà chị dâu, chị chồng mỗi ngày một lấn lướt. Bên đây là vợ bên kia là bố mẹ và anh trai khiến ông Năm nhiều lúc chỉ biết nhịn tức, im lặng.

Một hôm, ông Năm đi làm về thấy cửa nhà tanh bành, bà chị dâu đứng hai tay chống nạnh, mặt vênh lên nói đổng: “Trời đất quỷ thần ơi, lọ đường, chai mỡ tối qua vẫn còn đầy mà trưa nay đã vơi đi một nửa. Thử hỏi còn ai lấy vào đây nữa”. Bà chị dâu ám chỉ vợ ông bằng "nó". Người lành khi cục không biết đâu mà lần. Máu trong người ông Năm sôi lên. Không nói không rằng, ông cầm cả chai mỡ lẫn lọ đường ụp thẳng vào đầu vợ. Máu, đường, mỡ nhoe nhoét khắp đầu vợ. Vợ ông Năm vừa khóc vừa thanh minh với bố mẹ chồng: “Con không lấy”.

Nếu sự việc chỉ dừng lại ở đấy chắc chắn chiều sau sẽ vui vẻ, nhưng chị dâu cả rêu rao khắp làng xóm nói xấu vợ ông Năm đủ điều khiến vợ ông xấu hổ không dám ngẩng mặt nhìn ai. Ông Năm nhìn vợ gầy nhẳng, da xanh nhớt vì vừa qua giai đoạn ốm nghén mà xa xót nhưng không biết làm thế nào. Sáng hôm sau, ông Năm choàng tỉnh không thấy vợ đâu. Một tờ giấy đặt trên gối: “Em không dám trách thầy u và anh. Chỉ tại lòng người hẹp hòi, ganh ghét. Chúc anh nhanh chóng tìm được hạnh phúc mới. Vợ của anh: Liễu”.

Giữa lúc ông Năm xót xa, đau đớn khi người vợ đang bụng mang dạ chửa phải bỏ đi thì tiếng bà chị dâu lảnh lót: “Báu gì ngữ ấy. Tháng sau tôi sẽ kén cho chú một cô vợ khác xinh hơn, đảm hơn”. Năm gầm lên: “Câm hết cả đi”.

Ngày đổ mái tầng 2, Hoàn bảo bà Ngọc Lan: “Theo như thầy nói tầng mái cuối cùng rất quan trọng phải đích thân bà chủ làm lễ. 4 giờ sáng đấy cô à”. Bà Ngọc Lan bảo: “Đúng giờ tôi sẽ đến”. Nói xong bà chủ quay xe. Vừa thoáng nhìn thấy bà chủ, ông Năm thầm kêu lên thảng thốt: “Trời ơi, Liễu. Đích thị Liễu rồi. Bao năm góc trời, chân bể kiếm tìm thì ra Liễu vẫn chỉ cách xa ông có vài chục cây số”.

Thì ra Ngọc Lan là tên con gái của Liễu. Nhìn ông Năm mặt mũi tái dại như người bị trúng gió, Hoàn hỏi: “Chú làm sao thế?”. Ông Năm bảo: “Tôi thấy trong người khó chịu xin nghỉ buổi sáng”. Trưa hôm ấy ông Năm bỏ bữa. “Liễu ơi, hãy tha thứ cho tôi”. Từ ngày vợ bỏ nhà ra đi, ông Năm như điên, như dại. Ông sang nhà ngoại hỏi thăm nhưng gia đình vì ghét sự nhu nhược của con rể mà không chịu nói địa chỉ của Liễu. Suy cho cùng chỉ tại nghèo khó mà ra. Tuy sống với bố mẹ, với anh chị nhưng ông Năm không quên được vợ. Ông chọn làm nghề xây dựng để có điều kiện đi tìm vợ. Bà chị dâu giữ đúng lời hứa mối lái vài ba người con gái cho ông Năm. Lần nào ông Năm cũng nói: “Em chưa quên được người vợ cũ”. Nhiều đêm ông thầm gọi: “Liễu ơi, oan cho em quá, khổ thân em quá. Là người chồng mà anh không thể bảo vệ được em, được con. Anh thật đáng chê trách”.

Công trình nhà bà Ngọc Lan hối hả hoàn thiện những khâu cuối cùng. Những ngày này ông Năm ngủ rất ít. Ông kiểm tra kỹ càng mọi công việc. Hoàn kêu lên: “Ông làm như việc của nhà mình không bằng”. Ông Năm cười nói: “Già rồi nên ít ngủ”. Nhưng thật ra trong thâm tâm ông Năm lại cho rằng đây là cơ hội để bù đắp phần nào cho hai mẹ con. 22 năm qua chưa một lần ông Năm được gặp con gái. Ông khát khao được ôm đứa con của mình. Nhưng giờ đây hai tiếng “Bố ơi” đối với ông thật quá xa vời. Ông không có tư cách gì để gọi một tiếng “Con ơi”. Ông không xứng đáng. Cái đêm thoáng nhìn thấy vợ sau nhiều năm xa cách, ông Năm vừa mừng lại vừa sợ. Mừng vì Liễu và con gái khỏe mạnh. Sợ vì lại bị xua đuổi. Vì thế, ông thường tìm cách tránh mặt bà chủ Ngọc Lan. Ông thầm trách mình đớn hèn, nhu nhược không đủ can đảm bảo vệ hạnh phúc của chính mình.

