Truyện ngắn

Ngày hè sôi động

Truyện ngắn của TRẦN VĂN LỢI 06/07/2024 10:12

Tiếng những bước chân chạy huỳnh huỵch, rồi tiếng hô hét, tiếng reo mừng rộn vang khắp sân bóng. Những ngày hè sôi động giờ mới thực sự bắt đầu với những đứa trẻ của làng...

Truyện ngắn: ngay he soi dong

Mới hơn 5 giờ sáng mà nắng hè đã gay gắt khiến không gian ngột ngạt. Ánh nắng chói chang xuyên qua vòm cây, rọi vào song cửa sổ làm Hào tỉnh giấc. Đêm qua, làng bị mất điện khiến mọi người nháo nhác. Nhất là cánh đàn ông con trai đang xem dở trận bóng đá của giải EURO 2024 thì ti vi bỗng tắt phụt. Ai cũng ngao ngán vì vừa nóng bức, vừa tiếc không xem được trận bóng hấp dẫn. Họ cứ đảo ra, đảo vào từ đường lại vào nhà. Không ngủ được, cuối cùng cánh đàn ông dần dần tụ tập thành từng tốp ở cuối ngõ, bàn tán rôm rả về bóng đá. Mãi đến gần sáng họ mới giải tán. Lâu lắm rồi, Hào mới có được một đêm gần như thức trắng cùng cánh đàn ông của làng.

Chuyến về thăm quê lần này của Hào là theo lịch họp lớp thường niên của các bạn đồng môn cấp 2, nhân kỷ niệm 30 năm ra trường. Kỷ niệm năm chẵn nên ai cũng háo hức. Từ mấy tháng trước, các bạn đang làm ăn, công tác khắp trong Nam ngoài Bắc đều đã sốt sắng đặt lịch, hẹn hò nhau trên Zalo, Facebook. Chiều qua, Hào đã giao cửa hàng cho vợ trông nom rồi nhân tiện đưa con theo, vừa là về thăm ông bà, vừa cho con có dịp được trải nghiệm ngày hè ở quê. Lâu rồi, Hào mới có được cảm giác thư thái thế này.

Chợt có tiếng trẻ con xôn xao, rồi tiếng hò hét vang động từ phía đầu làng. Thì ra, đám trẻ con đã rủ nhau đá bóng. Nghe mẹ Hào kể, từ hôm được nghỉ hè, ngày nào bọn trẻ cũng chơi đá bóng, sáng một trận, chiều tối một trận. Cả đám trẻ con cởi trần, chân đất, cảm tưởng chúng không hề biết mệt dù chân tay đã sứt sẹo, nhiều chỗ chưa kịp lên da non.

Tiếng động của hơn chục đứa trẻ mười một, mười hai tuổi vừa huỳnh huỵch đá bóng vừa cổ vũ nhau khiến nhiều người nhà ở gần đó tỉnh ngủ. Bọn trẻ đang say sưa thì chợt đứng khựng lại, khi thấy bà Mơ xồng xộc chạy ra.

- Mấy thằng quỷ sứ kia, có xéo đi chỗ khác chơi không. Nói mãi rồi, chúng mày phá cổng nhà bà ra đấy à?

Hào không lạ gì cái giọng chua xeo xéo của bà Mơ bởi ngày còn nhỏ, anh chơi thân với thằng Mạnh - con trai cả của bà. Mỗi lần anh và thằng Mạnh cùng đám trẻ trong làng đi học về muộn vì ham đá bóng, tắm sông hay những buổi trưa trốn ngủ đi tìm tổ chim trên ngọn tre, bà Mơ đều vừa chạy đi tìm vừa mắng xeo xéo như thế. Thằng Mạnh lớn lên, đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc rồi lập nghiệp luôn ở bên đó. Nó mới gửi tiền về cho bố mẹ xây ngôi nhà khang trang nhất làng. Nhà đẹp từ cổng đẹp vào. Nghe nói, riêng cái cổng đã hết hơn một trăm triệu đồng. Trong đó, bộ cánh bằng inox sáng choang, hoa văn uốn lượn cầu kỳ đã tốn gần năm mươi triệu. Bộ cánh cổng ấy được bà Mơ lau chùi thường xuyên nên lúc nào cũng bóng loáng. Hằng ngày, mỗi khi mở ra hay khép vào, bà đều rất nhẹ tay, hết sức cẩn thận, khẽ khàng. Một tiếng kêu nho nhỏ khi cánh cổng không may va vào bờ tường cũng khiến bà giật mình, xuýt xoa.

