Gia đình

Ơn mẹ chồng

LÂM ANH 07/07/2024 15:00

Ba năm cô về nhà chồng chỉ bận sinh đẻ, hai con của cô cũng một tay bà chăm sóc không một lời ca thán, vậy thì làm việc này cho mẹ có nghĩa lý gì?

GĐXH ơn me chong

Mệt nhoài sau ca trực trở về nhà trời đã sầm sập tối, Trang vứt chiếc túi laptop vào một góc rồi trèo lên ghế sofa nằm khoèo. Thấy vợ mệt mỏi, Phú chạy lại hỏi han: Em mệt hả, anh lấy nước cho em uống nhé.

Tuy mệt nhưng Trang vẫn liếc chồng vì thấy lạ. Cô thầm nghĩ, không biết hôm nay chồng làm gì có lỗi với mình? Không đợi vợ đáp, Phú đã bê cốc nước mát đến cạnh cô, còn kèm theo một đĩa dưa hấu tươi rói.

Trang đón cốc nước từ tay chồng rồi hỏi:

- Các con đâu hết rồi anh?

- Anh bảo bà nội đưa chúng đi chơi hết rồi. Hôm nay, chỉ có góc riêng tư của vợ chồng mình thôi. Nói rồi, Phú kéo vợ vào lòng mặt đầy bí hiểm.

Thấy vợ nhìn mình dò xét, Phú bật cười: Thế lâu lâu anh chiều chuộng vợ chút có sao? Lạ lắm à?

Trang mỉm cười: Nhưng chắc cũng phải có chất xúc tác gì chứ nhỉ?

- Ừ, lúc chiều mẹ bảo anh có nhà muốn đổi ruộng nhà mình để tiện cho họ làm mô hình chuyển đổi thành trang trại. Ruộng thì đã bỏ không lâu rồi, anh bảo mẹ cứ thấy hợp lý thì làm mà mẹ nhất quyết bảo phải hỏi ý kiến em. Em đồng ý, mẹ mới làm đấy. Mẹ coi con dâu hơn con trai của mẹ rồi, Phú giả vờ giận dỗi.

- Không phải tự nhiên đâu nhé, vợ anh phải thế nào mẹ mới tin thế chứ, Trang lém lỉnh đáp.

Trang lấy chồng đã 8 năm, đồng nghĩa đã 8 năm cô đi làm dâu. Thời gian đầu về nhà chồng lạ nước, lạ cái, cô cũng dè chừng nhiều việc. Mà mẹ chồng, nàng dâu thì muôn đời có chuyện, nên cô đã định bụng sau khi cưới phải nhanh nhanh chóng chóng kéo chồng ra ở riêng.

Mẹ chồng góa bụa khi còn trẻ, một mình nuôi hai con ăn học. Ngày Trang về làm dâu, em chồng mới học năm đầu đại học. Trang vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên về thăm gia đình chồng. Dù Phú đã kể cho Trang nhiều lần nhưng khi gặp thực tế cô vẫn không thể ngờ anh lại lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn đến thế. Căn nhà cấp 4 không có gì đáng giá, duy có bộ ghế cũ kỹ kê giữa gian nhà trống trải. Như hiểu được ánh mắt ái ngại của Trang, mẹ chồng đã rào đón: "Con về đây làm dâu chắc chắn sẽ vất vả rồi. Con là dâu cả, mọi việc đối nội, đối ngoại sẽ đổ lên đầu. Hơn nữa nhà mình vẫn còn nặng gánh, em còn đang ăn học. Nhưng con yên tâm, nếu hai đứa không muốn ở đây mẹ sẽ cho hai đứa ra ở riêng, cũng để tiện cho các con còn phấn đấu".

Được lời như cởi tấm lòng, Trang thấy yên tâm hơn. Thực ra việc sẽ ra ở riêng Trang cũng nghe Phú nói. Vốn hiểu hoàn cảnh của mình nên ngay từ khi còn đi học, Phú đã vừa học, vừa kiếm việc làm thêm, rồi anh cũng tính toán kinh doanh để bớt gánh nặng cho mẹ, lo cho em ăn học. Cũng nhờ mẹ tin tưởng, có tầm nhìn xa, sẵn sàng cho Phú cắm sổ đỏ để vay vốn làm ăn, rồi hai mẹ con vun vén cũng mua được mảnh đất nhỏ ở đầu làng. Thế nên khi Phú định lấy vợ, mẹ đã nghĩ nếu con dâu không muốn ở đây mẹ sẽ cho ra đó sống riêng.

