Tin tức

Kỷ cương công vụ - động lực tăng trưởng mới

TB (theo TTXVN) 07/07/2024 11:26

Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo coi "kỷ cương-trách nhiệm" như một động lực tăng trưởng nội tại của bộ máy quản lý, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 diễn ra vào ngày 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm cao với tinh thần xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” để có cơ sở đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, phê bình phù hợp.

Thủ tướng đưa ra phương châm “6 rõ” trong quản lý, điều hành khi thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, vướng mắc chưa được khắc phục trong thời gian qua, như “kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.”

Đúng 6 tháng trước, ngày 5/1/2924, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố: Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững.”

Vế “kỷ cương-trách nhiệm” được đặt lên trước là có cơ sở. Khi nền kinh tế giảm tốc trong bối cảnh chung của thế giới bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, Chính phủ đã xác định đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế để tập trung các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn.

Mà một trong những giải pháp quan trọng đã và đang được đẩy mạnh là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thậm chí, nhiều chuyên gia kinh tế đã phát biểu rằng những hỗ trợ về cải cách thể chế, môi trường kinh doanh còn quan trọng hơn khi các giải pháp tài khóa, tiền tệ đã gần hết dư địa.

Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ đã rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo coi "kỷ cương-trách nhiệm" như một động lực tăng trưởng nội tại của bộ máy quản lý, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tập trung chỉ đạo, động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống hành chính nhà nước phát huy tinh thần trách nhiệm; phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2024.

Gần 3 tháng trước, ngày 16/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 968/CĐ- TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Công điện số 968/CĐ-TTg ra đời trong bối cảnh trước đó Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công vụ của các bộ, cơ quan, địa phương và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 về quy chế làm việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Mặc dù vậy, theo kết luận của Chính phủ, tình trạng buông lỏng kỷ cương, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả.

Còn liên quan đến việc nâng cao ý thức kỷ luật Đảng, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Một trong những chuẩn mực là: Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức.

Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, tiền đề quan trọng là xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong một tập thể đối với nhiệm vụ cụ thể được giao, cũng như tiêu chí đánh giá hiệu quả về thời gian, chất lượng công việc (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm).

Ngày 23/4/2024, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Quy định này xác định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm giới thiệu nhân sự để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý.

Ngày 23/5/2024 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định số 148-QĐ/TW có thể được coi là phần tiếp theo của Quy định số 142-QĐ/TW.

Một trong những căn cứ tạm đình chỉ công tác cán bộ trong trường hợp cần thiết thuộc về vấn đề kỷ cương, kỷ luật: “Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.”

Quy định số 142-QĐ/TW, Quy định số 148-QĐ/TW cùng với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị là các bước trong tiến trình siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, cũng như gắn chặt hơn vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu theo hướng vị trí càng cao-trách nhiệm càng lớn.

Quyền hạn của người đứng đầu được mở rộng hơn nhưng đi cùng là mức độ kỷ luật cũng nghiêm khắc hơn - miễn nhiệm, từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW trong trường hợp không hoàn thành trọng trách.

Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó mức tăng trưởng GDP của quý 2 đạt 6,93%, của 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên…

Như vậy, những kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong 6 tháng đầu năm đã chứng tỏ những giải pháp về kỷ cương, kỷ luật đã góp phần quan trọng và phát huy hiệu quả. Nhưng chúng ta có thể đạt được những kết quả kinh tế-xã hội cao hơn nữa nếu các hạn chế về kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ được khắc phục tốt hơn nữa.

Phát biểu điều hành trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung phân tích sâu những mặt hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành, quản lý, trong đó có vấn đề kỷ luật, kỷ cương. Mục đích là để sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong nửa cuối năm đạt tầm cao hơn, vững chắc hơn so với nửa đầu năm, tạo đà cho việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025).

Kỷ cương tạo nên sự thống nhất về hành động và ý chí của mọi thành viên, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Kỷ cương theo nghĩa rộng chính là phép nước. Kỷ cương, kỷ luật là sức mạnh của một đơn vị, một tập thể. Phép nước là sức mạnh của một quốc gia.

TB (theo TTXVN)