Công nghiệp

Bức tranh kinh tế-xã hội Hải Dương 6 tháng đầu năm 2024. Bài cuối: Phát triển doanh nghiệp gặp khó khăn

DŨNG CƯỜNG 06/07/2024 11:00

Bên cạnh những điểm sáng nổi bật, bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Hải Dương vẫn còn một số hạn chế, cần sớm được tháo gỡ. Một trong số đó là tình hình phát triển doanh nghiệp gặp khó khăn, có dấu hiệu thụt lùi.

z5585150820581_2737863cca7807fe194057e173640ef4.jpg
Hơn 99% hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới ở Hải Dương được giải quyết trực tuyến

Tổng số doanh nghiệp giảm đi

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh có 827 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đăng ký 6.928 tỷ đồng, tăng 4,2% về số lượng và 1,3% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cùng thời gian trên toàn tỉnh có 1.071 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 14,3% nhưng chỉ có 362 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2023, Hải Dương ghi nhận tình hình phát triển doanh nghiệp khả quan khi có hơn 1.800 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng và 1.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, vượt chỉ tiêu đề ra.

4 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp mới thành lập ở Hải Dương cũng tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có 650 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đăng ký 5.817 tỷ đồng, tăng 6,9% số lượng doanh nghiệp, tăng 9,3% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển thêm 226 chi nhánh, văn phòng đại diện và có 279 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Song đến tháng 5, tháng 6 thì phát triển doanh nghiệp của tỉnh bị chậm lại. Năm 2024, Hải Dương tiếp tục đặt mục tiêu số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 15%. Tuy nhiên so sánh số liệu cho thấy 6 tháng đầu năm 2023 Hải Dương có 20.820 doanh nghiệp đang hoạt động thì cùng kỳ năm 2024 giảm xuống còn 20.586. Điều này cho thấy số lượng doanh nghiệp được thành lập và trở lại thị trường thấp hơn số doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể. Đây là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh năm 2024.

Bên cạnh đó, dư địa phát triển doanh nghiệp mới từ hộ kinh doanh ở Hải Dương rất lớn, song những năm gần đây tỉnh vẫn chưa khai thác hiệu quả lợi thế này. Năm 2024, Hải Dương chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là có 50 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nhưng nửa đầu năm mới chỉ có 16 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh "ngại lớn” do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ngoài mơ hồ kiến thức về quản trị doanh nghiệp thì sự đồng hành của các cấp, các ngành vẫn còn mờ nhạt. Mặt khác khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh buộc phải chuyên nghiệp trong các vấn đề về thủ tục, hóa đơn, về sản xuất, kinh doanh, lao động, thuế... Vì vậy, nhiều hộ "ngại" phát triển thành doanh nghiệp.

Giải pháp tháo gỡ

z5585105686782_2b0123c7fa3eb0698a661c0846530703 (1)
Phần lớn các doanh nghiệp mới thành lập đều có quy mô nhỏ nên cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy, mở rộng sản xuất

Hải Dương được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là một trong những địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023, tỉnh xếp thứ tư cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng về chỉ số gia nhập thị trường. Đây là chỉ số quan trọng trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để phát triển doanh nghiệp ổn định, bền vững.

Thời gian qua, Hải Dương có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và đem lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chưa đủ lực để thúc đẩy doanh nghiệp mới thành lập phát triển. Phần lớn chính sách mới chỉ quan tâm tới hỗ trợ về mặt thủ tục, giấy tờ nên doanh nghiệp ít đăng ký thụ hưởng. Có những chế độ hỗ trợ phải theo quy trình phức tạp, do đó không khích lệ được doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp thành lập mới phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài như môi trường đầu tư, thị trường tiêu thụ, tình hình kinh tế khu vực… Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ trong quá trình sản xuất, kinh doanh vì khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh trong giai đoạn này. Thế nên việc hỗ trợ “đầu vào” sẽ không phát huy hiệu quả, nhất là khi các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh ngày càng được đơn giản hóa. Vì vậy, các sở, ngành cần có cơ chế hỗ trợ đúng và trúng để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.

Một vấn đề lớn nữa là xây dựng hệ sinh thái phát triển đa ngành, chú trọng lĩnh vực đặc thù, thế mạnh để các doanh nghiệp nương tựa vào nhau, khai thác lợi thế của các doanh nghiệp khác để cùng nhau phát triển.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1 trong 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Hải Dương đề ra trong năm 2024. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế lâu dài, bền vững của tỉnh. Từ thực trạng phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện để tháo gỡ điểm nghẽn này. Không chỉ quan tâm đánh giá số doanh nghiệp thành lập mới mà cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phải phân tích về số lượng doanh nghiệp giải thể và hoạt động trở lại để có định hướng phát triển phù hợp.

Hải Dương đang xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mới để thay thế cho chính sách cũ đã không còn phù hợp. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách, ngoài các căn cứ pháp lý, cơ quan tham mưu đã tham khảo cơ chế hỗ trợ phát triển ở một số địa phương khác để vận dụng linh hoạt. Từ đó xây dựng chính sách thỏa đáng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của doanh nghiệp thành lập mới. Trong đó quan tâm hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, phát triển nhân lực, chuyển đổi số… giúp những doanh nghiệp còn non trẻ có thêm "sức đề kháng", thích nghi nhanh với thị trường. Đồng thời hạn chế tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động.

DŨNG CƯỜNG