Ấy vậy mà bọn trẻ chơi ở đâu không chơi, cứ kéo nhau về đoạn đường trước nhà bà mà đá bóng rầm rầm. Nhiều lúc chúng mải chơi ham bóng mà lỡ chân, khiến quả bóng da bay không theo chủ ý, đập “binh...binh” vào bộ cánh cổng, làm cả khối inox rung lên bần bật.

“Đi chỗ khác mà chơi”, câu nói của bà Mơ cứ văng vẳng trong đầu Hào. Nhưng còn chỗ nào mà đá bóng nữa đâu. Sân kho ngày xưa thì đã được chia ra, cho thuê để trồng hoa màu hết cả rồi. Ngoài đường to thì nhiều xe cộ qua lại. Làng giờ đã bê tông hóa...

Hào thuộc thế hệ “7X đời cuối” cùng trang lứa với gần hai chục đứa trong làng. Anh lớn lên khi làng quê bắt đầu chuyển mình sau khi xóa bao cấp nhưng nhiều “di tích” vẫn còn sót lại, gắn liền với tuổi thơ của thế hệ anh, như cái sân kho hợp tác xã. Sân kho nằm ở giữa làng, rộng chừng năm nghìn mét vuông, được lát loại gạch đã nung già, mặt viên gạch nào cũng nhẵn bóng. Sân kho vốn dùng để các cô, bác xã viên buộc trâu sau mỗi buổi đi cày về và là điểm tập kết thóc lúa, rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch. Rồi cả xe bò, xe cút kít, xe cải tiến... cũng được vứt ngổn ngang, kệ cho mưa nắng bào mòn.

Sau ngày ruộng vườn được chuyển khoán về từng hộ thì cái sân kho ấy bị bỏ hoang. Rồi gạch lát được người ta lột dần, khuân về xây nhà, xây bếp, lát ngõ... Vì thế, sân kho trở thành sân bóng của đám trẻ con trong làng. Những quả bóng được làm bằng rơm nhồi trong chiếc rọ đan bằng sợi đay hoặc là mớ giẻ rách được cuộn tròn lại và nai nịt gọn gàng, dù không được tròn trịa lắm nhưng cũng đã cùng Hào và chúng bạn lăn từ ngày này sang tháng khác.

Giải bóng đá EURO năm 1992 càng thổi bùng tình yêu với quả bóng tròn của lũ trẻ. Hồi ấy, cả làng Hào chỉ có mỗi chiếc ti vi đen trắng chạy bằng bình ắc quy của nhà ông Lự - người giàu nhất làng. Cánh đàn ông và đám trẻ con tối nào cũng túc trực chật sân ở nhà ông để xem bóng đá. Đặc biệt là bọn trẻ, chúng mê bóng đá đến quên ăn quên ngủ, suốt ngày bàn tán về những trận đấu và những cầu thủ. Rồi đi đâu cũng ông ổng hát “More than a game” (Hơn một trò chơi) - ca khúc của EURO 1992, dù nhiều đứa hát sai cả nhạc và lời.

Cũng dạo ấy, bố Hào có chuyến lên thành phố, nhân tiện mua cho cậu con trai một quả bóng da. Hào sung sướng và hãnh diện với đám bạn lắm, đi đâu cũng ôm bóng theo, rồi ngủ cũng đặt bóng dưới gầm giường như thể chỉ sợ nó lăn đi mất. Tụi trẻ vốn quen phải đá bóng rơm, bóng vải hay bóng nhựa, lần đầu tiên trong đời được đá bóng da nên đứa nào cũng háo hức. Còn Hào thì thấy mình oai lắm, quan trọng lắm khi tay vừa ôm quả bóng vừa chia đội hình, rồi phân công vị trí cho từng đứa.

Một hôm, trận bóng đá của các cầu thủ làng đang sôi nổi diễn ra thì tự dưng Hào cúi xuống, ôm lấy quả bóng, rồi gọi tất cả lại gần và nêu ý tưởng:

- Bây giờ, để trận đấu của chúng mình “oách” hơn thì theo tao, mỗi thằng tự chọn cho mình một biệt danh là tên một cầu thủ yêu thích trong các đội bóng tham gia giải EURO đang diễn ra! Riêng tao, tao lấy biệt danh là Hào “Béc-kăm” (Bergkamp - đội Hà Lan).

