Lao động - Việc làm

Thu nhập người lao động tăng 7,4%

TB (theo VnExpress) 06/07/2024 13:04

Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Công nhân dệt may ở Đà Nẵng trong ca làm việc, tháng 6/2024. Từ ngày 1/7, lao động khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh lương tối thiểu vùng thêm 6%. Ảnh: Nguyễn Đông
Công nhân dệt may ở Đà Nẵng trong ca làm việc, tháng 6/2024. Từ ngày 1/7, lao động khu vực doanh nghiệp được điều chỉnh lương tối thiểu vùng thêm 6%

Riêng quý II, mức thu nhập trung bình tháng đạt 7,5 triệu đồng, giảm 137.000 đồng so với ba tháng đầu năm nhưng tăng 490.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các khoản phụ trội bổ sung, tiền thưởng, phúc lợi dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả dịp đầu năm.

Thu nhập bình quân tháng tăng ở hầu hết ngành kinh tế, trong đó một số ngành trội hơn gồm: cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 9,1 triệu (tăng 17,4%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 11,2 triệu (tăng 15,2%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 12,4 triệu (tăng 10,6%); kinh doanh bất động sản 11,2 triệu (tăng 6,9%).

Thị trường nửa đầu năm 2024 có điểm sáng khi lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195.700 người (tăng 0,38%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đất nước vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô trong độ tuổi lao động dồi dào, tăng hàng năm.

Cả nước còn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm khoảng 2,27% và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 là 8%, gấp hơn 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động của cả nước. Đây là lực lượng trẻ, có trình độ nên nhu cầu việc làm cao, nhiều cơ hội lựa chọn công việc đúng ý hơn là việc làm tạm thời. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị cao gấp 1,5 lần so với khu vực nông thôn.

Hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên là thách thức lớn mà thị trường lao động đang phải đối mặt, đặt ra tính cấp thiết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lao động phi chính thức vẫn chiếm trên 65% tổng lực lượng có việc làm của cả nước cho thấy thị trường dù hồi phục nhưng chưa bền vững.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm cũng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số này tăng do nhiều yếu tố, đáng kể là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4%. Trong đó riêng lương thực tăng 15,76%; thực phẩm 2,05%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,13%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,5%. Trong đó giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tăng 4,95%; giá điện tăng 9,45%; nước sinh hoạt 10,15%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,87%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do một số tỉnh thành tăng mức học phí năm học 2023-2024. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%.

Nhằm kiềm chế lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét không điều chỉnh nhiều loại giá dịch vụ do nhà nước quản lý cùng một thời điểm, tránh cùng lúc với tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cũng không nên dồn vào các tháng cuối năm, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

TB (theo VnExpress)