Cách người giàu Trung Quốc du lịch
Những người giàu Trung Quốc thích nghỉ ở các khách sạn có thương hiệu và chi tiêu theo "thể diện" khi đi du lịch.
Năm 2023, mức tiêu thụ hàng xa xỉ của Trung Quốc chiếm khoảng 22 - 24% tổng tiêu thụ toàn cầu, dự báo đến năm 2030 tăng lên mức 35 - 40% (mức tiêu thụ trong nước đạt 24 - 26%), theo Bain&Company - công ty tư vấn, quản lý có trụ sở ở Mỹ.
Theo báo cáo của Jing Daily, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc tạo ra làn sóng du khách giàu có mới, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa. Thu nhập ngày càng tăng khiến người tiêu dùng Trung Quốc mong muốn các trải nghiệm du lịch cao cấp cả trong nước lẫn quốc tế.
Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc thường du lịch kết hợp công việc. Họ tìm kiếm những trải nghiệm du lịch dễ dàng, thích đắm mình trong ẩm thực cao cấp, giải trí, spa và nhiều dịch vụ độc quyền. Kiểu du lịch này cho thấy họ muốn sự cân bằng giữa công việc và giải trí.
So với những người cùng đẳng cấp trên thế giới, sở thích du lịch của nhóm nhà giàu Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt. Vincent Wang, người có ảnh hưởng trong giới du lịch ở Trung Quốc, nói đa số khách hạng sang toàn cầu đều thích trải nghiệm độc quyền, đồng thời coi trọng các tương tác xã hội suốt chuyến đi, yếu tố này không được nhiều người giàu lớn tuổi ở Trung Quốc quan tâm.
Điều được các du khách giàu có ở Trung Quốc chú ý là "các điểm đến ổn định, có thương hiệu". Do đó, họ thích các cơ sở lưu trú cao cấp từ những thương hiệu như The Ritz-Carlton, Four Seasons và Peninsula.
Năm 2023, một khảo sát do Viện nghiên cứu Hồ Nhuận thực hiện, gồm 750 cá nhân tham gia khảo sát từ những gia đình sở hữu 45 triệu nhân dân tệ (6,2 triệu USD), chỉ ra 90% muốn đi du lịch trong nước nhiều hơn trong ba năm tới. Điểm đến đảo như Tam Á được yêu thích, trong khi Maldives, Dubai, Pháp, Anh hay Singapore dẫn đầu ở danh sách điểm đến quốc tế.
Chất lượng là yếu tố quan trọng nhất khi khách lựa chọn điểm đến, chỗ ở. Ngoài ra, nhóm khách này cũng dành sự chú ý đến nghệ thuật trong những năm gần đây. Cụ thể, họ muốn các hành trình, chuyến tham quan tập trung vào chủ đề nghệ thuật như tham quan xưởng nghệ thuật hay những chuyến đi khám phá hậu trường. Quá trình tạo ra vẻ đẹp và sự hoàn hảo khiến nhóm khách này phấn khích.
Carol Chen - chuyên gia du lịch Trung Quốc, chủ sở hữu công ty lữ hành chuyên phục vụ khách cao cấp - nói thêm du khách hạng sang Trung Quốc "nhận thức sâu sắc về địa vị xã hội và muốn hòa nhập với nhóm bạn bè của mình". Điều này có nghĩa họ sẽ ưu tiên trải nghiệm, mua sắm như bạn bè, đồng nghiệp để duy trì gắn kết xã hội.
"Thể diện" đóng vai trò quan trọng tới quyết định chi tiền của khách hạng sang Trung Quốc. Họ sẵn sàng mua những mặt hàng xa xỉ, sử dụng dịch vụ hạng sang để không thấy xấu hổ với những người trong giới.
"Nhóm khách sang trọng rất muốn thể hiện đẳng cấp, sự giàu có, địa vị nên muốn tìm kiếm các thương hiệu, trải nghiệm khiến nhiều người ngưỡng mộ", Chen nói.
Suy nghĩ về du lịch của thế hệ trẻ giàu có cũng khác với thế hệ cũ. Jackey Yu, chuyên gia về nhóm khách hàng Trung Quốc và châu Á, nói nhóm trẻ ít chú ý đến các thương hiệu xa xỉ hơn thế hệ trước. Nhóm này tìm kiếm các thương hiệu đại diện cho cộng đồng ngách, có đóng góp vào tính bền vững và mang giá trị tốt đẹp tới thế giới.
Lối sống du mục kỹ thuật số cũng nổi lên trong nhóm người trẻ giàu có. Họ muốn làm việc từ xa để thỏa sức khám phá thế giới bên ngoài. Với nhóm này, du lịch đại diện cho sự tự do và theo đuổi những trải nghiệm đích thực.
Theo Jing Daily, du lịch xa xỉ ở Trung Quốc đang có nhiều sự thay đổi, đặc biệt khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên. Do đó, thị trường này hứa hẹn sự tăng trưởng lớn và liên tục chuyển đổi trong tương lai.