10 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch hơn 10.000 tỷ đồng nửa đầu năm
TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với gần 93 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An cũng có doanh thu ấn tượng nửa đầu năm.
Nhận xét về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm, Cục Du lịch cho biết ngành đã "phục hồi mạnh mẽ" khi đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế và 66,5 triệu lượt khách nội địa, đều tăng so với năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 436.500 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 92,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023. Tổng lượt khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,7 triệu lượt, tăng 38% so với cùng kỳ 2023 và đạt gần 45% kế hoạch năm. Khách nội địa đạt hơn 17 triệu lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2023 và đạt 45% kế hoạch năm. Để đạt được thành tích này, Sở Du lịch thành phố đã tích cực tổ chức, tham gia nhiều sự kiện kích cầu, ra mắt 17 sản phẩm du lịch đường thủy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch.
Những năm trước, khi thời tiết bước vào giai đoạn nóng nhất của mùa hè cũng là lúc du lịch Hà Nội vào thời kỳ thấp điểm khách quốc tế. Tuy nhiên, thống kê cho thấy ngành du lịch Thủ đô bứt phá mạnh mẽ với tổng lượng khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ước đạt hơn 10 triệu lượt. Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm đạt gần 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ 2023.
Để có được kết quả này, Sở Du lịch đã khai trương nhiều tour, tuyến du lịch mới như Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội, phát triển các điểm du lịch ngoại thành. Ngoài ra, sở cũng đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh như tạo tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tour du lịch khám phá Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.
Đón lượng khách quốc tế gần bằng TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm là Khánh Hòa, với gần 2,4 triệu lượt, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 40% so với cùng kỳ. Lượng khách đông mang về cho tỉnh doanh thu du lịch hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ 2023.
Đứng ngay sau Khánh Hòa là Quảng Ninh, nơi có vịnh Hạ Long nổi tiếng, với doanh thu đạt hơn 22,2 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách đến Quảng Ninh đạt hơn 10,4 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ 2023, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt.
Nổi tiếng với hai vùng biển hút khách Sầm Sơn và Hải Tiến tại khu vực miền Bắc mỗi dịp hè, Thanh Hóa 6 tháng đầu năm thu về hơn 19,8 nghìn tỷ đồng từ du lịch. Tổng lượt khách ước đạt gần 10 triệu lượt, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 71% kế hoạch năm. Khách quốc tế ước đạt hơn 261 nghìn lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.
Nghệ An thu về hơn 16,6 nghìn tỷ đồng từ khách du lịch. Trong 6 tháng đầu năm gần 5,5 triệu lượt khách ghé thăm tỉnh, bằng 112% so với cùng kỳ 2023. Khách quốc tế ước đạt hơn 48 nghìn lượt, bằng 148% so với năm 2023.
Thống kê của Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất Việt Nam, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và các hoạt động du lịch ước đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng. Tổng số lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng 6 tháng đầu năm ước đạt 2 triệu lượt, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt, tăng gần 18%.
Tỉnh Bình Định ước đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đón 5,6 triệu lượt khách. Lũy kế 6 tháng Kiên Giang đón gần 5,5 triệu lượt khách, đạt gần 60% kế hoạch năm, trong đó đón hơn nửa triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt hơn 13,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó TP Phú Quốc ước đón hơn 3,3 triệu lượt khách, khách quốc tế gần nửa triệu lượt, mang về tổng thu hơn 11,2 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm ước đón hơn 4,58 triệu lượt, khách nội địa chiếm hơn 93%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước.
10 tỉnh, thành có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng khách nội địa bứt phá với mức tăng từ 20% đến 40% so với cùng kỳ. Doanh thu vượt trội so với nhóm các địa phương có thế mạnh du lịch khác, cũng tăng trưởng doanh thu như Quảng Bình (hơn 5.300 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 5.000 tỷ đồng), Huế (hơn 4.000 tỷ đồng) hay Quảng Nam (hơn 3.800 tỷ đồng).
Các tỉnh, thành đạt được kết quả tăng trưởng như trên một phần nhờ chính sách thị thực thông thoáng, thu hút khách quốc tế đến cùng các hoạt động xúc tiến du lịch kịp thời. Sự tăng trưởng này được coi như tín hiệu tích cực của ngành du lịch trong việc phục hồi và phát triển hơn trước dịch.