Đề xuất nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội ở Hải Dương lên 550.000 đồng/tháng
Hải Dương đề xuất nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 550.000 đồng/tháng nhằm hỗ trợ những người thuộc diện bảo trợ xã hội trong cuộc sống và phù hợp với tình hình hiện nay.
Sáng 3/7, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị quyết về “Sửa đổi khoản 1 điều 1 của Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng và chế độ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/6/2021 của HĐND tỉnh Hải Dương”; kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước của ngành lao động, thương binh và xã hội 6 tháng đầu năm, những khó khăn, hạn chế, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 và những kiến nghị, đề xuất.
Theo tờ trình dự thảo, hiện nay, chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. Trợ cấp bình quân của những người thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh là 543.000 đồng/người/tháng, chỉ bằng 6,8% mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2023, bằng 35,6% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2023, tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng và mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng 2 lần. Vì vậy, chính sách trợ giúp xã hội chưa cao, chưa hỗ trợ được nhu cầu thiết yếu của những người thuộc diện bảo trợ xã hội.
Hiện nay, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 380.000 đồng/tháng, cao hơn 20.000 đồng/tháng so với quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính đã có kết luận điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng. Do vậy, để bảo đảm giữ nguyên được tỷ lệ mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cao hơn ít nhất 6% như hiện nay và có tính đến tỷ lệ lạm phát trong 2 năm gần đây là trên 3% thì mức chuẩn trợ giúp xã hội cần tăng lên 550.000 đồng/tháng.
Tại buổi làm việc, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành nghị quyết về sửa đổi khoản 1 điều 1 như trên.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị ngành lao động, thương binh và xã hội quan tâm đến lĩnh vực lao động, việc làm gắn với đào tạo nghề. Nâng cao trình độ tay nghề lao động chất lượng cao. Đánh giá đầy đủ công tác giới thiệu việc làm cho lao động. Gắn kết các trung tâm giới thiệu việc làm của sở, các tổ chức, đoàn thể, thậm chí cả tư nhân trong và ngoài tỉnh để tạo nên mạng lưới giới thiệu việc làm đồng bộ, đa dạng thông tin cho người lao động và doanh nghiệp. Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, cần xây dựng danh mục các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu theo chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao của tỉnh…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành lao động, thương binh và xã hội Hải Dương tiếp tục chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình trên cả 3 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Về lĩnh vực việc làm, ngành đã giới thiệu việc làm cho 3.441 người, tư vấn giới thiệu việc làm cho 4.771 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 4.633 người lao động Hải Dương đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động…