Làm giả giấy tờ chở cát trái phép hòng qua mặt cảnh sát đường thủy Hải Dương
Nhóm đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố đã liên kết với nhau làm, sử dụng giấy tờ giả để giúp các tàu chở cát trái phép qua chốt kiểm soát trên sông Kinh Thầy của Hải Dương.
Rủ nhau kiếm tiền bất chính
Theo quy định, các tàu thủy chở cát cần phải có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá theo quy định mới có thể đi qua được điểm tuần tra trạm Ba Kèo thuộc Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) lập tại tuyến sông Kinh Thầy qua phường Đồng Lạc (Chí Linh).
Biết việc có nhiều tàu chở cát trái phép muốn qua khu vực này nhưng không có giấy tờ theo quy định, cuối tháng 8/2023, Phạm Văn Dân (sinh năm 1975 ở phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng) bàn với Nguyễn Tiến Trung (sinh năm 1979, trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) cùng làm giả các giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá để bán cho các chủ tàu thủy có nhu cầu. Hai đối tượng thống nhất giá bán từ 3,5 - 4 triệu đồng/bộ tài liệu giả. Hai đối tượng phân công nhiệm vụ, Dân tìm cách làm giả tài liệu, Trung liên hệ để bán tài liệu giả. Mỗi bộ bán được, Trung hưởng 800.000 đồng, còn lại của Dân.
Trung xin được các bộ tài liệu thật (bản scan) của những người làm ăn cùng rồi gửi cho Dân để dựa vào đó làm các tài liệu giả. Do quen với Lê Văn Lân (sinh năm 1979 ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) chủ cửa hàng photocopy tại TP Hải Phòng nên Dân đến nhờ Lân làm giả giấy tờ và thống nhất trả cho Lân từ 300.000 - 500.000 đồng/lần làm giả tài liệu. Dân gửi cho Lân một số tài liệu theo mẫu Trung đã đưa cho để làm theo. Lân dùng các thiết bị có sẵn làm giả tài liệu gồm: 3 hóa đơn, 3 phiếu xuất kho, 2 hợp đồng vận chuyển của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phùng Hải; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Đăng.
Trung biết Lê Trung Tình (sinh năm 1984 ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) là người quen biết nhiều lái tàu thủy nên Trung thỏa thuận bảo Tình liên hệ với các tàu có nhu cầu mua giấy tờ giả khi qua trạm kiểm soát Ba Kèo để bán cho họ. Mỗi bộ giấy tờ giả bán được Trung sẽ chia cho Tình từ 100.000 - 200.000 đồng.
Ngày 25/8/2023, Dân gửi cho Trung 3 bộ giấy tờ giả gồm: 3 phiếu xuất kho, 3 hóa đơn giá trị gia tăng, 2 hợp đồng kinh tế cùng nhiều giấy tờ photocopy khác. Khi Trung đưa tài liệu cho mình, Tình chia ra thành 3 bộ để bán cho các tàu.
Trả giá
Các tàu NĐ - 3569 của Phạm Văn Hảo (sinh năm 1967); NĐ - 3568 của Phạm Văn Thục (sinh năm 1976, cùng ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định); NB - 8858 của Bùi Văn Tự (sinh năm 1985 ở xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) mua được hơn 2.500 m3 cát nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ba đối tượng đã chỉ đạo cho các thuyền viên cho tàu neo tại khu vực gần cầu Bình Than để chờ giấy tờ đi qua trạm Ba Kèo.
Biết các tàu trên chưa qua được trạm, trưa 29/8/2023, Tình liên hệ với Hảo bảo mình có thể làm giấy tờ giả cho tàu của Hảo đi qua trạm kiểm soát Ba Kèo. Cùng với đó, Tình cũng nhận lời làm giấy tờ cho tàu của Thục. Các bên thỏa thuận giá 1 bộ tài liệu giả 3,5 triệu đồng. Cùng thời điểm này, Tự thấy người đàn ông không quen biết ở tàu đỗ bên cạnh nói có thể mua được hồ sơ giả để qua trạm kiểm soát liền đến hỏi và xin được người này số điện thoại của Tình. Tự liên hệ và được Tình đồng ý bán cho 4 triệu đồng/bộ tài liệu.
Sau khi thống nhất việc mua bán, tối cùng ngày Tình cầm theo 3 bộ giấy tờ giả mang đến cho các chủ tàu. Đến tầm 21 giờ cùng ngày, khi các tàu NĐ-3569, NĐ-3568, NB-8858 lần lượt đi trên sông Kinh Thầy đoạn thuộc địa phận phường Đồng Lạc thì bị Tổ tuần tra kiểm soát Ba Kèo kiểm tra. Lực lượng công an phát hiện giấy tờ các tàu sử dụng có dấu hiệu làm giả liền lập biên bản vụ việc.
Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP Chí Linh đã đưa các bị cáo Dân, Trung, Lân, Tình ra xét xử về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; các bị cáo Hảo, Thục, Tự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Với hành vi phạm tội trên, tòa đã tuyên phạt: Dân 2 năm 8 tháng tù, Trung 3 năm 2 tháng tù, Tình 3 năm 1 tháng tù. Riêng Lân lĩnh 3 năm 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các đối tượng: Hảo bị phạt tiền 40 triệu đồng, Thục 38 triệu đồng và Tự bị phạt 35 triệu đồng.
Việc mua cát san lấp không có nguồn gốc hợp pháp của Hảo, Thục, Tự và các thuyền viên lái tàu không có đủ điều kiện theo quy định đang được cơ quan chức năng xem xét xử lý.