Sacombank phải trả 47 tỷ đồng cho khách "bỗng dưng mất tiền trong tài khoản"
Tòa tuyên Sacombank phải trả gần 47 tỷ đồng khách gửi tại ngân hàng nhưng "bỗng dưng bị mất" cùng tiền lãi và bồi thường.
Ngày 4/7, Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) tuyên án vụ bà Hồ Thị Thùy Dương kiện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền đã gửi cùng tiền lãi phát sinh. Bà Dương ủy quyền cho chồng là Lê Quang Vinh tham gia phiên tòa.
Bỗng dưng mất hết tiền trong tài khoản
Theo đơn khởi kiện, giữa năm 2022, tài khoản của bà Dương mở tại Phòng giao dịch Cam Ranh của Sacombank "bỗng dưng mất gần 47 tỷ đồng". Kiểm tra, bà phát hiện có tổng cộng 12 giao dịch rút số tiền trên, trong đó 9 lần rút tiền mặt trong khung giờ 18-21 giờ (ngoài giờ hành chính), 3 lần chuyển khoản mà bà Dương không biết người nhận.
Bà Dương khẳng định không thực hiện các giao dịch trên, thời điểm đó gia đình bà đang đi du lịch Phú Quốc. Sau nhiều lần làm việc với ngân hàng nhưng không đạt được yêu cầu, vợ chồng bà đã gửi đơn cầu cứu đến Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).
Đến tháng 4/2023, ngân hàng làm việc với vợ chồng bà, đồng ý hoàn trả 20 tỷ đồng (trong tổng số gần 47 tỷ đồng bà Dương đòi) nhưng yêu cầu phải đưa 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại tòa, ông Vinh giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Sacombank phải hoàn trả lại 26,9 tỷ đồng bị mất (đã trừ 20 tỷ đồng phía ngân hàng trả hồi tháng 4/2023), cùng với một số khoản lãi. Tổng số tiền ông Vinh yêu cầu Sacombank phải trả là hơn 36 tỷ đồng.
Đại diện Sacombank bác bỏ tất cả yêu cầu của vợ chồng ông Vinh, cho rằng 12 chứng từ rút gần 47 tỷ đồng đều có chữ ký của bà Dương. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa. Kết quả trưng cầu giám định cho thấy các chữ ký này là của bà Hồ Thị Thùy Dương.
Ngoài ra, phía Sacombank còn cho rằng 20 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản bà Dương là "tạm chi theo đơn đề nghị của khách hàng" chứ không phải do ngân hàng sai nên hoàn trả. "Ngân hàng đang chờ kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc tố cáo mất tiền của bà Dương", đại diện Sacombank nói.
Về các giao dịch ngoài giờ hành chính, phía ngân hàng giải thích "đây là việc hỗ trợ, phục vụ khách hàng".
Hội đồng xét xử đề nghị ngân hàng cung cấp các chứng cứ như hình ảnh, chứng minh việc bà Dương có mặt tại Phòng giao dịch Cam Ranh để thực hiện 12 giao dịch trên, song Sacombank chưa cung cấp.
Về chữ ký của bà Dương trong các chứng từ rút tiền, ông Vinh nói bà Dương đã bị cán bộ ngân hàng "gài" ký 12 giao dịch khi hoàn thiện hợp đồng vay 5 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Cam Ranh. "Giấy tờ được ký hợp thức hóa sau khi tiền trong tài khoản của vợ tôi đã được rút trước đó 2 tháng", ông Vinh trình bày tại tòa.
Trong phần tranh luận, đại diện Sacombank cho rằng vụ kiện này có liên quan đến vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, nên cần được xem xét sau khi vụ án hình sự trên được đưa ra xét xử để tránh chồng chéo, xung đột. Từ đó, luật sư đề nghị tòa dừng xét xử vụ kiện; bác yêu cầu khởi của nguyên đơn.
Trả lời vấn đề trên, tòa cho rằng gia đình bà Dương chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nên việc bà yêu cầu Sacombank trả lại tiền cho trong vụ án dân sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án tham ô tài sản của nhân viên ngân hàng.
