Lao động - Việc làm

Công nhân may khó bám trụ đến tuổi nghỉ hưu

THANH NGA 09/07/2024 15:00

Là ngành sản xuất đặc thù, độc hại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, công nhân sản xuất may mặc, da giầy ở Hải Dương mong muốn có chính sách đặc thù để được nghỉ hưu sớm mà vẫn bảo đảm chế độ.

z5600002105762_864298e445a718e8c13b57fb3cd85957.jpg
Thật khó để thấy công nhân ngoài 50 tuổi vẫn ngồi máy may. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang) trong giờ làm việc

Làm ngày nào biết ngày nấy

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Tân Hương (Ninh Giang) làm công nhân may từ năm 20 tuổi. Đến nay chị đã có ngót nghét 15 năm trong nghề và hơn 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Cùng với tuổi tác và yếu tố nghề nghiệp, hiện sức khỏe của chị đã suy giảm nhiều. Chị thường xuyên bị đau lưng, mỏi vai gáy và buốt dọc cánh tay. Có đợt chị phải nghỉ làm cả tháng để đi chữa bệnh. Nói về bệnh tình của mình, chị Nguyệt buồn bã cho biết: “Khám xong bác sĩ bảo tôi bị xẹp 3 đốt sống cổ, dây thần kinh bị chèn ép. Để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ hỏi tôi làm nghề gì. Sau khi biết tôi làm nghề may, bác sĩ bảo: Làm may thì chịu rồi, muốn chữa bệnh tốt nhất thì phải chuyển nghề”.

Chị Nguyệt cho biết thêm, ở công ty may chị làm có đến hơn 20% số công nhân lâu năm phải đeo đai lưng do gặp các vấn đề về cột sống. Với tình trạng sức khỏe như hiện nay, chị xác định làm thêm được ngày nào biết ngày ấy, không thể theo lâu dài.

Tương tự, chị Bùi Thị S., ở xã Tân Việt (Thanh Hà) sau 13 năm làm công nhân may cũng gặp một số vấn đề về sức khỏe, điển hình là đau lưng do ngồi nhiều. Chị S. còn hay bị ho do làm việc trong môi trường bụi vải. Để bảo đảm sức khỏe, chị S. đã cân nhắc rất nhiều và quyết định nghỉ làm. Khi nghỉ, chị S. cũng đã làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần vì chị mới đóng được 13 năm, còn thời gian khá dài nữa mới đủ điều kiện bảo lưu để sau này nhận lương hưu. Dù tiếc nhưng theo chị S. đây là lựa chọn tốt nhất đối với hoàn cảnh của chị. Vậy là chị S. đã rời một chính sách an sinh hàng đầu của nhà nước chỉ bởi vì lý do sức khỏe nghề nghiệp.

Công đoàn ngành công thương hiện là đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở Hải Dương quản lý số đoàn viên thuộc ngành may mặc, da giầy vào top cao trong tỉnh với khoảng 28.000 lao động. Ông Trần Đại Duyệt, Chủ tịch Công đoàn ngành công thương cho biết có rất ít lao động từ 50 tuổi trở lên còn đủ sức khỏe để làm việc trong lĩnh vực này, đặc biệt là những người ngồi trực tiếp máy may.

z5585923117541_b3441a261a5d7ce99c86b689cf248f2d.jpg
Thường xuyên ngồi một chỗ khiến công nhân may dễ mắc bệnh về cột sống (ảnh cơ sở cung cấp)

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Căn cứ theo tiêu chí này, rất nhiều công nhân ngành may, đặc biệt là lao động nữ khó có thể đáp ứng được. Đối với ngành may, người lao động thường làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, bị suy giảm khả năng lao động nên khó có thể đáp ứng nhu cầu công việc khi tuổi đã cao.

Mong được nghỉ hưu sớm

Do không đòi hỏi cao về trình độ nên công nhân ngành may thường đi làm rất sớm, chỉ từ 18-20 tuổi họ đã vào nghề. Vì vậy, để đủ tuổi về hưu, tuổi nghề của họ thường rất dài. Với điều kiện nghề đặc thù, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều như một số trường hợp nêu trên thì có rất ít người lao động ngành may được hưởng chế độ hưu do không thể bám trụ đến đủ tuổi nghỉ hưu. Điều mong mỏi lớn nhất của công nhân may là mong một chính sách “cởi mở”, đặc biệt giảm độ tuổi về hưu.

Ông Duyệt cho rằng để đáp ứng nguyện vọng công nhân ngành may, đồng thời với việc giảm độ tuổi về hưu, Luật Bảo hiểm xã hội cũng nên xem xét hạ độ tuổi giám định y khoa về hưu trước tuổi đối với những ngành nghề độc hại, trong đó có ngành may xuống 45 tuổi thay vì hơn 50 tuổi như hiện nay.

z5601610110059_eb639e4c88adf088daa557cf03a131cf.jpg
Do không thể làm lâu dài nên nhiều công nhân may rút bảo hiểm xã hội một lần (ảnh minh họa)

Về vấn đề này vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng nước ta nói chung, Hải Dương nói riêng đang ngày một già hóa dân số. Việc giảm tuổi nghỉ hưu sẽ không có lợi và không tận dụng được nguồn lực lao động cao tuổi. Tuy nhiên, đứng ở vị trí công nhân ngành may với nhiều yếu tố đặc thù thì nên cân nhắc.

Ông Trương Văn Lừng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương phân tích, ở nhiều nước trên thế giới, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động hiện tương đương hoặc cao hơn nước ta. Thực tế là đa phần những nước đó con người rất tự lập từ trẻ em đến người già. Do đó, khi cao tuổi, người già thường cô đơn và mong muốn đi làm để có môi trường giao tiếp và thu nhập ổn định cuộc sống. Còn ở Việt Nam là mô hình gia đình nhiều thế hệ. Người cao tuổi thường đảm nhận vai trò chăm lo gia đình nên mong muốn về hưu sớm là một nhu cầu chính đáng. Đối với nghề may còn vì lý do sức khỏe. Vì vậy khi hoạch định chính sách tuổi nghỉ hưu, các cấp, ngành nên xem xét để phù hợp nhất với người lao động Việt Nam.

Tính đến năm 2024, Hải Dương có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động về sản xuất trang phục (dệt may, da giầy), sử dụng hơn 88.000 lao động, trong đó riêng lao động nữ hơn 73.000 người.

THANH NGA