Y tế - Sức khỏe

Nỗi lo bệnh dại

BÌNH MINH 06/07/2024 11:00

Từ năm 2016 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận hàng nghìn người bị chó, mèo tấn công; 6 người chết vì bệnh dại sau khi bị chó cắn. Mới đây nhất là trường hợp một người dân ở TP Chí Linh tử vong khiến nhiều người lo lắng.

IMG_9656 2
Chó thả rông nhưng không đeo rọ mõm, không có người quản lý vẫn đang diễn ra phổ biến ở Hải Dương

Bắt nguồn từ sự chủ quan

Trường hợp mới nhất ở Hải Dương tử vong vì bệnh dại là anh V.V.T. (49 tuổi, ở thôn Tân Trường, xã Lê Lợi, Chí Linh). Cách đây gần 3 tháng, anh T. đã bị một con chó lạ từ ngoài đường đi vào nhà và cắn vào lòng bàn tay. Mặc dù bị chó cắn nhưng anh không đi tiêm phòng dại. Nếu anh T. không chủ quan có lẽ đã không phải bỏ mạng và khiến những người thân ở lại phải sống trong cảnh đau thương.

Từ năm 2016 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó cắn, trong đó TP Chí Linh có 4 ca. Thạc sĩ Cao Xuân An, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: "Tất cả những trường hợp này đều không tiêm huyết thanh kết hợp tiêm vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn. Có người tìm đến thầy lang để chữa trị nhưng vẫn không tránh được tử thần", anh An thông tin.

Những cái chết vì bệnh dại nói trên trước hết là do sự chủ quan của người bị chó cắn. Nói rộng ra, nó còn bắt nguồn từ chính những chủ nuôi chó và chính quyền các địa phương. Nếu chủ nuôi không thả rông, chỉ cho chó ra khỏi nhà khi đã được rọ mõm thì liệu chúng có cắn được người dân? Nếu chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong quản lý chó, mèo, phòng chống bệnh dại thì liệu hệ quả có đau lòng đến thế?

Theo quy định, chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo với chính quyền cấp xã, cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Xích, đeo rọ mõm, có người dắt khi đưa chó ra khỏi nhà để đề phòng cắn người khác. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định...

Tuy nhiên, việc thả rông chó ngoài đường hiện vẫn khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn. "Chỉ trong một thời gian ngắn, con chó thả rông của một hộ trong xóm tôi đã cắn 2 người, trong đó có con trai tôi. Cách đây ít tuần, một phụ nữ mang thai ở gần nhà tôi cũng bị một con chó thả rông ở chợ huyện cắn vào bắp chân, phải đi tiêm phòng. Tôi rất lo lắng khi gần như ngày nào đi bộ tập thể dục ngoài đường cũng gặp chó thả rông", bà H.T.N. ở Nam Sách cho biết.

img_9649.jpg
Nhiều người vẫn chưa nắm được quy định bắt buộc phải đeo rọ mõm cho chó khi dẫn ra ngoài đường

Theo quy định, chính quyền các địa phương có trách nhiệm quản lý số hộ nuôi chó, mèo, nắm chắc số lượng vật nuôi. Căn cứ tình hình thực tế, thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại, cưỡng chế tiêm vaccine dại cho chó, mèo. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vaccine dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật...

Tìm hiểu thực tế tại nhiều nơi cho thấy, chính quyền các địa phương mới chỉ tập trung nhiều cho công tác chỉ đạo tiêm phòng, việc tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trong phòng chống bệnh dại còn hạn chế, chưa được thường xuyên. Đặc biệt, việc xử phạt các trường hợp thả rông chó gần như không có. Một nhân viên thú y giấu tên thừa nhận: "Không ít chủ nuôi chó, mèo không khai báo, viện nhiều lý do để không tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo. Việc xử lý những trường hợp vi phạm càng khó vì mối quan hệ ràng buộc họ hàng, tình làng nghĩa xóm".

Trách nhiệm của người đứng đầu

img_0991.jpg
Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng (Gia Lộc) Nguyễn Văn Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng nhân viên thú y xã trực tiếp xuống các hộ dân vận động tiêm vaccine cho chó, mèo

Gần 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận 39 trường hợp tử vong vì bệnh dại, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Hải Dương, 5 tháng đầu năm đã có 635 người bị chó, mèo tấn công tìm đến các cơ sở y tế để tiêm huyết thanh, vaccine phòng dại, tăng 120 người so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thường xuyên có chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh trên đàn chó, mèo và yêu cầu chính quyền, người đứng đầu chính quyền các địa phương nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao.

Xã Hưng Long (Ninh Giang) gần như rất ít khi xuất hiện chó thả rông ngoài đường. Công tác tuyên truyền nhân dân đưa chó, mèo đi tiêm vaccine, phòng chống bệnh dại được tổ chức thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức. Ông Bùi Trác Nghiên, Chủ tịch UBND xã Hưng Long chia sẻ: "Trên đường đi làm hoặc đi cơ sở xuống các thôn nếu nhìn thấy có chó nhà ai thả rông là tôi sẽ vào nhắc nhở bà con ngay. Ý thức nhân dân vì thế đã tốt lên nhiều".

Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng (Gia Lộc) còn dành thời gian cùng nhân viên thú y xuống tận cơ sở để tuyên truyền, vận động một số hộ chưa tiêm vaccine cho chó, mèo thực hiện nghiêm quy định. Ông yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, các thôn đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống bệnh dại. Chỗ nào nhân dân chưa hiểu, còn chủ quan, ông sẽ trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động bà con.

Người đứng đầu chính quyền địa phương nào cũng phát huy trách nhiệm cao như ở hai địa phương trên thì chắc chắn việc phòng chống bệnh dại ở Hải Dương trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực.

Các bác sĩ lưu ý, người dân sau khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để tiêm phòng dại. Tiêm huyết thanh có tác dụng ức chế virus gây bệnh dại ngay lập tức nhưng vẫn cần kết hợp tiêm vaccine theo chỉ định để bảo đảm an toàn và tác dụng lâu dài. Người dân có thể tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và tất cả các cơ sở tiêm phòng dịch vụ.

BÌNH MINH