Cả bọn hào hứng đồng tình. Thằng Thanh thì lấy biệt danh “Pa-panh” (Papin - đội Pháp), thằng Hưng thì là Hưng “Mát-thau” (Matthaus - đội Đức), thằng Thịnh da đen tóc xoăn nên lấy biệt danh là Thịnh “Rai-các” (Rijkaard - đội Hà Lan), thằng Cảnh cao lêu nghêu thì gắn cho mình cái tên Cảnh “Vô-lơ” (Voller - đội Đức), thằng Mạnh thì chọn cho mình biệt danh “Cô-man” (Koeman - đội Hà Lan)... Thế là, các cầu thủ chân đất của làng toàn mang tên các danh thủ nổi tiếng thế giới.

Riêng thằng Dụng cứ loay hoay mãi chưa chọn được biệt danh cho mình. Nó quay nhìn Hào rồi phụng phịu nói với cả bọn:

- Tao cũng thích... Béc-kăm. Với lại, người tao cũng cao và gầy như danh thủ này!

- Nhưng tao ghi bàn nhiều hơn mày nên tao... giống Béc-kăm hơn. Mày chọn cái tên khác đi, Hào cự lại.

Thằng Dụng không chịu, vùng vằng bỏ về. Nhưng ra đến góc sân, nghĩ thế nào, nó vội quay lại.

- Thôi, vậy cũng được. Tao chọn cầu thủ Lát-sen (Larsen - đội Đan Mạch) nhé.

Rồi cả bọn lại cùng cười vui vẻ, lại lao vào quần nhau với quả bóng cho dù nhiều đứa đã rách lòng bàn chân do mảnh sành xẻ hay bật móng chân, tướp da đầu gối...

Theo năm tháng, tình yêu bóng đá lớn dần cùng đám trẻ trong làng nhưng cuối cùng vì nhiều lý do, chỉ còn mình Hào quyết tâm gắn bó. Tốt nghiệp cấp 3, Hào trúng tuyển vào Khoa Bóng đá của Trường Đại học Thể dục Thể thao. Và rồi cũng vì ham mê quá mà Hào bị đứt dây chằng khi tranh bóng với bạn trong một buổi học. Sau ca phẫu thuật, Hào được bác sĩ khuyến cáo phải rời sân cỏ vĩnh viễn. Đó thực sự là một cú sốc trong cuộc đời anh khi phải từ bỏ giấc mơ “quần đùi áo số” đã nung nấu bao năm.

Chưa có bao giờ Hào thấy chán nản đến thế. Anh buồn bã xin bảo lưu kết quả học tập rồi về quê dưỡng thương. Năm sau, Hào trở lại trường nhưng phải chuyển sang học Khoa Bóng bàn. Tốt nghiệp, Hào được nhận vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh, Thiếu nhi của tỉnh, phụ trách mảng bóng bàn. Để nuôi dưỡng tình yêu với thể thao khi mức lương còn eo hẹp, Hào phải mở thêm các khóa đào tạo ở bên ngoài hay làm trọng tài ở các sân “bóng đá phủi” kiếm thêm thu nhập. Rồi mùa EURO 2004 đến cùng với bước ngoặt trong cuộc đời Hào. Do bị rủ rê, anh tham gia vào một đường dây cá độ rộng khắp cả nước. Cơ quan điều tra kết luận, Hào dính vào vụ việc ở mức độ thấp. Dù không bị truy tố nhưng anh phải rời khỏi cơ quan.

Cú vấp ấy những tưởng sẽ chấm dứt tình yêu với bóng đá, với thể thao của Hào nhưng không, anh quyết tâm trụ lại thành phố để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Hào xin thuê lại một ki-ốt gần sân vận động thành phố, mở cửa hàng bán dụng cụ thể thao.

Công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi nhờ phong trào tập luyện thể dục thể thao ngày thêm sôi nổi. Từ khi lấy vợ, Hào mở rộng mạng lưới cung cấp. Sau gần hai mươi năm chuyên tâm kinh doanh, vợ chồng anh đã mua được nhà trên phố, sắm xe hơi và tích lũy được số vốn kha khá. Khi kinh tế đã dư dả, Hào còn theo đuổi thêm niềm đam mê nữa là sưu tầm đồ thể thao. Hào luôn ấp ủ dự định sẽ xây dựng một bảo tàng bóng đá nho nhỏ, vừa thỏa niềm đam mê của mình vừa để phục vụ những người yêu thích môn thể nào này.