Tòa: Sacombank có lỗi
Sau một ngày nghị án, Hội đồng xét xử xác định các tài liệu, chứng cứ thể hiện lỗi thuộc về Sacombank. Bà Dương không rút tiền mặt và chuyển khoản 47 tỷ đồng trong tài khoản. Đặc biệt, hai giao dịch ngày 13 và 5/6/2022 được thực hiện trong khi bà Dương đang đi du lịch ở Phú Quốc thể hiện rõ điều này.
Ngoài ra, quy trình rút tiền trong tài khoản của bà Dương cũng có nhiều sai sót. Cụ thể, việc rút tiền không bằng chính chủ tài khoản có mặt tại trụ sở phòng giao dịch, rút tiền ngoài giờ quy định, chuyển khoản với số tiền vượt quá hạn mức cho phép và mang chứng từ ra khỏi trụ sở ngân hàng trái quy định.
Từ đó, tòa tuyên Sacombank phải chịu trách nhiệm bồi thường và hoàn trả tiền cho bà Dương.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng cho rằng việc này đã gây ra cho gia đình bà Dương nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần, làm đình trệ kinh doanh, mất mối làm ăn, tốn nhiều thời gian đi lại để đòi tiền. Việc nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tương ứng với lãi suất gửi tiền là 5% (đối với số tiền gần 47 tỷ đồng) là có cơ sở.
Do vậy, tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc ngân hàng phải trả cho bà Dương số tiền gốc gần là 47 tỷ đồng (ngân hàng đã tạm chi trước 20 tỷ đồng, còn lại số tiền gần 27 tỷ đồng phải trả); số tiền lãi chậm trả tổng cộng hơn 7 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại 2,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tòa buộc Sacombank phải giao lại cho bà Dương 2 bản chính các giấy chứng nhận sử dụng đất mà ngân hàng giữ trước đó. "Ngân hàng là pháp nhân, hoạt động theo quy định của pháp luật, chỉ được niêm phong giữ giấy tờ cá nhân dựa trên hồ sơ vay vốn, liên quan đến cho vay...", tòa tuyên.
Liên quan đến vụ án này, Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Hà (cựu Phó Phòng giao dịch Cam Ranh) cùng 3 bị can là thủ quỹ, giao dịch viên về tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, ông Võ Việt Luân, 43 tuổi, cựu Trưởng Phòng giao dịch Sacombank Khánh Hòa, cũng bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360.
Nhà chức trách xác định khi còn giữ chức vụ, bà Hà đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi trái quy định. Ông Luân được cho là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, cấu kết và che giấu sai phạm của bà Hà.
Theo kết luận điều tra, bà Hà sử dụng thông tin tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm của khách hàng tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh để lập khống hồ sơ, chứng từ rút tiền từ ngân hàng nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân.
Tháng 4-9/2022, bà Hà đã rút hơn 17 tỷ đồng của một số khách hàng để chi trả các khoản nợ gốc, lãi phát sinh từ các khoản vay của 21 cá nhân cho mình mượn tiền. Hiện, Sacombank đã chi trả cho 4 khách hàng bị lừa hơn 17 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc và lãi phát sinh).
Khi bà Dương gửi đơn cho Sacombank báo mất số tiền gần 47 tỷ đồng trong tài khoản, bà Hà nói "đây là tiền vay, mượn bà Dương" chứ không phải do Hà tự ý thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, Hà và bà Dương chỉ có quan hệ khách hàng.
Theo người làm chứng là anh Phan Phúc Trí, cấp dưới của bà Hà, tháng 8/2022, anh có cầm hồ sơ giải ngân ra nhà bà Hồ Thị Thùy Dương để ký. Khi đi, bà Hà có đưa thêm xấp chứng từ và dặn "nhờ đưa cho chị Dương ký bổ sung giùm". Anh này nhìn thoáng qua thì thấy đây là những giấy tờ nhiệm chi, lệnh chuyển tiền, còn nội dung bên trong không rõ. Sau khi bà Dương ký thì anh cầm về gửi lại bà Hà.
Vụ án này sắp được đưa ra xét xử.