Nói là vậy nhưng ra sống riêng đâu phải dễ, bao vốn liếng của Phú đã dồn cả vào mảnh đất, rồi còn lo phụ mẹ nuôi em ăn học. Nếu ra ở riêng, vợ chồng cũng chưa có tiền xây nhà. Trang chấp nhận lùi thời gian ra ở riêng lại, cùng chồng giúp mẹ nuôi em, hơn nữa nếu sinh em bé thì vợ chồng Trang cũng cần có mẹ phụ giúp. Trang sinh liền 3 năm 2 đứa. Dù lương công nhân ba cọc ba đồng nhưng nhờ biết tính toán làm ăn, vợ chồng Trang cũng dư giả chút đỉnh.

Nhưng người tính không bằng trời tính, đứa em chồng học năm cuối đại học thì đổ đốn sinh hư, sa vào cá cược đỏ đen trên mạng, bỏ cả học. Cả nhà chỉ biết chuyện khi nó gọi điện về nhà bảo chồng Trang mang tiền lên cứu nó, vì nó nợ đến 300 triệu đồng. Nghe tin sét đánh, mẹ chồng khóc mếu, gương mặt đã sạm nay còn sạm hơn. Lúc ấy, Trang cũng vừa sinh xong đứa thứ hai. Khoản tiền quá lớn, cả số tiền vợ chồng cô tích góp cũng không đủ để trả, khiến Trang suy sụp. Nhưng không cứu em không được, nhìn đôi mắt đục ngầu bất lực của chồng, Trang thương trào nước mắt. Cô quyết định bán hết số vàng là của hồi môn bên ngoại cho hồi cưới, dồn số tiền hai vợ chồng tiết kiệm được rồi động viên chồng vay chạy thêm để cứu em.

Ai biết chuyện khi đó cũng bảo Trang dốt, anh em kiến giả nhất phận, thân đứa nào đứa nấy lo, sao lại đi lo chuyện bao đồng. Nhưng Trang nghĩ, vợ chồng Trang không lo thì mẹ chồng sẽ ra sao? Chẳng phải những gì vợ chồng Trang đang có cũng là công gây dựng của mẹ mà có, giờ mẹ có chuyện, cô nỡ lòng nào đứng ngoài? Ba năm cô về nhà chồng chỉ bận sinh đẻ, hai con của cô cũng một tay bà chăm sóc không một lời ca thán, vậy thì làm việc này cho mẹ có nghĩa lý gì? Nghĩ vậy, Trang thấy nhẹ lòng.

Sau bận đó, em chồng cũng được bài học nhớ đời, quay về chăm chỉ học hành, rồi cũng lấy được tấm bằng đại học. Học xong, vợ chồng Trang lại lo cho em lưng vốn đi lao động nước ngoài. Đời không phụ công người, em chồng ổn định cũng gửi tiền về trả cho vợ chồng Trang, mẹ chồng cũng bớt lo lắng. Kinh tế gia đình ổn định trở lại. Mẹ gọi vợ chồng Trang vào bảo:

- Giờ em các con đã kiếm được việc làm ổn định, kinh tế gia đình cũng không còn quá khó khăn. Các con có sức cứ ra ở riêng, đừng lo cho mẹ.

Nghe mẹ chồng nói, Trang thương bà nên bảo: Mấy năm về làm dâu của mẹ, con đã quen có mẹ rồi. Mẹ cứ cho chúng con ở đây với mẹ. Bao giờ chú ấy lấy vợ thì vợ chồng con xin đi.

Nghe Trang nói vậy, Phú cũng bất ngờ. Mẹ chồng thì rưng rưng xúc động. Khỏi phải nói, bà vui thế nào. Vì biết sống và nghĩ cho nhau nên mẹ chồng, nàng dâu không mấy khi căng thẳng. Còn chuyện gia đình, khi nào có việc cần, mẹ chồng cũng đều tôn trọng hỏi ý kiến Trang, cô có quyết, bà mới làm.

LÂM ANH