Dự họp lớp xong, Hào chưa về thành phố ngay vì anh còn một việc quan trọng ở làng. Thong thả bước về phía sân kho ngày trước, giờ đang xanh mướt ngô khoai, ký ức tuổi thơ cứ ùa về trong lòng Hào. Anh trầm ngâm rồi chợt quay vội lại, bước về phía nhà ông Tứ cùng làng - người đang thuê mảnh vườn vốn là một góc của sân kho cũ.

- Anh nói sao? Anh đang buôn bán trên phố sao lại muốn thuê mảnh vườn của tôi?, ông Tứ ngạc nhiên hỏi.

- Vâng. Cháu muốn mở một sân bóng cho trẻ con làng mình chơi.

- Chỉ để làm sân bóng cho trẻ con thôi sao?, ông Tứ tỏ vẻ ngờ vực.

- Nếu được, cháu xin gửi bác tiền thuế sử dụng đất và tiền thu hoa màu hằng năm ạ.

- Nhưng anh nhớ rằng, đất vườn ấy vẫn thuộc sở hữu của xã, họ có quyền lấy ra bất cứ lúc nào. Anh đầu tư vào đấy, lúc nhà nước lấy ra, anh không có quyền đòi bồi thường đâu đấy.

- Vâng. Việc ấy thì cháu hiểu. Được năm nào, hay năm ấy ạ.

Rồi thủ tục sang nhượng quyền sử dụng mảnh vườn được nhanh chóng hoàn tất. Ngay chiều hôm ấy, Hào thuê máy xúc về san phẳng mảnh vườn, tạo thành một sân bóng rộng hơn nghìn m2. Anh còn nhờ người đi mua hơn chục cây tre dài và thẳng tắp, về dựng dọc theo đường biên chạy xung quanh sân bóng.

Việc mở sân bóng đá khiến ai cũng ngạc nhiên như gặp sự lạ. Người làng kéo ra xem đông lắm. Họ bàn tán sôi nổi. Nhiều người tỏ vẻ ngưỡng mộ Hào nhưng một số người nghi hoặc, bảo rằng anh mở sân bóng để kinh doanh kiếm lời. Thậm chí có người còn bĩu môi, cho rằng anh rởm đời, sĩ diện không phải lối. Đời còn bao nhiêu việc phải lo phải làm, sao có người dở hơi bỏ tiền đi làm sân chơi cho lũ trẻ... Ai nói gì, Hào cũng mặc kệ. Nhìn đám trẻ con mừng rỡ ra mặt và cứ chạy nhảy ngược xuôi trên sân là Hào vui rồi.

Sớm hôm sau, Hào đánh xe về thành phố rồi đầu giờ chiều, anh trở lại làng trong sự chờ đợi háo hức của đám trẻ con. Anh hướng dẫn tụi trẻ bắc thang, giăng lưới lên các cọc tre vây xung quanh sân bóng, rồi kẻ vạch, dựng cầu môn. Hào phát cho mỗi đứa một đôi giầy thể thao cùng bộ trang phục quần đùi áo số mới tinh và thả trên sân mấy quả bóng tròn căng đét. Xong xuôi, anh gọi bọn trẻ tập trung lại:

- Từ giờ, sân bóng này là của các cháu, của tất cả trẻ con trong làng mình. Cứ thỏa mái mà đá bóng, cứ tha hồ mà hò hét nhé. Khi nào giầy rách, bóng thủng thì chú sẽ mang về tiếp. Nào, giờ thì các cháu ra sân thôi.

Đám trẻ con khoái chí nhảy cẫng lên reo hò. Chúng vừa ngắm nhau, đứa nào cũng xúng xa xúng xính trong bộ đồng phục thể thao vừa chạy túa ra khắp sân. Tiếng những bước chân chạy huỳnh huỵch, rồi tiếng hô hét, tiếng reo mừng rộn vang khắp sân bóng. Những ngày hè sôi động giờ mới thực sự bắt đầu với những đứa trẻ của làng...

Truyện ngắn của TRẦN VĂN LỢI