Xong bữa cơm tân gia, Ngọc Lan nói với mẹ: “Ngày mai con sẽ về quê nội. Con biết hết rồi. Ngoại đã kể hết với con. Bố con không phải là người xấu”. Liễu khụy xuống bất ngờ: “Con đừng nói nữa. Lòng mẹ đã nguội lạnh từ ngày con ra đời. Giờ mẹ sống vì con và hy sinh tất cả cho con”. Ngọc Lan nũng nịu: “Nhưng con cần có một người cha đúng nghĩa. Bố con không có lỗi. Tất cả do hoàn cảnh, do nhận thức lúc bấy giờ. Vì con, mong mẹ hãy mở lòng”. Lời của đứa con gái ngắn gọn nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Người xưa thường nói sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy chẳng sai tẹo nào. Bà Liễu cắn môi suy nghĩ. Lòng bà như mềm lại. Dù sao cũng có một thời bà là dâu con. Bà gật đầu bảo: “Sáng mai mẹ sẽ về cùng con”.

Sau ngày thầy mẹ quy tiên, ông Năm mê mải tìm vợ con nên ngôi nhà ít được chăm sóc, tu sửa. Ngày Tết, ngày giỗ, ba anh em mới tập trung quét dọn. Bà Ba, bà Tư nay đã già, da mồi, tóc bạc, lưng còng xuống, đi lại chậm chạp. Cuộc sống đã khá hơn nên chả ai còn nhớ chuyện năm xưa. Nghe tiếng chào, bà Ba hấp háy đôi mắt mờ đục ngước lên hỏi: “Có việc gì thế hả cô”. “Chị Ba, chị Tư, em là Liễu đây. Hai chị không nhận ra em sao? Hôm nay em dẫn cháu Ngọc Lan về thắp hương cho ông bà nội”. Bà Ba, bà Tư ngẩn người trong thoáng chốc rồi bà Ba bật lên: “Trơi ơi, thím Năm, à quên, thím Liễu”. Rồi bà khóc tu tu: “Thím Liễu ơi, chị em tôi có lỗi với thím nhiều lắm. Rất mong chú thím bỏ qua. Chỉ vì cái nghèo mà lòng dạ con người trở nên hẹp hòi, ích kỷ. Nghĩ lại chuyện xưa mà ân hận...”. Bà Liễu nắm tay hai người chị lắc nhẹ: “Chuyện cũ qua rồi, xin đừng ai nhắc đến”.

Sau nhiều năm xa cách, ba người đàn bà lại có dịp nói chuyện cùng nhau. Mọi ganh ghét đã lùi vào dĩ vãng. Tình đời đâu đến nỗi. Giá như... giá như ngày ấy... thì mọi nghiệt cay, hằn học với đời sẽ nhẹ đi xiết bao. Chắc chắn mọi người sẽ trở nên mở lòng hơn, vị tha hơn. Bà Ba bảo: “Trưa nay mẹ con thím ở đây ăn cơm. Tôi báo mọi người sang chứng kiến con Ngọc Lan nhận tổ, quy tông. Còn thím Liễu là người cũ rồi khỏi phải giới thiệu”.

Trời đã nhá nhem, ông Năm vờ như bận rộn pha chè, tráng chén mà lòng đầy hồi hộp. Ông nghẹn ngào đứng lặng. Ông biết mình có lỗi với vợ và con. Nhìn gương mặt nhầu nhĩ cùng mái tóc pha sương của bố, Ngọc Lan nhào tới ôm, nức nở: “Bố. Bố của con. Bố có biết con mong mỏi có ngày hôm nay như thế nào không?”. Ông Năm cũng khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên hai gương mặt tràn đầy hạnh phúc. Ông không biết mình đang mơ hay tỉnh. Giây phút xúc động qua đi, Ngọc Lan nói: “Bố mẹ không chào nhau à?”. Nói xong cô ý tứ bỏ ra ngoài.

Bà Liễu nhỏ nhẹ: “Anh Năm, thời gian qua em cố chấp quá thành ra hai đứa cùng khổ và dở dang, làm con gái mình cũng khổ theo. Em là người có lỗi. Chúng ta trở về cho con gái có bố có mẹ đủ đầy. Vì hạnh phúc gia đình, vì con gái, em sẽ làm tất cả. Anh có đồng ý thế không?”

Những tủi hờn chất chồng nay được thổ lộ. Những giọt nước mắt vui cứ lăn dài, lăn dài. Ông Năm nắm bàn tay đang run rẩy của vợ nói nhỏ: “Cảm ơn em đã không hắt hủi anh”. Bà Liễu thầm thì: “Chúng mình mãi mãi vẫn là một gia đình”.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN