Góc nhìn

Đừng "đồng phục hóa" nông thôn

DƯƠNG LAN 05/07/2024 05:02

Mỗi địa phương ở Hải Dương cần tạo ra khác biệt trong xây dựng nông thôn mới, giữ gìn được bản sắc, nét đẹp của nông thôn, đừng "đồng phục hoá".

z5598590250697_8584d5d9f4dfbb2f637863867d45cb21.jpg
Những nhà gỗ cổ ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) vẫn được nhiều gia đình gìn giữ

Xưa làng tôi đất rộng, người thưa, có giếng nước trong mát. Đường vào mỗi xóm là những hàng rào bằng râm bụt, cúc tần, dậu mùng tơi phân chia ranh giới giữa đường và nhà hay nhà này với nhà khác.

Đó là xưa, còn bây giờ quê tôi đã khác. Những hàng rào xanh không còn mấy. Giếng nước giữa làng bị lấp. Nhưng đổi lại đường làng thênh thang hơn, ô tô vào tận cửa. Nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều, thu nhập của người dân cao hơn.

Không thể phủ nhận ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới với mỗi miền quê nhưng vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Vui vì sự phát triển nhưng tiếc là nhiều làng quê đang bị bê tông hóa và nhìn na ná giống nhau.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng khắc khoải vì điều này nên lần nào về thăm Hải Dương ông cũng không quên nhắc nhở người dân phải giữ gìn bản sắc riêng của làng, đừng "đồng phục hóa" nông thôn. Ông cũng sớm đề xuất Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình này nhằm cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa và những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022.

Mỗi địa phương cần tạo ra khác biệt trong xây dựng nông thôn mới nhưng phải giữ gìn được bản sắc, nét đẹp của nông thôn. Nông thôn mới cần được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giá trị truyền thống. Văn hóa cội nguồn của làng phải được gìn giữ. Nông thôn mới thông minh, hiện đại nhưng vẫn phải giữ gìn được nét riêng của mỗi làng quê.

Một số địa phương của Hải Dương đã làm được việc này. Ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) thay vì những bức tường gạch cao, cắm chi chít mảnh chai hay giăng đầy dây thép gai thì người dân ở đây vẫn giữ được những hàng rào râm bụt quanh nhà. Thậm chí để bảo vệ cây cầu đá cổ, một cây cầu khác được làm lệch sang một bên để nhân dân đi lại. Ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) khi xây dựng nông thôn mới không quên gìn giữ, bảo tồn những công trình cổ như: cổng làng, đình làng, nhà gỗ... Ở xã Gia Khánh (Gia Lộc) giếng làng vẫn được bảo tồn cẩn thận trong quá trình xây dựng nông thôn mới và những công trình ấy đã trở thành di sản của địa phương. Những câu lạc bộ chèo, ca trù được duy trì ở một số làng của các huyện Nam Sách, Bình Giang, Tứ Kỳ...

z5598592429556_8737f1cc8fed0d9df26850238a35be43-839135de8f973a871b3647de91c9360d.jpg
Để bảo vệ cây cầu đá cổ ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ), một cây cầu khác được xây dựng bên cạnh để nhân dân đi lại

Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Nhiều địa phương trong tỉnh đang trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tháng 6/2024, Hải Dương đã ban hành Quyết định số 1379QĐ/UBND quy định cụ thể một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu để Hải Dương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đổi mới từng vùng quê giai đoạn tiếp theo đã được xác định, trong đó nhấn mạnh đến những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh nhưng vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng, khác biệt của từng vùng.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp mỗi địa phương tự hào về những tiêu chí đạt được mà còn lưu giữ được những di sản, nét đẹp văn hóa đặc trưng. Không thể cố giữ làng như xưa nhưng quan trọng là làm gì để những ngôi làng hòa nhập vào cuộc sống đương đại và hồn cốt của làng vẫn được gìn giữ.

DƯƠNG LAN